Nâng cao chất lượng y tế vùng biển, đảo

19:00 | 24/04/2013

685 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Mặc dù hệ thống y tế nói chung đã được tổ chức theo quy hoạch chung theo từng tuyến, nhưng hiện nay năng lực của các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế xã đảo còn hạn chế, các dịch vụ y tế chưa bao phủ hết đối với quân và dân đang sinh sống, làm việc trên biển, đảo.

Sáng 24/4, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo triển khai Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” vừa được phê duyệt; trong đó đặc biệt chú trọng tới vấn đề tạp sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao cho người lao động, quân và dân đang công tác, làm ăn, sinh sống trên biển, đảo; giúp người dân yên tâm bám biển, đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Còn nhiều khó khăn

Theo khảo sát của Bộ Y tế, tỷ lệ các thành viên trong một gia đình trên các huyện đảo có ít nhất một bệnh chiếm đến 70,5%. Bệnh tật liên quan tới nghề nghiệp đặc thù của vùng biển, đảo thường gặp ở nhóm người dân đánh bắt hải sản xa bờ, dân làm nghề lặn khai thác thủy, hải sản, thủy thủ tàu vận tải, người lao động trên các giàn khoan, nuôi trồng thủy, hải sản ven bờ…

Kết quả nghiên cứu của Viện Y học biển tiến hành trong 10 năm qua cho thấy, một số bệnh tật phổ biến ở cư dân vùng biển, đảo là hội chứng rối loạn chuyển hóa (60% - 80%), bệnh tim mạch, bệnh rối loạn hành vi và tâm thần, rối loạn thần kinh chức năng…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu khai mạc hội thảo.

Đặc biệt các tai biến do lặn biển, tai nạn, bệnh răng miệng (chiếm 37,1% - 48,2%). Với người dân đánh bắt hải sản xa bờ, một số nghiên cứu cho thấy nhóm ngư dân hành nghề này thường có tỷ lệ mắc các bệnh như tim mạch (33,5%), tiêu hóa (35,1%) và bệnh hệ xương khớp (36,1%), viêm đường hô hấp trên, giảm thị lực, bệnh ngoài da… cao hơn so với tỷ lệ mắc của nhóm cư dân sống trên đất liền…

Theo điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), đến năm 2012 còn 31,1% trung tâm y tế thuộc các huyện đảo chưa có cơ sở riêng, 33,5% trạm y tế cần xây mới và trên 50% trạm y tế xã đảo không có bác sĩ. Tỷ lệ các thành viên trong một hộ gia đình trên các huyện đảo mắc ít nhất một bệnh, chiếm tới 70,5%.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2011, tỷ lệ người dân ở khu vực ven biển và trên đảo tham gia BHYT thấp hơn khu vực khác. Tỷ lệ bao phủ BHYT tính chung toàn quốc là 64,9%; tính chung của các tỉnh ven biển là 60,5%; tỷ lệ bao phủ BHYT khu vực đảo là 52,7%. Trong đó, đặc biệt có một số địa phương ven biển chỉ có 33,8% tham gia BHYT.

Mặc dù nhiều bệnh tật như vậy, nhưng hệ thống y tế biển, đảo còn rất nhiều hạn chế. Theo Bộ Y tế, hệ thống y tế biển, đảo được tổ chức theo quy hoạch chung trong hệ thống y tế quốc gia, nhưng năng lực của các trung tâm y tế, bệnh viện, trạm y tế xã đảo còn khiêm tốn, các dịch vụ y tế chưa bao phủ hết đối với quân và dân đang sinh sống, làm việc trên biển, đảo.

Với riêng Tập đoàn Dầu khí Việt nam hiện có 14 tổng công ty, công ty với 50 công trình hoạt động ven biển và trên biển. Ngành dầu khí hiện có 2 bệnh viện gồm Bệnh viện thuộc Liên doanh Việt Nga (Vietsovpetro) có quy mô 200 giường với 110 bác sĩ và xếp hạng tương đương bệnh viện hạng II. Bệnh viện thứ hai là Bệnh viện dầu khí Dung Quất, quy mô 100 giường với 8 bác sĩ. Còn lại 13 tổng công ty, công ty còn lại đều bố trí các đơn vị hoặc tổ y tế bao gồm 7 phòng khám và 2 trạm y tế, 1 phòng y tế và 6 tổ y tế ở các tổng công ty hoặc đơn vị kinh doanh sản xuất trực thuộc.

