Nạn nhân bị cưỡng bức khó tiếp cận công lý

07:00 | 05/05/2018

618 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mới đây, cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã công bố kết quả nghiên cứu: “Xét xử tội hiếp dâm: Hiểu rõ cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam” tại Hà Nội. Nghiên cứu này cho thấy, các nạn nhân có rất nhiều khó khăn khi tiếp cận công lý.

Những rào cản từ định kiến

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một vấn đề rất phổ biến ở Việt Nam: Phần lớn các nạn nhân bị hãm hiếm khi tiếp cận với công lý, nơi bảo vệ cho họ một cách chính thống lại rất khó khăn và nhiều thách thức. Nguyên nhân chính không những từ bất cập trong chính sách, thể chế mà còn xuất phát cả từ định kiến, sự phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội, những người đáng ra phải đứng về phía những nạn nhân bị cưỡng bức tình dục.

nan nhan bi cuong buc kho tiep can cong ly
Hình ảnh minh họa bạo lực tình dục

Bà Anna Karinjatfors, Phó giám đốc khu vực, Văn phòng UN Wonmen khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho hay, nghiên cứu đó thực hiện so sánh đầu tiên về tình trạng bỏ cuộc trong số các trường hợp trình báo về bạo lực tình dục tại châu Á và cũng là nghiên cứu đầu tiên tại Thái Lan và Việt Nam. Ở Việt Nam, nghiên cứu thực hiện tại Hà Nội và Đắk Lắk. Tại Thái Lan, nghiên cứu được tiến hành khảo sát tại Bangkok, Chiang Mai, Songkhla.

Bà Anna Karinjatfors nói: “Theo kết quả nghiên cứu, những phụ nữ trình báo về việc họ bị hiếp dâm tại Thái Lan và Việt Nam thường gặp phải những rào cản trong việc tiếp cận công lý, đó là những chính sách và thông lệ xã hội, pháp luật và thể chế. Những rào cản này có thể gây cản trở cho việc trình báo về bạo lực tình dục và giảm khả năng mà phụ nữ theo đuổi tìm kiếm sự đền bù thông qua hệ thống tư pháp hình sự... Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số cán bộ làm công tác tư pháp ở cả hai nước có quan niệm cố hữu về việc thế nào mới bị coi là nạn nhân hiếp dâm. Ví dụ, họ cho rằng nạn nhân phải thể hiện sự sợ hãi, bất lực hoặc những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ. Những nạn nhân kể lại kinh nghiệm của họ một cách bình tĩnh thì được cho là không đáng tin cậy, không đáng cho là bị cưỡng bức”.

Không chỉ về pháp luật, văn hóa, nếp nghĩ cũng là rào cản khiến cho các nạn nhân không dám công khai với cơ quan pháp luật. Như ở Việt Nam hay cả Thái Lan chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, mọi người đều cho rằng, hạnh phúc gia đình là phải “một điều nhịn chín điều lành” hay “đóng cửa bảo nhau”, “trong ấm ngoài êm”… Những tưởng suy nghĩ đó sẽ giúp các nạn nhân chấm dứt nỗi đau, trở lại cuộc sống bình yên, nhưng ngược lại, trong nhiều trường hợp chính đó lại là nguyên nhân làm cho các nạn nhân chịu từ lần bạo lực tình dục này đến lần bạo lực tình dục khác, thậm chí còn trở thành nô lệ cho bạo lực tình dục, nhất là điều đó diễn ra trong gia đình.

Thương lượng, hòa giải là… thượng tôn

Một nguyên nhân nữa gây khó khăn cho nạn nhân trong việc trình báo với cơ quan công an chính là việc khai báo. Nếu một nạn nhân chọn trình báo vụ việc với công an và theo đuổi tiến trình tố tụng đến cùng thì sẽ phải kể lại câu chuyện của mình nhiều lần - nghĩa là phải sống lại với những tổn thương, đau đớn của chính mình nhiều lần. Điều đó, theo Văn phòng UN Wonmen khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cùng với việc giám định cơ thể không dưới 1 lần một cách kỹ lưỡng, thậm chí thô bạo đã làm cho họ không muốn và không buộc mình phải có trách nhiệm khai báo với cơ quan công an. Bởi họ nghĩ rằng phải trải qua quá trình điều tra như vậy giống như họ là đối tượng bị điều tra hơn là nạn nhân và cũng chính điều đó làm nảy sinh trong đầu họ ý nghĩ “chờ được vạ thì má đã sưng”. Cho nên họ không muốn tiếp cận với bất kể một cơ quan pháp lý nào.

Chưa kể đến trong quá trình điều tra, xử lý, các điều tra viên hay chính những người “cầm cân nảy mực” là các vị thẩm phán hoặc cơ quan thi hành pháp luật thường hướng các nạn nhân đến cách giải quyết “hòa giải”, “thương lượng”… Một thẩm phán mà nghiên cứu phỏng vấn đã mô tả vụ việc ông từng xử là cho tạm dừng phiên xét xử để cho hai bên hòa giải không chính thức.

“Như vậy điều đó cho thấy, pháp luật cũng đồng thuận với việc thương lượng cá nhân chứ không muốn vụ việc hay thủ phạm phải ra chịu tội trước ánh sáng công lý”, bà Anna Karinjatfors nói.

Trong một động thái khác, ở Việt Nam, qua nhiều vụ việc cho thấy, nạn nhân có quyền rút đơn kiện bất kỳ lúc nào trong giai đoạn điều tra với lý do rất… phi pháp luật: “Thương lượng hai bên đã được thỏa thuận” hoặc “ nạn nhân sợ bị kỳ thị và lo ngại về sự riêng tư”. Điều này ở một số quốc gia không được phép xảy ra bởi điều gì đã được đưa ra công lý thì buộc phải đi theo đến cùng chứ không “giữa đường đứt gánh”.

Để hạn chế các khó khăn đó cho các nạn nhân bạo lực tình dục, đồng thời dựa trên nguyên nhân sâu xa của tình trạng này chính là sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng giới, biệp pháp đầu tiên mà các chuyên gia cho rằng cần có là một biện pháp ứng phó tư pháp liên ngành toàn diện, trong đó coi nạn nhân là trung tâm của quá trình giải quyết và bảo đảm trách nhiệm pháp lý phải được thực thi. Biện pháp này sẽ gồm các khuyến nghị: Thiết lập các dịch vụ tư pháp thiết yếu có chất lượng dành cho nạn nhân; xây dựng cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình nội bộ; nâng cao chuyên môn ở tất cả các giai đoạn tố tụng; nâng cao nhận thức và nhạy cảm giới cho những người thực thi công vụ; lồng ghép các hoạt động của Chính phủ và xã hội dân sự…

Thực ra, các khuyến nghị đó, Việt Nam đã tổ chức thực hiện song chưa hiệu quả. Chính vì vậy, khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc đối với Việt Nam rất cụ thể: Bảo đảm việc bảo vệ phụ nữ theo pháp luật và trên thực tế trước mọi hình thức bạo lực.

Văn hóa, nếp nghĩ là rào cản khiến cho các nạn nhân không dám công khai với cơ quan pháp luật. Như ở Việt Nam hay cả Thái Lan chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông, mọi người đều cho rằng hạnh phúc gia đình là phải “một điều nhịn chín điều lành” hay “đóng cửa bảo nhau”, “trong ấm ngoài êm”…

Nguyễn Bách