Sách thiếu nhi 18+: Lỗi người lớn, trẻ con phải chịu!

19:01 | 14/08/2014

2,782 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuốn “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành đang gây tranh cãi trong dư luận vì có một số trang tả cảnh một con chim âu yếm, mơn trớn với một người con gái.

Trong cuốn sách "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú" có đoạn viết: "Cái cổ của con chim cọ mãi vào ngực nàng, cả cơ thể nó cứ chà sát mãi vào thắt lưng nàng, cặp mỏ hơi bẹt của nó cứ dúi mãi vào hai bầu vú cương cứng của nàng khiến nàng không sao nhúc nhích được, cứ phải nằm bất động như hóa đá.

Má nàng đỏ rực như người uống rượu, tim nàng đập rộn lên, mắt nàng khẽ khép lại... Đến lúc dần tỉnh lại thì nàng không thấy con chim trắng đáng yêu đâu nữa. Trên cơ thể nàng hình như vẫn còn lại những rung cảm êm dịu, vẫn còn lại cái cảm giác râm ran không sao cảm nhận được rõ ràng...".

Đoạn trích trong cuốn "Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú”

Thực chất nội dung 18+ này là một đoạn trong Thần thoại Hy Lạp do tác giả Gia Mạnh sưu tầm và biên soạn, NXB Văn hóa Thông tin ấn hành. Đoạn trích được đưa vào cuốn sách này nằm trong câu chuyện Leda và con thiên nga; trong đó, con thiên nga do thần Dớt (Zeus) hóa thành, vì say mê Leda nên vị thần tối cao hóa thành thiên nga để tư tình với nàng… Nhiều ý kiến cho rằng, có thể tác giả Gia Mạnh đã dịch đúng từ nguyên tác nhưng những người làm công tác biên tập nên cắt bớt để ngôn từ phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi cũng như văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng đây không phải lần đầu tiên các nhà xuất bản mắc lỗi trong công tác quản lý và biên tập, dẫn tới việc cho ra đời những cuốn sách dành cho thiếu nhi có nội dung... "người lớn". Trước đó, nhiều truyện cổ tích Việt Nam sau khi chuyển thể sang truyện tranh đã bị cắt gọt, không đúng hoặc sai lệch so với nội dung ban đầu. Đơn cử như trong "Sự tích bánh chưng bánh dày", Lang Liêu mơ thấy thần linh về báo mộng, bày cách làm món ăn từ hạt gạo để dâng vua cha được biến tấu thành cảnh Lang Liêu mơ thấy mình lạc vào cuộc thi "Vào bếp với người nổi tiếng". Và sau đó đại hoàng tử bị ngộ độc thực phẩm vì những món ăn tự chế cốt để dâng vua. Còn anh Khoai trong "Cây tre trăm đốt" được nhuộm tóc màu xanh lá cây... Hay sách thiếu nhi in hình cờ Trung Quốc trên cổng trường Việt Nam, những bài ca dao mang nội dung bạo lực, phản cảm và lỗi sai chính tả tràn lan, đếm không hết ...

Cổng trường Việt Nam có cờ Trung Quốc?!

Theo mổ xẻ của giới chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ngành xuất bản đang bị lỗi của cả hệ thống. Từ khâu lựa chọn sách để mua bản quyền dịch đến việc thực hiện, biên tập rồi kiểm duyệt trước khi cấp phép in và sau khi nộp lưu chiểu đều không chặt chẽ, cẩn trọng nên dẫn tới những lỗi sai nghiêm trọng vẫn tràn lan.

Vậy thì, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi những ấn bản phẩm được cho là độc hại, "bẩn", "rác"… vẫn được xuất bản và bày bán trên thị trường? Phải chăng chỉ vì một phút lơ là, cẩu thả, thiếu sót về chuyên môn của bộ phận biên tập; cũng như sự tắc trách, không kiểm soát của bộ phận quản lý của các nhà xuất bản mà người gánh hậu quả chỉ là những đứa trẻ ngây thơ?

Trước thực trạng những cuốn sách cho thiếu nhi có nội dung “rác” đang tràn lan, thiếu kiểm định như hiện nay, ông Phạm Quốc Chính - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành nhận định: “Sai phạm đến đâu, Cục Xuất bản sẽ xử lý đến đó. Vấn đề này cần được xử lý một cách nghiêm túc vì sách dành cho thiếu nhi để xảy ra tình trạng như vậy, ảnh hưởng là không nhỏ”.

Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc để lọt cuốn truyện cổ tích dành cho thiếu nhi có chứa nội dung nhạy cảm ra thị trường là trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan. Trách nhiệm không chỉ thuộc về NXB Văn hóa Thông tin mà phía cơ quan quản lý là Cục Xuất bản cũng có phần trách nhiệm.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhận lỗi hay đổ lỗi loanh quanh, không có những hành động hay biện pháp thiết thực hơn nữa trong việc kiểm duyệt nội dung sách, đặc biệt là mảng sách dành cho thiếu nhi, thì những ấn phẩm có nội dung lệch lạc, sai phạm như thế này vẫn sẽ được bày bán công khai.

Hơn lúc nào hết, thay vì lợi nhuận và chạy theo thị hiếu của một bộ phận công chúng, những người làm công tác xuất bản và thanh tra cần tự chỉnh đốn, nâng cao chất lượng biên tập, kiểm soát mặt hàng sách truyện đang quá xô bồ như hiện nay, để đưa tới tay độc giả nhỏ tuổi những sản phẩm văn hóa giá trị, có ý nghĩa giáo dục nhận thức và định hướng quan điểm, suy nghĩ đúng đắn. Có như vậy, những ấn phẩm độc hại sẽ không tồn tại được, trả lại cho những cuốn sách giá trị chân – thiện – mỹ vốn có của nó. 

Nhà văn Lê Tấn Hiển - một tác giả đã có khá nhiều ấn phẩm viết cho thiếu nhi, cho biết: "Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đây vẫn là một lỗi không thể chấp nhận được của những người làm sách, biên tập và cơ quan cấp phép. Có thể đó chỉ là đôi ba dòng hay một trang giấy, người lớn chúng ta đọc thì không thấy vấn đề gì, nhưng phải nhớ rằng, đây là sách dành cho thiếu nhi. Thử hỏi với những câu chữ gợi dục, nhạy cảm ấy, các em ở tuổi chưa hẳn người lớn, nhưng cũng không còn trẻ con nữa, sẽ nghĩ đến chuyện gì?

Và thực chất chuyện có "sạn" trên sách thiếu nhi trong khoảng vài năm trở lại đây đã không phải là việc mới lạ hay chưa từng xảy ra. Điều đó càng chứng tỏ, lâu nay công tác cấp phép, biên tập và quản lý ấn phẩm qua các đầu nậu ở ta cực kỳ lỏng lẻo và tùy tiện!"

Khánh An - Thanh Huyền