“Loạn” tâm linh?

07:00 | 20/02/2014

3,103 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nói đến chữ “loạn”, người ta thường nghĩ ngay đến các tệ nạn xã hội liên quan đến pháp luật, ít ai liên tưởng đến đời sống linh thiêng và giữ trọn tinh thần của rất đông người dân Việt như tâm linh. Thế nhưng, trước những gì đang diễn ra hiện nay trong sinh hoạt mang bản chất truyền đạo, răn dạy giáo lý cách sống tốt đẹp hơn là ban phát vật chất như người ta lầm tưởng, phải nói: Cuộc sống tâm linh thực sự đang loạn.

Năng lượng Mới số 296

Tùy tiện đặt tượng Phật

Tượng Phật có thể nói là linh hồn của chùa chiền hoặc những nơi thờ tự khác, làm nên sự linh thiêng của Phật giáo… Vậy mà, dịp tết tại ngôi chùa Bà Đá cổ kính, tôn nghiêm, một địa chỉ tham quan thu hút không ít khách du lịch đến Hà Nội bỗng nhiên xuất hiện bức tượng Phật Dược sư lớn chiếm cả không gian chính của chùa, choán trước cả hương án, đồng thời che khuất tầm nhìn nơi Tam Bảo.

Điều đáng nói là tượng Phật Dược sư này không “ăn nhập” gì với hệ thống tượng Phật ở đây bởi hệ thống tượng Phật ở chùa Bà Đá là tượng cổ thuần Việt, có hàng nghìn năm tuổi, được sắp xếp hợp lý với không gian kiến trúc của chùa. Trong khi tượng Phật Dược sư là tượng lai căng, được tạc với hình thức “sơn son thếp vàng” hiện đại theo mẫu của Đài Loan, hơn nữa nếu đặt, với kích cỡ ấy, chưa nói đến cùng hệ thống tu hành, phải ở một không gian rộng rãi. Cho nên việc đặt tượng Phật Dược sư ở chùa Bà Đá là một sự tùy tiện.

Tượng Phật Dược sư mới được đặt ở chùa Bà Đá không "ăn nhập" với hệ thống tượng Phật ở đây (Ảnh: Hiền Anh)

Họa sĩ Lê Thiết Cương, một họa sĩ được yêu thích trong giới hội họa, một người mê đắm với những nghệ thuật mang tính cổ kính, truyền thống đã thực sự bàng hoàng khi nhìn thấy bức tượng này khi ông đi lễ chùa vào đêm giao thừa. Ông chia sẻ với báo giới: “Nằm ở trung tâm thủ đô, chùa Bà Đá là chùa có hệ thống tượng Phật đầy đủ và cực kỳ đẹp theo nghĩa trọn vẹn. Nếu nhìn tượng Phật Dược sư mới, nói một cách chân thực không xấu, nhưng không phù hợp với tổng thể chung trong chùa. Lịch sử Phật giáo Việt Nam có hơn 2.000 năm, đủ mạnh để làm nên những bức tượng đẹp, đủ cho một ngôi chùa mà không cần phải cóp nhặt ở đâu về. Thêm nữa, không gian tâm linh và kiến trúc của chùa Bà Đá đã ổn định bao nhiêu lâu nay, việc thêm một ban nữa ngay chính điện khi bước vào sân làm phá vỡ toàn bộ những gì được coi là nghệ thuật ở đây”.

Vậy việc đặt tượng Phật mới ở chùa Bà Đá có phải là chủ trương của UBND quận Hoàn Kiếm, cơ quan quản lý trực tiếp chùa? Theo bà Phan Thị Tuyết Lan, Trưởng phòng Văn hóa quận cho biết, lãnh đạo quận hoàn toàn không biết việc này và sau khi khảo sát thực tế tại chùa thì bà chia sẻ với báo chí, Đại đức Thích Chiếu Tuệ, sư thầy được phân công trông coi chùa từ 16 tháng Chạp đến 16 tháng Giêng (do việc trông nom chùa được giao cho 9 thầy trong Ban Quản trị tổ đình, mỗi thầy một tháng) chỉ bày đàn lễ tượng Phật Dược sư cầu an từ mồng 8 đến 14 tháng Giêng, sau đó sẽ hạ đàn, mang tượng về chùa Vạn Phúc, ở Sóc Sơn, nơi thầy trụ trì để cất đi. Chỉ khi nào có đàn mới mang ra lễ.

Dù trong khoảng thời gian ngắn, với mục đích cụ thể, nhưng việc đặt tượng Phật Dược sư ở nơi không phù hợp, lại phá vỡ cảnh quan, không gian vốn có ở chùa, đặc biệt là ngôi chùa có ý nghĩa văn hóa, lịch sử như chùa Bà Đá của sư thầy Thích Chiếu Tuệ cũng là việc không nên làm. Hơn nữa, giả sử trong trường hợp muốn đặt bất cứ thứ gì trong chùa, cũng cần phải thông qua cơ quan quản lý bởi giải thích như GS Trần Lâm Biền, người nghiên cứu rất sâu về văn hóa dân gian, tâm linh: “Những chùa đã được xếp hạng, phải được pháp luật bảo hộ. Những chuyện thêm hay bớt bất kể đồ thờ nào, cả tượng pháp đều phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp”. Ngay Đại đức Thích Chiếu Tuệ cũng thừa nhận: “Tượng này không phù hợp với chùa cổ miền Bắc và cũng không phù hợp thờ trong chùa hằng ngày. Quan trọng hơn, trong bài trí tòa Tam Bảo, không có bao giờ có tượng Dược sư”.

Thích… tiền mặt?

Không chỉ đặt tượng pháp, việc lễ ở chùa, đình, đền cũng cho thấy một đời sống sinh hoạt tâm linh thiếu trật tự, ổn định đang diễn ra đầy bức xúc. Thực ra, thực trạng sắp nêu dưới đây không phải bây giờ mới nói mà đã nói mãi, tuyên truyền hết năm này qua năm khác nhưng vẫn tiếp diễn… như thể cố hữu không bao giờ thay đổi, thậm chí năm sau “tệ” hơn năm trước. Và cái “tệ” hơn ở đây đáng buồn bắt đầu từ chính những người trụ trì ở một số đình, đền…

Bia Bà, nơi nổi tiếng linh thiêng trong hệ thống chùa chiền, đình đền… ở Hà Nội, nơi quy tụ cả chùa (mới xây dựng năm 2009), đình, đền… đông nườm nượp Phật tử đến lễ từ ngay sau phút giao thừa chuyển sang năm mới. Mới bước chân vào đây, nhìn những hòm công đức được đặt ngay ngắn ở mỗi ban thờ, ai cũng nghĩ  “nạn” đặt tiền lễ bừa bãi với ý nghĩ phàm tục: “tốt lễ dễ kêu” hay: “đặt gì xin nấy”… sẽ được dẹp bỏ và đúng với mục đích của những người trụ trì đền. Thế nhưng tiếc thay, cùng với hòm công đức, thì trên chính diện ban nào cũng vậy kèm theo một cái đĩa hoặc bát nhựa to để người lễ đặt tiền. Điều này, thay vì buộc người lễ phải đặt tiền vào hòm công đức theo quy định lại khuyến khích họ tiện đâu đặt đấy, kể cả trên những mâm lễ vật của Phật tử. Chưa kể đến “ý nghĩa” động viên người đi lễ đặt tiền mặt hơn là lễ vật tượng trưng.

Còn một điểm nữa không thể không nói đến khi đến Bia Bà ấy là một ban thờ, nhất là ban chính có đến 3 hòm công đức (tất nhiên có kèm theo 3 đĩa đựng tiền) được rải từ trong ra ngoài và mỗi hòm lại có một bàn đặt lễ, mỗi bàn đặt lễ lại cách nhau một khoảng trống để lấy chỗ cho người đứng lễ. Nếu sắp xếp như vậy để giải quyết vấn đề người lễ tập trung quá đông một vị trí thì rõ ràng không hiệu quả bởi sẽ dẫn đến tình trạng người này lễ vào lưng, cổ, gáy người kia, làm mất đi tính linh thiêng, dẫn đến lộn xộn. Thế nên nó rất dễ dẫn đến cách hiểu là những người trông nom ở đây chủ trương sắp xếp như vậy để “bẫy” người đi lễ phải lễ hết bàn này đến bàn kia trong khi vẫn chỉ một ban thờ. Và đương nhiên, mỗi lần lễ ấy, Phật tử lại phải đặt tiếp lễ vật hoặc đặt tiền công đức.

Tương tự, ở chùa Bái Đính, tượng Phật ở ngay trước đường dẫn lên điện chính được phủ kín tiền từ đầu đến chân ngày mồng 4 tết. Cứ người nào đi qua tượng, cũng lấy ít nhất một tờ tiền có mệnh giá hoặc 5-10 nghìn đồng hoặc 20 nghìn đồng dán lên chỗ nào còn hở trên mình tượng với quan niệm năm mới sẽ phát tài, lộc, “cầu được ước thấy”… Khi tượng Phật không còn chỗ nào để “phủ” tiền, có hẳn một “đội” chuyên trách của nhà chùa thu gom số tiền ấy cất đi. Đáng ra, thay vì làm việc đó, người của chùa Bái Đính phải cắt cử người đứng canh để buộc Phật tử không được làm cái việc phi “đạo Phật” đó mà phải đặt lễ đúng nơi, đúng chốn. Tuy nhiên, việc thu tiền của họ hết lượt này đến lượt khác, khác nào khích lệ người đi lễ cứ làm một cách phàm tục như vậy. Nói chung, những người trông coi, trụ trì tại một số chùa, đình, đền... hiện nay có vẻ thích... tiền mặt!

Phỉ báng thần thánh

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam nhận xét, hành động rải tiền từ bệ thờ đến bát hương, tháp chuông, tượng Phật… là thiếu văn hóa, phỉ báng thần thánh, Phật pháp… Còn PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, những hiện tượng trên ít nhiều mang tính chất mua bán ở cửa thần, cửa thánh, hối lộ thần linh, bắt ép thần linh nhận “hối lộ” theo đúng suy nghĩ của người phàm tục. Họ tưởng rằng như thế là kính trọng, thần linh sẽ thấu hiểu và ban phát lộc cho con người nhưng thực ra là tính toán vụ lợi cá nhân, sự “đặt cược” với thần linh, biến thần linh thành một công vụ vì mục đích thấp hèn của con người”. Và để tồn tại những nghịch lý như vậy, một trong những nguyên nhân không gì khác chính là một số người trong giới nhà Phật đã không làm đúng phận sự phải làm, “hành đạo” theo đúng ý nghĩa của Phật pháp mà cũng bị cuốn theo những suy nghĩ thô tục của người trần mắt thịt. Những sự việc trên đây là minh chứng.

Gia Hưng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc