Kỳ tích từ sự quyết tâm

07:48 | 31/12/2022

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Đại dự án” cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025) với 12 dự án thành phần, dài hơn 720 km sắp được khởi công đã cho thấy một nỗ lực “phi thường” trong công tác chuẩn bị đầu tư.
Kỳ tích từ sự quyết tâm
Bộ GTVT khẳng định việc lựa chọn nhà thầu, tư vấn giám sát tại dự án cao tốc Bắc - Nam đúng quy định, không tiêu cực

"Khởi công thần tốc" là từ khóa được dùng nhiều để nói về công trình trọng điểm quốc gia này. Trước đây các dự án nhóm A mà thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục thông thường, thời gian từ khi phê duyệt đến thời điểm khởi công thường mất tối thiểu là 2 năm. Nhưng với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2, thời gian chỉ còn 12 tháng. Số lượng thủ tục, công việc "khổng lồ" kéo dài từ Bắc Trung Bộ tới Cà Mau được triển khai với tinh thần "tốc chiến, tốc thắng".

Điều đáng chú ý, việc chuẩn bị cho giai đoạn 2 còn phải tính tới khắc phục các "điểm nghẽn" từng xảy ra đối với giai đoạn 1, nhất là vật liệu đắp nền, năng lực nhà thầu và giải phóng mặt bằng. Chính các yếu tố này đã khiến nhiều dự án của giai đoạn 1 "trễ hẹn" nhiều năm.

Đầu xuôi, đuôi lọt. Việc khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đúng hẹn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành mục tiêu: nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025. Từ đó, hoàn thành kế hoạch lớn lao mà Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đưa ra: đến năm 2025, cả nước có 3.000 km cao tốc và đến năm 2030, có 5.000 km cao tốc. Khởi công chậm 1 ngày thì quá trình thi công sẽ rất vất vả, ngày về đích sẽ dài hơn.

Để thực hiện khối lượng công việc khổng lồ với thời gian thần tốc, có thể nói dự án đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ và đóng góp trách nhiệm chưa từng có tiền lệ đối với các dự án giao thông trước đó.

Quốc hội đã tổ chức phiên họp bất thường để thông qua chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 44. Chỉ một tháng sau, Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết của Quốc hội được Chính phủ ban hành, đề ra hàng loạt cơ chế đặc thù cũng như xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ấn định thời gian hoàn thành dự án rất cụ thể.

Trong quá trình triển khai, thấy có vướng mắc, Chính phủ lập tức ban hành Nghị quyết 119 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 18 để tháo gỡ. Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ liên tục có các cuộc họp, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị dự án. Các bộ, ngành, nhất là Bộ GTVT, các địa phương có dự án đi qua cũng làm ngày làm đêm, không kể ngày nghỉ, coi đây là nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu. Bà con nhân dân cũng tích cực ủng hộ bởi làm cao tốc sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ và người hưởng lợi chính là người dân địa phương nên sự vận động dễ đi vào lòng người hơn.

Qua đây cũng cho thấy sự thay đổi rất lớn trong phương thức lãnh đạo, tư duy, cách nghĩ, cách làm của các cơ quan, đơn vị với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn; nâng cao trách nhiệm. Việc dự án được trao nhiều cơ chế đặc thù, đặc biệt là cơ chế chỉ định thầu còn cho thấy một ý chí, tinh thần chịu trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, cơ quan.

Thực hiện cơ chế mới này không hề dễ dàng nếu không có quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung. Chúng ta từng chứng kiến bài học "nhỡn tiền" từ thực trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế vừa qua.

Lãnh đạo sâu sát, cán bộ quyết liệt và người dân đồng thuận, tất cả vì lợi ích chung, sẽ là những điều quý giá giúp dự án có cơ hội thành công lớn hơn, ngay từ khâu khởi động.

Đức Tuân

Tăng trưởng lập kỳ tích và Tăng trưởng lập kỳ tích và "nét khác biệt đáng tự hào" của kinh tế Việt Nam