Làng violin

10:14 | 29/01/2012

1,405 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đàn violin (vĩ cầm) được coi là “công chúa” trong dàn nhạc và là nhạc cụ trong bộ dây không thể thiếu được trong bất cứ dàn nhạc giao hưởng nào. Đây là loại nhạc cụ được coi là khó học, khó chơi nhất. Vậy mà, ở Việt Nam có một làng heo hút, thuần nông nhưng có tới hàng trăm người già, trẻ biết chơi thành thạo loại nhạc cụ này. Đây có thể coi là một kỳ tích ở nước ta.

Từ những vị khách ngụ cư…

Làng Then ở xã Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang nằm e ấp bên dòng sông Thương, đẹp một cách bình dị. Câu chuyện về ngôi làng cổ kỳ lạ, phát mạnh mẽ về con đường âm nhạc bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước. Những câu chuyện này trẻ con có khi ít biết, người trung tuổi chỉ nhớ mang máng qua lời kể lại và chỉ có những cụ cao niên trong làng là nhớ rõ vì được chứng kiến.

Làng Then cũng không có gì đặc biệt ngoài những thửa ruộng “thượng đẳng điền” mà cha ông để lại. Kinh tế của làng Then thời bấy giờ cũng chỉ tầm trung bình, không có gì vượt trội so với nơi khác. Hỏi những người già trong làng thì được biết, làng Then có lịch sử hơn 300 năm, là một ngôi làng cổ có lịch sử truyền thống dày dặn và hào hùng. Cái tên Then ý chỉ ngôi làng này là then chốt, vững chãi, là cửa ngõ đầu tiên khi đến vùng này. Và đến bây giờ vẫn thế, muốn vào xã Thái Đào thì người ta phải đi qua làng Then. Nghe người già trong làng kể lại, ngày trước, vây quanh làng là 3 vòng lũy tre kín đặc, chỉ có một cửa duy nhất là cổng làng. Trộm cướp vào làng thì chỉ hết đường ra.

Lớp học violin ở làng

Câu chuyện xảy ra vào đầu năm 1952, khi làng Then tiếp nhận hai vị khách ngụ cư từ nơi khác đến. Đó là cụ Nguyễn Quang Lương (năm nay đã 85 tuổi) và cụ Bùi Tiến Xích (nay đã mất). Không giống với hầu hết những người dân trong làng đều chân lấm tay bùn với ruộng nương, anh Lương thời ấy có nghề vàng mã, gia công hàng đổ mối, còn anh Xích là thợ may nổi tiếng, chuyên may đồ lễ phục cho các cụ tiên chỉ trong làng. Họ di tản về đây, sống ngụ cư nên không có ruộng vườn gì, chỉ mua thửa đất trong làng, dựng nhà sinh sống.

Không hiểu nhân duyên nào đó, họ cùng biết chơi đàn madolin, một thứ nhạc cụ có quê hương từ nước Ý xa xôi, theo người Pháp du nhập vào Việt Nam. Thời bấy giờ, để chơi thành thạo và sở hữu được cây đàn này không phải là dễ bởi nó rất đắt và tương đối khó. Trẻ con, người lớn ở làng Then nhất loạt tròn mắt ngạc nhiên khi chiều chiều thấy anh Lương, anh Xích ôm đàn ra cây rơm ngoài đồng cùng nhau réo rắt bài “Diệt phát xít”, “Đây trời Việt Nam ngàn năm tươi sáng”. Có vẻ những hình ảnh ấy chẳng có gì ăn nhập với những người nông dân truyền đời cắm mặt xuống đất, với bàn chân bàn tay to xụ, đen kịt, vàng khè…

Ông Nguyễn Văn Bìa, giờ là thành viên chủ chốt trong đội nhạc người cao tuổi làng Then năm ấy mới có 18 tuổi. Ông Bìa kể: “Từ lúc sinh ra, đã bao giờ tôi biết thế nào là cây đàn, đã bao giờ được nghe nhạc đâu. Thế nhưng, nhìn thấy hai ông ấy chơi được đàn, ai nấy đều mê mẩn, chỉ ước được sờ vào cây đàn một lần”.

Tuy nhiên, duyên kỳ ngộ với cây đàn violin, để rồi cây đàn ấy trở thành biểu tượng của làng Then nhiều năm sau chỉ đến từ năm 1956. Mùa đông năm ấy, có ông Trần Văn Bê, một nhà tiểu tư sản từ dưới Hà Nội lên sơ tán ở làng Then và có đem theo một cây violin. Ông Bê kéo bài “Em không nghe mùa thu” nghe còn “mùi” gấp nhiều lần ông Lương, ông Xích chơi mandolin. Như gặp mối lương duyên, thanh niên làng Then quyết học violin!

Ngày đi cày, tối về chơi… violin

Muốn học đàn thì trước hết phải có đàn để tập. Thời bấy giờ, cái ăn còn không đủ nhưng ông Xích, ông Đưa đã nghiến răng bán đi mỗi người nửa tấn thóc rồi xuống Hà Nội mua được 2 cây violin Trung Quốc. Vậy là, sau giờ ra đồng, trẻ con người lớn làng Then lại lao vào học đàn, một việc mà đã từng người người nhiếc móc là “thừa giấy vẽ voi”, “ăn còn không đủ, đàn hát nỗi gì”.

Cũng trong năm đó, đội văn nghệ làng Then với hạt nhân là đội đàn violin (dù các thành viên chỉ mới tập tành chơi được vài bài) đã xuất sắc dành giải Nhất tỉnh Hà Bắc cũ trong kỳ hội diễn văn nghệ. Giải thưởng của họ là chiếc máy hát quay đĩa của Trung Quốc. Sẵn có chút tiếng tăm, làng Then liền đề nghị Ty Văn hóa Hà Bắc cử thầy về dạy đàn cho đội văn nghệ làng. Ty Văn hóa đồng ý và cử thầy Đỗ Hữu Bài là nghệ sĩ violin nổi tiếng trong tỉnh về dạy đàn. Họ thành lập đội hợp xướng với 11 thành viên, trong đó 1 người chơi xenlo, 1 người chơi viola và 9 người chơi violin. Năng khiếu âm nhạc sẵn có, cộng thêm phong trào văn nghệ rất mạnh nên những thành viên trong đội violin làng Then nhanh chóng sử dụng thuần thục thứ nhạc cụ quý tộc này. Những đôi tay mà ban ngày thì cầm cái cầy cái cuốc, ngụp lặn trong phân tro bùn đất thì tối về lại lướt nhẹ trên phím violin đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo và thẩm âm chuẩn xác của người chơi.

Một nhạc cụ thanh tao, quý phái được đưa ra bờ ruộng, chuồng trâu để học, để chơi thì có lẽ trên thế giới chỉ có làng Then là duy nhất!

Sau nhiều năm tập luyện bền bỉ, năm 1962 đội vĩ cầm làng Then vinh dự đại diện cho toàn tỉnh Hà Bắc cũ đi biểu diễn ở Trung ương và được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh, phát sóng. Đến năm 1973, ông Nguyễn Hữu Đưa, một trong những tay chơi violin tài ba của làng Then cùng một số anh em ở Đoàn Văn nghệ Hà Bắc vào tận Quảng Trị, đi khắp các chiến trường ác liệt như Khe Xanh, đường 9 Nam Lào, Hải Lăng để biểu diễn, phục vụ anh em, chiến sĩ. Rồi đến năm 1976, Đại hội Đảng lần thứ IV diễn ra long trọng tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, 14 chàng trai tài hoa làng Then đã về dự và biểu diễn phục vụ Đại hội.

Có nhiều người bất ngờ về trình độ chơi đàn của người làng Then. Ông Nguyễn Quang Khoa, Đội trưởng Đội nhạc Người cao tuổi kể: “Năm 2007, trong cuộc thi tìm kiếm tài năng do Đài Truyền hình Thái Nguyên tổ chức, đội đàn làng Then có tham gia. Sau khi kết thúc chương trình có một cộng tác viên của Quỹ Phát triển văn hóa Thụy Điển – Việt Nam đã phát hiện và báo cáo với quỹ về nét văn hóa độc đáo của làng Then. Ban đầu họ không tin và cho rằng, đội đàn chúng tôi là đội chơi chuyên nghiệp chứ không phải nông dân. Quỹ đã cử cán bộ về địa phương xác minh, yêu cầu đội nhạc dàn dựng chương trình và tổ chức biểu diễn báo cáo”.

Tiếng đàn của nông dân làng Then đã thực sự chinh phục được trái tim các cán bộ của quỹ có mặt trong buổi biểu diễn ngày ấy. Ngay sau đó, quỹ đã đồng ý triển khai dự án tài trợ nâng cấp dàn đàn violin của làng Then với tổng giá trị 70 triệu đồng. Dự án được triển khai trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2007. Sau khi hoàn thành, toàn bộ số đàn cũ của đội đàn đã được sửa chữa lại. Ngoài ra, đội còn mua được 10 cây violin mới.

Cũng từ làng âm nhạc này, đã có nhiều người thành danh về con đường âm nhạc nghệ thuật. Hỏi chuyện các cụ già mới biết làng Then chính là quê của nhiều diễn viên, nhạc công nổi tiếng như Đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ và Hà Quốc Minh (nguyên Giám đốc và đương kim Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam), nhạc sĩ Trần Vinh (Nhà hát Chèo Việt Nam), Nguyễn Thị Huệ (Giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Hà Thị Nga (ĐH Sân khấu – Điện ảnh), Hà Thị Thảo, Hà Văn Cường, Giáp Văn Chương, Hà Văn Quân (Nhà hát Chèo Việt Nam), NSƯT Trần Vinh (Nhạc trưởng Nhà hát Chèo Việt Nam)…

Thành hoàng làng cũng mê nhạc

Cả một ngày lang thang ở ngôi làng cổ kính rêu phong này, tôi cố gắng tìm xem điều gì khiến cho làng quê này trở thành một làng âm nhạc kỳ lạ như vậy.

Người già trong làng kể rằng, xưa vào mỗi dịp hội xuân, làng mời một gánh tuồng về diễn mấy đêm liền, lại còn mời cả giáo phường ca trù về hát thờ trước cửa đình. Hát cửa đình không thể không có bài Thét nhạc cổ kính trang nghiêm với những lời hát: Tiếng nhạc Thiều tâu/ Vẳng tai nghe tiếng nhạc Thiều tâu/ Vẳng nghe chuông gióng lâu lâu lại dừng… Sau khi hát ở đình, các quan viên chức sắc trong làng còn đón các cô đầu về hát chơi trong nhà, tiếng “tom, chát” rộn suốt những đêm hội mùa xuân.

Hỏi các cụ già nhất trong làng thì chỉ biết làng có đón các gánh tuồng và ả đào về hát vậy thôi. Nhưng bí mật nằm ở đình làng Then. Trong một lần về thăm làng, một tiến sĩ Hán Nôm đã để lại lời lý giải như thế này: Bức hoành phi của làng có mấy chữ “Chung hòa thả bình”. Đây là bốn chữ rút trong bài thơ “Phạt mộc”, phần Tiểu Nhã của Kinh Thi. Nguyên cả đoạn thơ ấy là “Thần chi! Thính chi. Chung hòa thả bình”, nghĩa là: Hỡi thần! Hãy lắng nghe khúc nhạc này! Rồi cho được hòa vui yên ổn. Đôi câu đối như sau: “Đình trung như Thuấn nhạc. Bệ thượng nhược Nghiêu tôn”, nghĩa là: Nhạc vang lên trong đình này như nhạc Thiều của vua Thuấn. Lòng tôn kính Thần trên bệ kia chẳng khác dân thờ vua Nghiêu. Xem thế đủ biết thành hoàng làng Then chuộng cổ nhạc như thế nào!

Vậy là dân làng Then đã dâng cúng lên thần thành hoàng làng khúc nhạc dịu êm thanh bình và mong thần phù trợ cho được hòa vui, yên ổn. Và khúc nhạc đó được ví như nhạc Thiều của vua Thuấn. Với đôi câu đối thờ trong đình, người dân làng Then xưa vừa thể hiện niềm tôn kính với thành hoàng làng, vừa ca ngợi cuộc sống thanh bình no đủ, vừa tự hào với những khúc nhạc thành kính. Và có lẽ vì vậy mà làng Then phát triển về đường âm nhạc chăng?

Vũ Hải Hậu