Lượng khí thải CO2 tăng cao kỷ lục trong năm 2021 do đốt than

17:59 | 10/03/2022

595 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng khí thải carbon dioxide (CO2) liên quan đến năng lượng đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử vào năm ngoái, khi các nền kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19 với sự phụ thuộc nhiều vào than đá.

Báo cáo nêu rõ lượng khí thải CO2 toàn cầu liên quan đến năng lượng đã tăng 6% vào năm 2021 để đạt mức cao kỷ lục 36,3 tỷ tấn và xác định việc sử dụng than là nguyên nhân chính khiến lượng khí thải tăng cao.

IEA cho biết: “Sự phục hồi của nhu cầu năng lượng vào năm 2021 là do thời tiết bất lợi và điều kiện thị trường năng lượng - đặc biệt là giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến - dẫn đến việc đốt nhiều than hơn mặc dù sản lượng điện tái tạo cũng đạt mức tăng trưởng lớn nhất từ ​​trước đến nay”.

Một nhà máy điện than tại Trương Gia Khẩu, Trung Quốc
Một nhà máy điện than tại Trương Gia Khẩu, Trung Quốc

Theo ước tính của IEA dựa trên phân tích từng loại nhiên liệu và theo khu vực, than đá là nguyên nhân dẫn đến hơn 40% mức tăng trưởng tổng thể về lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới vào năm ngoái, đạt mức kỷ lục 15,3 tỷ tấn.

Lượng khí thải CO2 từ khí đốt tự nhiên tăng trở lại cao hơn mức năm 2019 lên 7,5 tỷ tấn. Trong khí đó, lượng khí thải CO2 từ dầu là 10,7 tỷ tấn. Lượng khí thải từ dầu thấp hơn đáng kể so với trước đại dịch do sự phục hồi hạn chế trong hoạt động vận tải toàn cầu vào năm 2021, chủ yếu trong lĩnh vực hàng không.

Theo IEA, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng lượng khí thải. Trung Quốc đã tăng 750 triệu tấn khí thải CO2 từ năm 2019 đến năm 2021. Chỉ riêng trong năm 2021, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã tăng trên 11,9 tỷ tấn, chiếm 33% tổng lượng khí thải toàn cầu.

Mặc dù việc sử dụng than tăng vọt, IEA cũng lưu ý rằng năng lượng tái tạo và điện hạt nhân đã cung cấp tỷ trọng sản xuất điện lớn hơn so với nhiên liệu hóa thạch vào năm 2021. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đã vượt quá 8.000 TWh vào năm ngoái.

Mặc dù vẫn là một nguồn điện quan trọng, nhưng than đá có tác động đáng kể đến môi trường.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ liệt kê một loạt các loại khí thải từ quá trình đốt than bao gồm carbon dioxide, sulfur dioxide, các hạt và oxit nitơ. Ở những nơi khác, Greenpeace đã mô tả than là “cách sản xuất năng lượng bẩn nhất, ô nhiễm nhất”.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết rõ ràng là sự phục hồi kinh tế từ Covid-19 không phải là một sự phục hồi bền vững. "Thế giới hiện phải đảm bảo rằng sự phục hồi toàn cầu về lượng khí thải vào năm 2021 là một lần duy nhất, và rằng quá trình chuyển đổi năng lượng nhanh chóng góp phần vào an ninh năng lượng toàn cầu và hạ giá năng lượng cho người tiêu dùng".

Các phát hiện của IEA chỉ ra sẽ còn nhiều nhiệm vụ nặng nề để đạt được các mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận Paris 2015 và Hiệp ước khí hậu Glasgow. Trong khi các nền kinh tế lớn đang cố gắng tăng cường công suất năng lượng tái tạo, thế giới vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.

Trung Quốc tăng sản lượng than và dự trữ để đảm bảo cung cấp điệnTrung Quốc tăng sản lượng than và dự trữ để đảm bảo cung cấp điện
Giải pháp chống sự nóng lên toàn cầuGiải pháp chống sự nóng lên toàn cầu
Làm thế nào để thế giới đạt mục tiêu net-zero CO2 trước năm 2050?Làm thế nào để thế giới đạt mục tiêu net-zero CO2 trước năm 2050?
Thị trường khí đốt toàn cầu trong tiến trình khử carbon: triển vọng và thách thứcThị trường khí đốt toàn cầu trong tiến trình khử carbon: triển vọng và thách thức
IEA khuyến nghị cần chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạchIEA khuyến nghị cần chấm dứt ngay lập tức mọi hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch

PV