Lê Bá Mai bị khép tội, cha mẹ nạn nhân có nguôi lòng?

07:00 | 31/08/2013

1,026 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hung thủ đích thực trong vụ án là ai, ai là kẻ tước đoạt mạng sống của con gái mình vẫn luôn là một câu hỏi luẩn quẩn trong đầu của người cha lam lũ.

Bi kịch cảnh nghèo của gia đình Thị Út

Trưa hè cuối tháng 5, chúng tôi tìm đến nhà nạn nhân trong “kỳ án vườn mít”. Cái nắng gay gắt như trải một màu vàng trên khắp các con đường đất và đá sỏi gập ghềnh dẫn đến gia đình ông Điểu Cẩn. Vụ án xảy ra đến nay được gần 9 năm. Gia đình nạn nhân đã chuyển đi nhiều nơi để sinh sống. Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi cũng đã tìm đến được nơi gia đình ông Điểu Cẩn đang cư ngụ. Căn nhà nằm ở khu “tái định cư” khuất bên trong nhà máy xi măng của tỉnh Bình Phước.

Nơi trú ngụ của 3 thế hệ gia đình bị hại Thị Út.

Nghe đâu, xóm ông Điểu Cẩn ở đều thuộc những hộ nghèo. Đã bị cái nghèo khó quây đuổi, những người dân lại sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng. Tiếng ồn của động cơ chuyển tải vật liệu làm xi măng vào nhà máy như xé tan sự yên tĩnh của buổi trưa hè.

Ông Điểu Cẩn đang nằm đong đưa trên võng sau vườn. Bà Nguyễn Thị De (mẹ nạn nhân Thị Út) ngả lưng trong căn chòi lợp tạm, rộng chỉ được khoảng gần 2 mét vuông. Thấy người lạ đến, ông Điểu Cẩn ngồi bật dậy, hướng đôi mắt ra khoảng sân bụi đất để quan sát.

Ông kể, cuộc sống của 3 thế hệ trong gia đình thiếu trước, hụt sau và trăm bề khó khăn. Những bữa ăn "sang" nhất của gia đình chỉ có vài miếng thịt để nuốt được những chén cơm nuôi lấy thân. Chuyện thịt cá có trong mỗi bữa đã là sang trọng nhất đối với gia đình nghèo rồi. Bà Thị De nghe chuyện chạy đến những cái nồi đang đóng kín nắp, mở ra cho chúng tôi xem thịt kho trong nồi chỉ còn vài miếng như để chứng minh lời vừa kể.

Tất cả bấy nhiêu để dành cho 6 miệng ăn trong buổi chiều.

Nghèo là vậy, cả gia đình lại chào đón thêm thành viên mới. Người con gái của ông sinh cháu ngoại còn đỏ hỏn nằm trong nôi. Ông và người con rể lợp vội chòi lá để cho người cô con gái sinh. Nói xong, ông lại tất tả chạy vào trong căn chòi để tìm cái tấm giấy chứng sinh cho chúng tôi xem như xác tín cho lời nói của mình. 

Gia đình ông Điểu Cẩn, ông Dương Bá Tuân, cha mẹ bị cáo Lê Bá Mai đều là những người trong cuộc. Hơn ai hết, họ cũng phán đoán một phần sự thật trong “kỳ cục án” mặc dù án đã tuyên, bị cáo Lê Bá Mai phải nhận mức hình phạt chung thân. Song có quá nhiều điểm mâu thuẫn trong các lời khai chưa thể làm sáng tỏ.

Ông Điểu Cẩn trút nỗi lòng, hai vợ chồng dắt nhau đi làm thuê mướn để đổi lấy vài chục ngàn sống qua ngày. Buổi trưa, cả hai vợ chồng lại cùng về trong căn chòi nghỉ ngơi và chiều lại tiếp tục ra vườn đến khi mặt trời khuất bóng. Miếng cơm chưa đủ no, manh áo mỏng chưa đủ ấm, gia đình ông Điểu Cẩn như càng kiệt quệ mỗi khi phải lên tòa theo giấy triệu tập.

Nỗi đau gia đình Thị Út đến khi nào nguôi?

Nhắc đến chuyện ra tòa, giọng ông như run run ngắt quãng. Nỗi đau về sự mất mát của người con gái Út gần 9 năm đã dần đi đến hồi kết. Kẻ gây ra cái ác cho con gái của ông được cơ quan chức năng xác định là Lê Bá Mai. Nhiều lần dự tòa, chúng tôi có đặt câu hỏi: "Phải chăng, ông tin hung thủ chính là bị cáo Lê Bá Mai?". Bản thân ông chỉ cho biết, mong pháp luật làm sáng tỏ mọi việc. Có lần ông Điểu Cẩn còn tâm sự, con gái ông dù gì đã chết, Lê Bá Mai dù có đền tội thì Thị Út cũng không thể sống lại được.

Cha mẹ nạn nhân Thị Út trước phiên xử tại Bình Phước.

Cái nghèo, cái khó càng đeo bám khi bản thân ông Điểu Cẩn lại mang trong người căn bệnh phổi. Sức khỏe của ông như yếu hơn thời gian trước đây. Từ khi chuyển vào khu tái định cư ngay đường dẫn nguyên vật liệu của nhà máy xi măng, ông được chính quyền địa phương hỗ trợ 9 triệu đồng để xây nhà.

Nói không quá, số tiền trên ông Điểu Cẩn còn không đủ để xây một cái chuồng heo cho tử tế chứ nói đến căn nhà xây bằng gạch. Ông lại phải chạy vạy nhiều nơi kiếm tiền để xây tạm căn nhà cho có chỗ trú thân. Đợt đó gia đình ông Điểu Cẩn đang trồng một đám mì. Những đám mì mới chưa kịp lớn, ông phải nhổ để bán lấy tiền bù vào xây nhà.

Nhà xây xong, cả gia đình lại phải lợp chòi ở bên ngoài và không dám ở bên trong. Nguyên nhân vì sao thì ai cũng biết, chất lượng căn nhà ngay bản thân ông cũng không dám ở. Bên trong căn nhà xây tạm trống trơn, không có bất kỳ vật dụng nào và cũng không dành để trú ngụ.

Ông Điểu Cẩn kể về những đứa con như nỗi bất hạnh mà bản thân và người vợ phải gánh chịu. Hai vợ chồng sinh được 7 người con. Người con trai lớn đi chăn trâu thuê bị mìn nổ và qua đời từ nhỏ. Người con gái Út qua đời trong “kỳ án vườn mít”. Ông chỉ còn lại 5 người con. Trong đó, hai người con gái lớn đến tuổi lấy chồng và sống tại huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Người con trai thứ của ông bị mù hai mắt, không lao động được phải nương nhờ cha mẹ già. Người con gái kế Thị Út cũng đến tuổi lấy chồng và vừa mới sinh được vài tháng.

Lê Bá Mai đã nhận mức án chung thân. Một kỳ án được khép lại với nhiều nghi vấn có làm cho gia đình ông Điểu Cẩn nguôi ngoai theo thời gian? Hung thủ đích thực trong vụ án là ai? Ai là kẻ tước đoạt mạng sống của nạn nhân trong “kỳ án vườn mít” vẫn luôn là một câu hỏi luẩn quẩn trong đầu của người cha đã mất đi người con gái thân yêu.

Ông Lê Bá Triệu (cha của bị cáo Lê Bá Mai), có hoàn cảnh đỡ vất vả hơn gia đình nạn nhân Thị Út. Từ ngày xảy ra vụ án, ông Dương Bá Tuân đã dang tay cưu mang cả gia đình. Ông Tuân xem đây là một phần trách nhiệm và làm chuyện phúc đức để đi tìm sự thật trong “kỳ án vườn mít”.

Ông Triệu không tin con ông gây ra vụ án kinh hoàng để dẫn đến một “kỳ án vườn mít”. Ông Triệu cho rằng, nếu thật sự Lê Bá Mai có tội, ông sẽ sẵn sàng tạ lỗi cùng gia đình bị cáo. Nhưng trong chuyện này, vụ án có nhiều khuất tất, ông Triệu một mực tin Lê Bá Mai vô tội.

Hưng Long