Tuy nhiên, các đơn vị y tế từ phòng khám trở xuống đều chỉ có khả năng cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh thông thường rồi chuyển lên tuyến trên chứ không làm được công tác chuyên môn sâu. Việc vận chuyển trên biển phải thuê máy bay trực thăng hoặc tàu biển của các đơn vị nước ngoài phối hợp với Công ty bay dịch vụ Miền Nam.

Tập trung “lấp lỗ hổng” y tế biển, đảo

“Đề án phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” sẽ gồm 2 giai đoạn thực hiện, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2013 đến năm 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư cho thực hiện đề án lên tới 8.200 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện đề án dự kiến sẽ lấy từ ngân sách sự nghiệp, trái phiếu Chính phủ, đầu tư phát triển, ODA, xã hội hóa và các nguồn vốn huy động từ các nguồn lực khác.

“Đề án phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” sẽ triển khai tại 151 quận, huyện, thị xã, thành phố của 28 tỉnh thành ven biển trực thuộc trung ương. Trong đó, tập trung xây dựng mới hoặc hoàn thiện các trung tâm y tế, trạm y tế với đầy đủ các trang thiết bị có thể đáp ứng cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, chữa bệnh tại chỗ cho người dân.

Do địa lý phức tạp nên việc phát triển y tế tại các vùng biển, đảo gặp nhiều khó khăn.

Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Tạo sự công bằng trong tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao của người lao động, quân và dân đang công tác, làm ăn, sinh sống trên biển, đảo giúp người dân yên tâm bám biển, đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo các chuyên gia y tế “Đề án phát triển y tế biển, đảo đến 2020” trước hết cần tăng cường y tế dự phòng cho người dân vùng biển, đảo. Đó là tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết hay các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường…

Mặt khác, tạo điều kiện cho người dân vùng biển, đảo tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh (hiện trên 80% tổng số gia đình có nhu cầu), nhất là dịch vụ y tế chất lượng cao. Cần áp dụng ưu tiên đào tạo, cử tuyển cho cán bộ y tế, nhân dân trên biển, đảo. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận đề án này sẽ tạo sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản và một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao, giúp chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho quân, dân đang công tác, sinh sống ở các vùng biển, đảo.

Đồng thời, cần ban hành bộ tiêu chí chuẩn về y tế cho vùng biển, đảo; bổ sung biên chế, trang thiết bị cho trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố ven biển, các đội vệ sinh phòng dịch Quân khu (3, 4, 5, 7, 9) đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh; tập huấn kiến thức dự phòng các vấn đề về sức khoẻ cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, đảo; tổ chức các đội cơ động sẵn sàng di chuyển ra đảo triển khai phòng chống dịch bệnh... 

Các mục tiêu cụ thể của Đề án:

- Đào tạo, bổ túc bác sỹ về y học biển để có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù biển cho 70% các bệnh viện/ trung tâm y tế huyện đảo và các bệnh viện ven biển thuộc các Bộ ngành kinh tế biển.

- 100% Trung tâm y tế dự phòng ở địa phương ven biển mà mỗi Bộ, ngành kinh tế biển có 1 đơn vị, đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, lực  lượng lao động vùng biển, hải đảo.

- Với các xã đảo độc lập trên biển, Đề án đặt mục tiêu 100% các xã có trạm y tế, trong đó 50% đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo. Phấn đấu 40% bệnh viện/ trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2.

- Đầu tư cho 4 trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 theo mô hình “quân dân y kết hợp” có đủ khả năng phối hợp cấp cứu, vận chuyển cấp cứu trên biển. Đầu tư nhân lực, trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng cho 6 bệnh viện ven biển có trung tâm thu nhận và điều trị bệnh đặc thù vùng biển, đảo; đóng mới 1 tàu biển có chức năng là tàu bệnh viện, trang bị thêm chức năng y tế cho 1-2 tàu cảnh sát biển; xây dựng 2 mô hình trợ giúp y tế từ xa từ bệnh viện vùng đến bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo và nhà dàn...

Vương Tâm