Làn sóng Covid-19 lần hai có thể khiến giá dầu thế giới sụt giảm mạnh

11:01 | 10/07/2020

422 lượt xem
|
(PetroTimes) - Đó là nhận định của chuyên gia Nick Cunningham của hãng tin Oilprice trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 mới tăng mạnh tại Mỹ và một số nền kinh tế mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi.    
lan song covid 19 lan hai co the khien gia dau the gioi sut giam manhGiá dầu đầu tuần và dự báo những ngày tới
lan song covid 19 lan hai co the khien gia dau the gioi sut giam manhDịch Corona khiến Shell bốc hơi tài sản
lan song covid 19 lan hai co the khien gia dau the gioi sut giam manh

Giá dầu đạt mức cao nhất trong 4 tháng vào cuối tuần vừa qua, được hỗ trợ mạnh bởi nguồn cung dầu bị thắt chặt và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 trên khắp nước Mỹ, tâm dịch lớn nhất thế giới đang đe dọa quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu và gây lo ngại về một cuộc suy thoái khác. Các chuyên gia thị trường từ lâu đã cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm lần thứ hai có thể xảy ra. Nhưng sự tăng vọt đột ngột của các cuộc biểu tình phản đối hạn chế, giãn cách xã hội trên khắp nước Mỹ đã khiến chính quyền nhiều bang mất cảnh giác. Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, số trường hợp nhiễm Covid-19 tại bang Texas, Arizona và Florida đang tiến gần đến "mức độ tận thế". Nước Mỹ đang phá vỡ những kỷ lục mới với số ca nhiễm mới hàng ngày thường xuyên ở ngưỡng 50.000 ca.

Các chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ của Rystad Energy cho biết, các báo cáo về tốc độ lây nhiễm Covid-19 tại Mỹ thật sự gây sốc cho thị trường và nếu xu hướng này tiếp tục, nhu cầu tiêu thụ dầu tại Bắc Mỹ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Dường như chỉ có các hạn chế tiếp xúc, giãn cách xã hội mới có thể kiểm soát được đại dịch tại Mỹ lúc này. Nếu các biện pháp hạn chế, cách ly được tái áp dụng trên toàn quốc thì làn sóng đại dịch thứ hai sẽ tác động mạnh đến nhu cầu dầu của Mỹ. Ngoài ra, các thị trường tiêu thụ dầu lớn khác cũng đang chứng kiến tốc độ lây lan mạnh Covid-19 như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi.

Trong các dự báo khác nhau, nhiều nhà phân tích thị trường liên tục dự báo nhu cầu dầu phục hồi ổn định trong suốt nửa cuối năm 2020. Rất ít các dự báo đề cập đến tác động của làn sóng đại dịch thứ 2. Ví dụ như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm trung bình 8 triệu thùng/ngày trong cả năm 2020, trong đó sụt giảm tiêu thụ chủ yếu xảy ra trong quý II/2020 và thị trường sẽ chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng trong nửa cuối năm. IEA cũng dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 5,7 triệu thùng/ngày trong năm 2021.

Nhưng khả năng về làn sóng đại dịch lần hai với quy mô lớn hơn đang đe dọa vào nhu cầu dầu thô toàn cầu, xóa bỏ tất cả các dự báo về quỹ đạo phục hồi ổn định của thị trường. Một dự báo gần đây của Rystad Energy cho thấy, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể giảm xuống còn 86,5 triệu thùng/ngày trong năm 2020, thấp hơn 2,5 triệu thùng/ngày so với dự báo cơ sở của hãng là 89 triệu thùng/ngày. Theo kịch bản này, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sẽ tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 8 - 10/2020. Tuy nhiên, trong trường hợp làn sóng thứ 2 của đại dịch xảy ra thì nhu cầu dầu vào cuối năm 2020 sẽ chỉ đạt 84 triệu thùng/ngày, thấp hơn 5 triệu thùng so với dự báo cơ sở. Cần lưu ý rằng, theo một số nhận định của giới chuyên gia y tế, làn sóng Covid-19 lần hai không còn là khả năng mà nó đang diễn ra tại Mỹ và một số quốc gia khác (hoặc theo một số quan điểm khác cho rằng nước Mỹ vẫn đang chứng kiến làn sóng đại dịch đầu tiên, chưa có dấu hiệu kết thúc).

Làn sóng Covid-19 lần thứ hai không phá hủy nhu cầu theo cách tương tự mà những gì làn sóng thứ nhất đã làm do hầu hết chính phủ các nước áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế, giãn cách xã hội. Thay vào đó, việc phong tỏa, hạn chế sẽ áp dụng cục bộ hơn, ngăn chặn sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ lịch sử đã diễn ra vào đầu năm nay.

Nhưng bởi vì các thị trường đã đón nhận sự lạc quan trong 2 tháng qua, thậm chí đặt cược vào sự cải thiện ổn định khiến làn sóng đại dịch lần hai này gây ra những rủi ro nghiêm trọng. Bất cứ sự tái phong tỏa, đóng cửa nền kinh tế nào đều sẽ khiến giá dầu rơi vào tình trạng khó khăn tạm thời hoặc lâu dài.

Điều này đang đặt ra bài toán khá hóc búa cho OPEC+. Việc gia hạn cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,6 triệu thùng/ngày sẽ kết thúc vào cuối tháng này, đồng thời đã có những tín hiệu về việc nới lỏng cắt giảm trong tháng tới nhằm giảm hạn ngạch xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày, bắt đầu vào tháng 8 tới. Nhưng việc thêm 2 triệu thùng/ngày trở lại thị trường cũng giống như việc thị trường phải chịu thêm một cú sốc khác, tác động mạnh đến giá dầu.

Ngân hàng Commerzbank cho biết, các nhà sản xuất dầu đang trong trạng thái bị kìm kẹp, muốn tháo gỡ sớm các hạn chế về sản xuất dầu. Hạn ngạch OPEC+ sẽ không thể tồn tại mãi mãi và các bên sẽ đẩy mạnh sản xuất dầu trở lại từ tháng 8.

Nói tóm lại, trong khi giá dầu tăng mạnh do kỳ vọng nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu tiêu thụ tăng, thị trường có thể diễn biến theo hướng ngược lại: nguồn cung có thể tăng trở lại trong khi nhu cầu giảm.

Theo đánh giá của Rystad Energy, tại thời điểm này thì OPEC+ là công cụ duy nhất để điều phối thị trường. Tuy nhiên liên minh này đang phải đối mặt với sự dư thừa nguồn cung, dự trữ dầu kỷ lục. Và nếu làn sóng Covid-19 lần thứ hai ập đến, cơn "đau đầu" về lưu trữ dầu sẽ trở nên tồi tệ hơn. Không còn khả năng giảm hàng tồn kho cộng với nguồn cung phục hồi tại thời điểm nhu cầu tiêu thụ sụt giảm vì làn sóng đại dịch thứ hai, khả năng giá dầu tăng là rất thấp.

Phạm TT

Theo Oilprice