Kỳ vọng tín dụng trong nửa cuối năm nay sẽ có sự cải thiện

15:03 | 09/08/2020

230 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tín dụng trong nửa cuối năm nay kỳ vọng có sự cải thiện nhưng mức độ sẽ không quá lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh, nhu cầu vay vốn giảm.

Báo cáo vĩ mô tháng 7/2020 được Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho hay, mặc dù trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không có hoạt động bơm/hút ròng vốn đáng kể nào thông qua thị trường mở (OMO). Tuy vậy, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dồi dào, thể hiện qua mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp kỷ lục (0,15-0,3%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần).

BVSC kỳ vọng tín dụng trong nửa cuối năm nay sẽ có sự cải thiện so với nửa đầu năm. Tuy vậy, mức độ cải thiện sẽ không quá lớn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 mới quay trở lại Việt Nam, khiến các doanh nghiệp duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng kinh doanh, qua đó hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh.

Kỳ vọng tín dụng trong nửa cuối năm nay sẽ có sự cải thiện
Kỳ vọng tín dụng trong nửa cuối năm nay sẽ có sự cải thiện

Bên cạnh đó, BVSC cũng dự báo sau khi đã mạnh tay cắt giảm lãi suất điều hành 2 lần trong nửa đầu năm, NHNN sẽ không chú trọng mục tiêu giảm thêm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm. Thay vào đó, NHNN sẽ chuyển mục tiêu từ cố gắng giảm lãi suất sang các mục tiêu khác như: tháo gỡ các rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn sau dịch Covid-19, nới room tín dụng cho các ngân hàng, thậm chí tái cấp vốn cho các dự án đầu tư công có độ lan tỏa cao.

Ngoài ra, tỷ giá USD/VND đang giảm về vùng giá mua vào của NHNN, qua đó giúp cải thiện dự trữ ngoại hối nên nhiều khả năng cũng sẽ có một lượng tiền VND mới được bơm vào hệ thống ngân hàng. Trên cơ sở đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng được dự báo vẫn ở trạng thái tích cực trong tháng 8.

Trước đó, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, mặc dù nhu cầu tín dụng tháng 4 và 5 khá yếu nhưng tính đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,26%. Mức tăng này chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng thấp nhất 7 năm qua tính theo giai đoạn nửa năm.

Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, mới đây NHNN vừa phát đi thông báo 3 quyết định hạ lãi suất điều hành các loại tiền gửi tại NHNN từ ngày 6/8/2020. Đây được cho là một trong những động thái nới lỏng tiền tệ của NHNN.

Cụ thể, NHNN ban hành quyết định số 1349/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng (TCTD) tại NHNN. Theo đó, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VNĐ là 0,5%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VNĐ là 0%/năm.

Quyết định số 1350/QĐ-NHNN về mức tiền gửi bằng VNĐ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tín dụng vi mô tại NHNN. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi này là 0,8%/năm.

Quyết định số 1351/QĐ-NHNN về mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại NHNN. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng VNĐ của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi tại NHNN là 0,8%/năm.

Theo NHNN, quyết định điều chỉnh lãi suất trên nằm trong chuỗi đồng bộ nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Đánh giá về động thái này của NHNN, nhiều ý kiến cho rằng đây là một động thái nới lỏng nhẹ nhàng vì lượng tiền liên quan tới 3 quyết định trên của NHNN là không quá lớn. Động thái trên là phù hợp khi nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn khi phải đương đầu với dịch bệnh, chịu tác động của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước xuống dốc.

Đức Minh

Có thể nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên tới 125 triệu đồng
Doanh nghiệp nhỏ hậu Covid – Nguy cơ hay thời cơ?
Mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không quá lớn