Manh mối đặc biệt có thể giúp giải mã bí ẩn về tung tích máy bay MH370

08:26 | 26/08/2023

948 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các nhà khoa học có cách tiếp cận mới có thể giúp giải mã về vụ máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines biến mất bí ẩn hơn 9 năm trước.
Manh mối đặc biệt có thể giúp giải mã bí ẩn về tung tích máy bay MH370 - 1
Một mảnh vỡ được cho của MH370 được tìm thấy hồi năm 2015 (Ảnh: Reuters).

Bloomberg đưa tin, những con hà bám trên mảnh vỡ máy bay MH370 được tìm thấy ở Ấn Độ Dương có thể là chìa khóa để khám phá điều gì đã xảy ra với MH370, chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất vào năm 2014.

Con hà là một loại sinh vật sống ở vùng nước mặn, có khả năng bám vào bề mặt của bất cứ thứ gì trên biển và sống ký sinh trên đó. Vỏ con hà có đặc điểm tăng trưởng theo từng ngày, tạo ra các lớp chồng lên nhau, mỗi lớp đều có tính chất hóa học dựa vào nhiệt độ nước biển vào thời điểm vỏ hình thành.

Theo một nghiên cứu công bố trên AGU Advances, nhờ việc phân tích những con hà bám trên mảnh vỡ máy bay MH370 trôi dạt tới Reunion, hòn đảo của Pháp ở Ấn Độ Dương, các nhà khoa học cho rằng MH370 có thể đã trôi dạt xa hơn về phía nam so với các khu vực mà nghiên cứu trước đó từng phỏng đoán.

Manh mối đặc biệt có thể giúp giải mã bí ẩn về tung tích máy bay MH370 - 2
Các nhà khoa học cho rằng, bằng cách nghiên cứu cách vỏ con hà bám trên mảnh vỡ MH370, có thể phát hiện ra bằng chứng quan trọng về vụ mất tích bí ẩn (Ảnh minh họa: Straits Times).

Chuyến bay MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur, Malaysia vào ngày 8/3/2014 với điểm đến dự kiến là Bắc Kinh. Tuy nhiên, nó mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu chưa đầy một giờ sau khi cất cánh, khi bay qua Biển Đông và mất tích bí ẩn suốt hơn 9 năm qua.

Cuộc tìm kiếm chuyến bay kéo dài 4 năm bao gồm việc sử dụng các tàu lặn, hình ảnh siêu âm cùng các thiết bị hiện đại. Mặc dù chiếc máy bay chưa bao giờ được tìm thấy nhưng các mảnh vỡ của MH370 đã được phát hiện ở một số khu vực tại Ấn Độ Dương.

Bằng cách nghiên cứu cách hình thành vỏ của hà bám trên mảnh vỡ MH370, các nhà nghiên cứu đã có thể tính toán nhiệt độ bề mặt của vùng biển nơi chúng sinh sống. Điều này cung cấp thông tin quan trọng trong quá trình tìm kiếm chiếc máy bay.

Tiến sĩ Gregory Herbert, một nhà nghiên cứu cho biết: "Phần cánh được bao phủ bởi những con hà và ngay khi nhìn thấy điều đó, tôi ngay lập tức bắt đầu gửi thư điện tử cho bên điều tra vì tôi biết tính chất hóa học trên vỏ của con hà có thể cung cấp manh mối về vị trí vụ tai nạn".

Ông cho biết, đội ngũ của ông chưa thể tiếp cận được những con hà lớn nhất và bám lâu nhất trên mảnh vỡ MH370.

"Tuy nhiên, với nghiên cứu kể trên, chúng tôi đã chứng minh rằng phương pháp này có thể được áp dụng cho những con hà bám trên mảnh vỡ ngay sau vụ tai nạn để tái tạo lại con đường nó đã trôi dạt để có thể lần ra manh mối về nguồn gốc vụ việc", ông tuyên bố.

Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay do chính phủ chỉ đạo đã kết thúc vào năm 2017. Năm 2018, cuộc tìm kiếm thứ 2 được thực hiện bởi Ocean Infinity, một công ty tư nhân, nhưng đã dừng lại cùng năm sau khi không tìm thấy gì.

Vào năm 2022, Ocean Infinity cho biết họ mong muốn bắt đầu cuộc tìm kiếm mới vào năm 2023 hoặc 2024, nếu được chính phủ Malaysia chấp thuận.

Trong 9 năm qua, đã có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân vụ mất tích, cũng như nghi vấn về vị trí MH370 rơi xuống đã được đưa ra, nhưng tới nay, vẫn chưa có thông tin nào được kiểm chứng chính xác.

Theo Dân trí

Pháp phát hiện hành khách đáng ngờ trên chuyến bay MH370Pháp phát hiện hành khách đáng ngờ trên chuyến bay MH370
Phát hiện manh mối mới về vị trí máy bay MH370 có thể đã rơi xuốngPhát hiện manh mối mới về vị trí máy bay MH370 có thể đã rơi xuống