Năng lượng sạch có thể thay thế 66% khí đốt nhập khẩu từ Nga?

06:44 | 24/03/2022

491 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một phân tích mới từ các tổ chức Ember, E3G, RAP và Bellona nhấn mạnh bối cảnh hiện nay là cơ hội lớn để Liên minh châu Âu (EU) bắt kịp nhanh chóng và mở rộng các giải pháp năng lượng sạch, nhằm tăng cường an ninh năng lượng vào năm 2025.

Những giải pháp chính được các tổ chức nghiên cứu năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng đưa ra gồm: Các giải pháp năng lượng sạch có thể thay thế 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào năm 2025; Không xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt mới cũng như nhà máy điện than.

Xu hướng chuyển dịch năng lượng diễn ra mạnh mẽ
EU đang bị Nga buộc phải chuyển dịch năng lượng trong 3 năm tới.

Theo đó, nhập khẩu khí đốt của Nga có thể được cắt giảm 66% bằng cách triển khai chương trình “Fit for 55” (Giảm phát thải 55% cho tới năm 2030) của EU cũng như đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời, tiết kiệm năng lượng và điện khí hóa. Con số này tương đương với việc cắt giảm 101 tỷ m3 khí tự nhiên. Hiện nay, cần phải có một sự cải tiến khẩn cấp trong chính sách về năng lượng của EU để đạt được tiến độ triển khai cần thiết.

Bà Sarah Brown - Nhà phân tích cấp cao về khí hậu và năng lượng của tổ chức Ember nhấn mạnh: “Năng lượng tái tạo tự sản xuất tạo ra một lối thoát để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào khí đốt của Nga ở châu Âu. EU có thể tự ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2025, nhanh hơn so với mục tiêu mà REPowerEU (kế hoạch hành động chung châu Âu vì nguồn năng lượng có thể tiếp cận được, đảm bảo và bền vững của Ủy ban châu Âu) công bố gần đây là năm 2027. EU có thể thực hiện điều này mà không làm chậm lại việc cắt giảm điện than, hoặc thay thế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng một loại nhiên liệu khác, thông qua việc triển khai nhanh chóng các giải pháp năng lượng sạch. Cần phải có hành động ngay lập tức và cam kết lớn trên toàn EU để đạt được cả mục tiêu hiện tại về năng lượng tái tạo của Fit for 55 cũng như đẩy mạnh việc triển khai năng lượng gió và năng lượng mặt trời cần thiết”.

Hiện nay, an ninh năng lượng (nguồn cung) của EU phụ thuộc vào khí đốt của Nga, bởi vậy muốn giảm sự phụ thuộc này thì trước hết EU phải hủy bỏ kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt mới như các kho cảng LNG, trạm cung cấp khí đốt… Theo các nhà phân tích, châu Âu chỉ cần sử dụng 51 tỷ m3 khí đốt từ nguồn thay thế được nhập khẩu thông qua cơ sở hạ tầng hiện có là đủ.

Các nhà phân tích cho rằng, châu Âu cũng không cần mở rộng thêm điện than. Mà ngược lại cần lên kế hoạch đóng cửa dần các nhà máy điện than đã lỗi thời về công nghệ cũng như lượng phát thải cao. Các biện pháp trên sẽ cho phép EU đạt được mức giảm nhu cầu khí đốt cần thiết mà không làm chậm lại việc cắt giảm sản xuất điện từ than đá.

Ông Jan Rosenow - Giám đốc Chương trình châu Âu, RAP cho rằng: "Việc sử dụng khí đốt nhiều nhất ở châu Âu là để sưởi ấm các tòa nhà. Sử dụng các biện pháp cách nhiệt và chuyển đổi từ các lò sưởi hơi sang hệ thống bơm nhiệt là chìa khóa để giảm nhu cầu khí đốt trong các tòa nhà. Điều này sẽ đòi hỏi các mục tiêu tiết kiệm năng lượng chặt chẽ hơn và các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu tham vọng hơn cho các tòa nhà. Chúng ta cần ngừng trợ cấp công cho các lò hơi sử dụng khí đốt và cần luân chuyển nguồn quỹ đó cho các công nghệ sưởi ấm sử dụng năng lượng sạch như hệ thống bơm nhiệt. Cần phải nhanh chóng chấm dứt việc lắp đặt các lò sưởi hơi sử dụng khí đốt trong các tòa nhà mới".

Sắp tới, tại phiên họp của Hội đồng châu Âu (ngày 24 và 25/3), các nước thành viên EU sẽ thảo luận về phản ứng của châu Âu đối với việc Nga tấn công Ukraine, bao gồm cả những tác động đối với lĩnh vực năng lượng của EU.

Cuộc họp này diễn ra theo đề xuất của REPowerEU nhằm giảm lượng tiêu thụ khí đốt của Nga, điều sẽ được chứng minh trong vài tuần tới. Ủy ban châu Âu gần đây cũng thông báo rằng họ có thể chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027 (thông tin chi tiết sẽ được công bố vào tháng 5/2023).

P.V

Bỉ thúc đẩy việc đưa ra giới hạn giá khí đốt trong EU Bỉ thúc đẩy việc đưa ra giới hạn giá khí đốt trong EU
Reliance thúc đẩy phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và vận tải Reliance thúc đẩy phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và vận tải
Lượng khí thải CO2 tăng cao kỷ lục trong năm 2021 do đốt than Lượng khí thải CO2 tăng cao kỷ lục trong năm 2021 do đốt than
Việt Nam ưu tiên dự án năng lượng sạch phù hợp quy hoạch chung Việt Nam ưu tiên dự án năng lượng sạch phù hợp quy hoạch chung

  • vietinbank