Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 7]: Cập nhật diễn tiến tái khởi động điện hạt nhân

09:52 | 22/08/2021

256 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công ty Điện lực Kansai đã tái khởi động lò phản ứng số 3 hơn 40 năm tuổi của Nhà máy điện hạt nhân Mihama (ngày 23/6/2021).

Sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 thuộc Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) năm 2011, thời gian vận hành tối đa của một lò phản ứng hạt nhân được quy định là 40 năm. Do đó, đây là lò phản ứng trên 40 năm tuổi đầu tiên của Nhật Bản được tái khởi động kể từ khi ban hành quy định này. Cho đến nay, đã có 10 lò phản ứng hạt nhân được tái khởi động kể từ sau sự cố Fukushima và tất cả đều là lò PWR.

Khác với năm 2019 và 2020 không có lò phản ứng nào được tái khởi động, năm nay những lò phản ứng hạt nhân đã đạt Tiêu chuẩn quy định mới dự kiến sẽ được lần lượt tái khởi động.

Đó là 3 lò phản ứng trên 40 năm tuổi của Công ty Điện lực Kansai, ở tỉnh Fukui (lò phản ứng số 1, 2 của Nhà máy điện hạt nhân Takahama, lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Mihama), lò phản ứng số 7 của Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki - Kariwa thuộc TEPCO dự kiến là lò phản ứng BWR đầu tiên được tái khởi động, Nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 thuộc Công ty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC)…

Ngoài lò phản ứng số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Mihama đã được tái khởi động vào ngày 23/6, thì lò phản ứng số 1, 2 của Nhà máy điện hạt nhân Takahama vẫn chưa nhận được sự cho phép tái khởi động từ người dân địa phương, nếu xin được cho phép thì cũng đến thời hạn xây dựng Cơ sở chống khủng bố (Cơ sở ứng phó sự cố nghiêm trọng đặc thù), nên không thể tái khởi động trong năm nay.

Được kỳ vọng là lò phản ứng BWR đầu tiên được tái khởi động - lò phản ứng số 7 của Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki - Kariwa đã phát sinh 2 vấn đề an ninh nghiêm trọng và Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản (NRA) đã ra lệnh cấm vận hành. Vì vậy, cũng khó có thể tái khởi động trong năm nay. Sự thiếu sót trong các biện pháp chống khủng bố liên tiếp bị phát giác. Từ tháng 3 năm ngoái, 10 cơ sở phát hiện khủng bố thâm nhập đã bị hỏng, các biện pháp thay thế sau đó không có hiệu quả và cũng không được cải thiện. Thêm vào đó, tháng 9 năm ngoái một nhân viên quên thẻ ID đã sử dụng thẻ ID của một nhân viên khác để vào phòng điều khiển trung tâm… Điều tra đang được thực hiện và sẽ báo cáo nguyên nhân, biện pháp cho Cục pháp quy hạt nhân Nhật Bản (thuộc NRA) vào tháng 9 năm nay.

Một trường hợp lò phản ứng BWR khác là Nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 (thuộc JAPC) cũng đang gặp khó khăn trong việc tái khởi động.

Nhà máy điện hạt nhân Tokai số 2 ở gần Tokyo, là nhà máy điện hạt nhân duy nhất nằm trong “khu vực thủ đô” Nhật Bản, mật độ dân số xung quanh nhà máy điện hạt nhân này tương đối cao, trong phạm vi bán kính 30 km có khoảng 940.000 người sinh sống, cao nhất trong các khu vực có nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản. Vì vậy, cũng có nhiều người dân xung quanh phản đối việc tái khởi động. Việc tái khởi động đang bị tranh chấp tại tòa án. Vào tháng 3 năm nay, tòa án địa phương đã đưa ra phán quyết dừng vận hành đối với nhà máy điện hạt nhân này. Cũng có những thẩm phán không ủng hộ nhà máy điện hạt nhân, nên có nhiều trường hợp tùy thuộc vào mỗi tòa án mà các phán quyết sẽ khác nhau.

Phán quyết đã chỉ ra Kế hoạch sơ tán bắt buộc của chính quyền 14 địa phương trong phạm vi 30 km xung quanh nhà máy điện hạt nhân còn thiếu sót, "sự chuẩn bị sẵn sàng vẫn còn xa vời" nên đã ra lệnh dừng vận hành. Phía nguyên đơn cáo buộc rằng việc nhà máy điện hạt nhân được đặt ở khu vực đông dân cư vốn dĩ là không phù hợp về mặt vị trí và vi phạm hướng dẫn của quốc gia.

Tuy nhiên, việc lập Kế hoạch sơ tán là trách nhiệm của quốc gia và chính quyền địa phương, JAPC không phải là bên trực tiếp thực hiện. Sau khi nhận được phán quyết, JAPC đã kháng cáo vào ngay ngày hôm sau.

Tại sao lại có sự việc như vậy?

Theo "Hướng dẫn thẩm định vị trí lò phản ứng" được soạn bởi Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEC) năm 1964: Để giảm thiểu sự nhiễm phóng xạ cho người dân khi xảy ra sự cố, không thể lắp đặt lò phản ứng nếu không thỏa mãn các điều kiện sau:

1/ Không có dân cư sinh sống trong một phạm vi nhất định xung quanh lò phản ứng.

2/ Bên ngoài phạm vi đó là khu vực ít dân cư.

3/ Mặt bằng xây dựng lò phản ứng phải cách khu vực đông dân cư một khoảng cách nhất định.

Có một số vấn đề như sau: 

Đầu tiên là trong hướng dẫn này không ghi quyền cưỡng chế. Vào những năm 1970, do khủng hoảng dầu mỏ nên việc mở rộng nhanh chóng điện hạt nhân đã trở thành nhiệm vụ quốc gia. Chế độ tiền trợ cấp đã góp phần xây dựng hội trường thành phố, công viên thể thao, cơ sở phúc lợi khang trang… ở khu vực xung quanh. Người dân khu vực xung quanh cũng được trợ cấp một phần tiền điện. Cuộc sống của người dân gần nhà máy điện hạt nhân đã được cải thiện đáng kể.

Kết quả là, từ một khu vực mật độ dân số thấp khi nhà máy điện hạt nhân vừa xây dựng, làng Tokai và các địa phương lân cận đã đô thị hóa nhờ những chính sách xúc tiến hào phóng.

Vấn đề thứ 2 là phạm vi trong Kế hoạch sơ tán khi xảy ra sự cố điện hạt nhân được lập bởi các địa phương đã có sự thay đổi. Trước khi xảy ra sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 vào tháng 3/2011, phạm vi mà chính quyền địa phương vạch ra trong Kế hoạch sơ tán là cách nhà máy điện hạt nhân 10 km. Sau sự cố, phạm vi đã được tăng lên 30 km dựa theo sự phát tán của chất phóng xạ trong sự cố. Do đó, việc lập Kế hoạch sơ tán bổ sung của chính quyền địa phương đã bị chậm trễ.

Những vấn đề như vậy cũng có thể xảy ra ở các nhà máy điện hạt nhân khác. Hy vọng rằng, những vụ kiện tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai. Đồng thời, các công ty điện lực, nhà nước và chính quyền địa phương cần hợp tác để xây dựng Kế hoạch sơ tán hiệu quả và tiến hành diễn tập sơ tán một cách thường xuyên.

(Đón đọc kỳ tới...)

Theo Năng lượng Việt Nam

Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 5]: Thách thức giảm phát thải carbonNăng lượng Nhật Bản [Kỳ 5]: Thách thức giảm phát thải carbon
Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 4]: Tái khởi động nhà máy điện hạt nhân U40Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 4]: Tái khởi động nhà máy điện hạt nhân U40
Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 3]: Vấn đề xử lý nước thải tại Fukushima số 1Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 3]: Vấn đề xử lý nước thải tại Fukushima số 1

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc