Tiếp vụ tiết lộ bí mật của cựu nhân viên CIA Edward Snowden:

Mỹ chưa muốn đẩy nhanh cải cách hoạt động của NSA

07:00 | 18/02/2014

581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 16/2, tờ The Hill của Quốc hội Mỹ xác nhận, dự luật của Hạ viện Mỹ nhằm ngăn chặn việc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) thu thập số lượng lớn các cuộc thoại của người dân Mỹ đã được 130 Hạ nghị sỹ đồng bảo trợ, trong khi một dự luật tương tự tại Thượng viện nhận được sự ủng hộ của 20 Thượng nghị sỹ. Cả 2 dự luật kể trên hiện vẫn đang bị kẹt tại 2 Ủy ban Tư pháp của Hạ và Thượng viện (từ tháng 10/2013) và chưa có bất kỳ kế hoạch nào nhằm thúc đẩy chúng sớm được thông qua.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Hạ nghị sỹ Bob Goodlatte đang chờ Nhà Trắng có quan điểm chính thức về Đạo luật Tự do Mỹ trước khi quyết định đưa dự luật này vào nghị trình thảo luận. Còn Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Patrick Leahy muốn xem các đề xuất cụ thể của Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và lãnh đạo các cơ quan tình báo đưa ra theo yêu cầu của Tổng thống Barack Obama vào ngày 28/3, thời hạn chót cho vấn đề này.

Theo giới truyền thông, kế hoạch lưu trữ dữ liệu thu thập từ điện thoại của NSA sẽ được định đoạt sau ngày 28/3, khi Bộ Tư pháp và các cơ quan tình báo Mỹ công bố quyết định xung quanh chủ đề nhạy cảm này. Tuy nhiên, cho đến nay tiến trình cải cách hoạt động do thám của NSA đang bị chững lại tại Quốc hội vì cả 2 Ủy ban Tư pháp của Hạ và Thượng viện Mỹ đều chưa muốn đưa 2 dự luật kể trên ra thảo luận và thông qua.

Điều đáng nói là cách đây đúng 1 tháng (17/1), Tổng thống Barack Obama từng có bài phát biểu (dài 43 phút tại Bộ Tư pháp) về những đề xuất cải tổ và thay đổi các chương trình do thám của NSA. Theo đó, sẽ có một loạt thay đổi như chấm dứt gần hết hoạt động theo dõi các nước đồng minh hoặc có quan hệ mật thiết với Mỹ, tiến hành giám sát tư pháp việc Chính phủ thu thập thông tin hàng triệu cuộc gọi điện thoại của người dân Mỹ…

Giới chuyên môn cho biết, vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay là trong các đề xuất được nêu ra vẫn chưa xác định Chính phủ hay cơ quan nào sẽ lưu giữ bản ghi cuộc gọi được thu thập theo yêu cầu của các cơ quan tình báo Mỹ, cho dù từ trung tháng 12/2013, Nhà Trắng từng đề xuất để nhà cung cấp dịch vụ hoặc một bên thứ ba lưu giữ các dữ liệu này. Ngoài ra, các cơ quan tình báo Mỹ không muốn trao đặc quyền từng được sử dụng cho bất cứ “kẻ ngoại đạo nào”.

Cựu điệp viên Edward Snowden trong buổi ghi hình của Kênh 4 do Đài truyền hình Anh phát ngày 24/12/2013

Trong một diễn biến liên quan, cựu nghị sĩ Ron Paul đã kêu gọi người dân Mỹ ký bản kiến nghị trên trang web chính thức của ông đề nghị tha thứ cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden. Đồng thời nhấn mạnh, nhờ sự dũng cảm của Edward Snowden nên người dân Mỹ nhận thức được những hành động nghiêm trọng theo dõi dân chúng của chính phủ và anh xứng đáng trở về nhà mà không sợ bị đàn áp hoặc bị bắt giữ.

Trong khi đó các nhà điều tra Mỹ vừa đưa ra kết luận: Edward Snowden đã thu thập số lượng lớn bộ nhớ lưu trữ tài liệu do thám bằng cách sao chép mật khẩu của một đồng nghiệp đã từ chức kể từ khi xảy ra vụ việc. NSA cho biết, Edward Snowden đã đánh cắp 1,7 triệu tài liệu về chương trình do thám của Mỹ và rò rỉ nhiều tài liệu này cho giới nhà báo.

Ngày 16/2, tạp chí Der Spiegel cho biết, Đức có kế hoạch gia tăng các chiến thuật phản gián chống lại các nước đồng minh sau khi xuất hiện những thông tin tiết lộ chương trình do thám rộng khắp của Mỹ. Theo đó, Berlin đang cân nhắc triển khai các đặc vụ theo dõi các cơ quan bí mật của phương Tây và các Đại sứ quán của họ trên lãnh thổ Đức, trong đó có Đại sứ quán Mỹ và Anh. Cơ quan tình báo nội địa Đức đặt mục tiêu thu thập thông tin chính xác về các điệp viên nước ngoài sử dụng vỏ bọc ngoại giao, cũng như trang bị kỹ thuật tại các phái bộ ngoại giao được dùng để do thám các quan chức và công dân Đức.

Tuy nhiên, kế hoạch kể trên cần được Văn phòng của Thủ tướng Angela Merkel cùng Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ thông qua mới có giá trị thực thi. Nếu điều này được thông qua, đây sẽ là một thách thức lớn đối với chương trình nghe lén của Mỹ nói riêng và một số quốc gia hữu quan nói chung. Điều đáng nói là kế hoạch này được giới truyền thông đăng tải đúng thời điểm bà Angela Merkel đề xướng xây dựng một mạng lưới truyền thông châu Âu để cải thiện việc bảo vệ thông tin. Bởi theo Thủ tướng Đức, châu Âu phải bảo vệ thông tin của riêng mình và đây là việc cần thiết. Mạng lưới này sẽ tránh những email và thông tin khác tự động được chuyển qua Mỹ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel

Theo bà Angela Merkel, trên thực tế Facebook và Google có mức độ bảo mật rất thấp trong khi hoạt động kinh doanh quốc tế cần sự bảo vệ an toàn hơn. Thủ tướng Angela Merkel cho biết, sẽ đề cập tới vấn đề này khi gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande nhân chuyến thăm Paris tới đây. Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, Paris đã nhất trí với các đề xuất kể trên của Berlin.

Ông Philipp Missfelder, người đại diện về chính sách ngoại giao của bà Angela Merkel, cho rằng hoạt động do thám của NSA đã đẩy quan hệ Washington-Berlin xuống mức thấp nhất kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Được biết, Liên minh châu Âu (EU) đang cũng muốn lập ra một khuôn khổ chung cho việc bảo vệ dữ liệu, nhưng việc này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do những tiêu chuẩn bảo mật khá khác biệt giữa 28 quốc gia thành viên EU.

Ngày 12/2, Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul đã đệ đơn kiện Tổng thống Barack Obama và một số quan chức cấp cao trong chính quyền lên một tòa án ở Washington về chương trình nghe lén điện thoại của công dân Mỹ do NSA tiến hành. Cùng đứng đơn kiện với Thượng nghị sĩ Rand Paul còn có ông Ken Cuccinelli, nguyên Tổng chưởng lý bang Virginia, và ông Matt Kibbe, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận FreedomWorks. Ngoài ông Barack Obama, đơn kiện còn nêu đích danh các bị đơn khác như Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper, Giám đốc NSA Keith Alexander và Giám đốc FBI James Comey./.

 

Quốc Tuấn - Khắc Dũng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc