Kinh tế số phát triển mạnh nhờ… Covid-19

14:58 | 02/04/2020

345 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dịch bệnh Covid-19 xảy ra làm thay đổi nhiều quan niệm, đặc biệt trong kinh doanh. Bởi với những hệ lụy xảy ra thì nhiều doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều nhận ra rằng thúc đẩy kinh tế số là việc phải làm. Và để chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ này trong thời gian tới, các doanh nghiệp viễn thông đã ráo riết chuẩn bị cơ sở hạ tầng, như hệ thống băng thông rộng, cơ sở nền tảng kinh tế số…      
kinh te so phat trien manh nho covid 19Nâng cao hiệu quả xuất khẩu theo xu hướng kinh tế số
kinh te so phat trien manh nho covid 19Thay đổi tư duy và kỹ năng thích ứng
kinh te so phat trien manh nho covid 19Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế số
kinh te so phat trien manh nho covid 19Chuyển đổi số - Sự chuyển dịch mang tính lịch sử

Hoạt động kinh tế “tại gia” gia tăng

Tại cuôc họp “Công nghệ băng thông rộng thúc đẩy phát triển kinh tế số” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuối tháng 3 đã nhận định “Dịch bệnh Covid-19 xảy ra, đã làm thay đổi nhiều quan niệm từ phương thức làm việc cho tới kinh doanh, học tập… Rất nhiều người đã ở nhà làm việc, kinh doanh từ xa (kinh doanh online). Điều này cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế số mà trong đó hệ thống băng thông rộng cố định là điều kiện quyết định”.

kinh te so phat trien manh nho covid 19
Mua bán "tại gia" gia tăng

Ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nói: “Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh tế “tại gia” trên nền tảng Internet băng rộng đã có bước phát triển nhảy vọt. Thực tế chứng minh hạ tầng viễn thông càng trở nên quan trọng, được kỳ vọng là phương thức giúp xã hội thoát khỏi khó khăn do tác động tiêu cực của Covid-19”.

Trong vòng 2-3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển. Chính phủ Việt Nam xác định một trong những trụ cột của nền kinh tế số (hay kinh tế web, kinh tế internet...) là hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng rộng di động lẫn băng rộng cố định.

Ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone cho hay trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng băng rộng di động liên tục tăng cao trong nước. Trước thực tế này, MobiFone đã có các phương án đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngay tại các khu vực cách ly Covid-19 cũng đều được tăng cường trạm phát, đảm bảo sử dụng tốt nhất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc VNPT VinaPhone đánh giá nhu cầu sử dụng Internet tăng mạnh, từ đối tượng khách hàng doanh nghiệp cho tới cá nhân.

Tại thời điểm hiện nay doanh nghiệp cũng áp dụng nhiều chính sách, chế độ linh hoạt phù hợp với thị trường như miễn cước 2 tháng cho gia đình các bác sỹ tham gia chống Covid-19, khuyến khích giảm giá từ 5-20% thanh toán qua VNPT Pay…

Đồng quan điểm, ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom cho hay: Trước tác động nặng nề của Covid-19, doanh nghiệp này đã phối hợp chặt chẽ với đối tác trong và ngoài nước để mở rộng băng thông.

“Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, FPT Telecom đã thực hiện giãn giảm công nợ, hoặc miễn hoàn toàn cước sử dụng dịch vụ trong thời gian dịch bệnh. Ngoài ra còn thúc đẩy triển khai các giải pháp thanh toán online, triển khai giải pháp giáo dục trực tuyến… để phù hợp với nhu cầu thị trường trong điều kiện phải làm việc, học tập từ xa”, ông Việt Anh chia sẻ.

Dịch Covid-19 mở ra… cơ hội

Theo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính đến hết tháng 1/2020, hạ tầng công nghệ viễn thông Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, tổng thuê bao băng rộng cố định là 15,1 triệu thuê bao, tổng thuê bao băng rộng di động đạt gần 65 triệu thuê bao.

Thống kê chưa chính thức từ cơ quan này thì chỉ trong vòng 2 tháng chịu tác động của dịch Covid-19, doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông tăng gần 28% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những tháng kế tiếp.

kinh te so phat trien manh nho covid 19
Kinh tế số sẽ phát triển mạnh sau dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng thách thức từ dịch bệnh Covid-19 vừa tạo áp lực, vừa mở ra cơ hội để ngành thông tin và truyền thông trong đó có Internet phát triển, ứng dụng công nghệ số sâu rộng hơn trong xã hội. Thực tế này giúp xã hội vẫn vận hành thông suốt theo phương thức mới, thích ứng nhanh với mọi thay đổi.

Ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định: giữa bối cảnh Covid-19 đang có tác động mạnh tới toàn cầu, hàng loạt hoạt động từ kinh doanh, y tế, giáo dục… tại Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trên nền tảng Internet. Do đó, cơ hội cho lĩnh vực viễn thông băng rộng rất lớn, góp phần giúp ổn định nền kinh tế, xã hội.

Ông Lê Quang Huy cũng cho rằng, thời gian tới, vai trò của hạ tầng viễn thông băng rộng sẽ ngày càng lớn và phát triển mạnh, đặt ra các thách thức lớn trong việc chuyển đổi từ các dịch vụ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số.

Đáp ứng nhu cầu phát triển, Việt Nam đã ban hành Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện… Tuy nhiên để phù hợp với thực tế, nhất là khi công nghệ 5G được thương mại hóa, cần nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa chính sách về cấp phép, quy hoạch, hỗ trợ doanh nghiệp, vấn đề sản xuất thiết bị đầu cuối… để Việt Nam thực sự tận dụng được các cơ hội.

Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỉ USD, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt xấp xỉ 33%.

Còn theo một nghiên cứu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia về tốc độ số hóa nền kinh tế trong năm 2019.

Nguyễn Hưng