Chuyển đổi số - Sự chuyển dịch mang tính lịch sử

12:59 | 27/08/2019

759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường” là chủ đề của Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức mới đây. Tại diễn đàn, một vấn đề lớn đặt ra: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn từ con người đến hạ tầng..., làm thế nào để chuyển đổi số thành công ở Việt Nam? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng để tìm câu trả lời.

Chuyển thế giới thực thành thế giới ảo

PV: Thưa Bộ trưởng, thời gian gần đây nhiều người nói đến số hóa nhưng không phải ai cũng hiểu thế nào là số hóa. Ông có thể định nghĩa ngắn gọn về số hóa?

chuyen doi so su chuyen dich mang tinh lich su
Chuyển đổi số - Sự chuyển dịch mang tính lịch sử

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Công nghệ số đang thâm nhập thế giới với tốc độ rất cao, nhất là một số công nghệ đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi căn bản kinh tế và xã hội. Máy móc, thiết bị ngày càng thông minh, hiểu được mệnh lệnh, hoạt động độc lập và kết nối. Các lĩnh vực vật lý và lĩnh vực số, kinh tế vật chất và kinh tế số đang hòa nhập chung với nhau.

Digitization - chuyển thông tin sang dạng số, Digitalization - ứng dụng công nghệ thông tin và Digital Transformation - chuyển đổi số, là ba cấp độ số hóa.

Có rất nhiều ví dụ, Digitization là số hóa văn bản để lưu trữ và xử lý; Digitalization là ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động của một tổ chức được hiệu quả hơn; Digital Transformation là quá trình chuyển các hoạt động kinh tế và xã hội sang môi trường số, như dịch vụ gọi xe Grab hay đào tạo trực tuyến chẳng hạn...

PV: Chuyển đổi số có thể hiểu là chuyển thế giới thực thành thế giới ảo? Quá trình chuyển đổi số diễn ra như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế - xã hội định hình nó. Nói chung, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chúng ta sống trong thế giới thực từ khi xuất hiện loài người. Đây là lần đầu tiên loài người bước vào thế giới ảo. Không chỉ một phần, mà toàn bộ hoạt động kinh tế và xã hội sẽ được chuyển vào thế giới ảo. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số bên cạnh kinh tế thực và xã hội thực. Và chỉ lúc đó, công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó.

Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một là đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực. Bước hai là sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực, từng tổ chức. Bước ba tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới - động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một là đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực. Bước hai là sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực, từng tổ chức. Bước ba tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới - động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ, không chỉ kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số thông qua thể chế, mà còn đi đầu trong chuyển đổi số. Đầu tư cho chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số; đầu tư cho đô thị thông minh hướng tới xã hội số; thúc đẩy các bộ, ngành, doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số...

PV: Điều khó nhất trong quá trình chuyển đổi số là hình thành các quan hệ mới trong thế giới ảo. Theo Bộ trưởng, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Như tôi đã nói, chuyển đổi số bao gồm bước một là số hóa. Không chỉ con người được số hóa mà tất cả các vật vô tri vô giác sẽ được số hóa. Từ đó, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, các vật vô tri vô giác được cất tiếng nói.

chuyen doi so su chuyen dich mang tinh lich su
Doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào chuyển đổi số

Bước hai của chuyển đổi số là hình thành các mối quan hệ mới trong nền kinh tế số, xã hội số - các mối quan hệ mới trong thế giới ảo. Đây chính là thách thức lớn nhất của quá trình chuyển đổi số. Nhưng chính những mối quan hệ mới, những mô hình mới sẽ phát huy hiệu quả của chuyển đổi số. Nó phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Đây cũng là lợi thế của các nước đang phát triển như Việt Nam, vì sự chuyển đổi nhận thức không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu. Các nước đi sau ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời công nghiệp 2.0, 3.0. Những gánh nặng quá khứ đó có thể lại là cản trở cho công nghiệp 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để vượt lên thành nước phát triển.

Ba mươi năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho Việt Nam trong các thập kỷ tới. Thế hệ chúng ta đang đứng trước những cơ hội vô giá để đưa đất nước đến phồn vinh hùng cường.

PV: Nghĩa là chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đúng vậy. Về thể chế, điều quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Cái mới chưa biết nên cũng không thể biết cách quản lý, do vậy cơ chế Sandbox (công nghệ giúp bảo vệ máy tính tránh được các nguy cơ bị thâm nhập), cho thử nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định, là cách tiếp cận cái mới tốt nhất.

PV: Nhưng bên cạnh thể chế vẫn phải coi trọng công nghệ?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bên cạnh thể chế, chúng tôi xác định 4 yếu tố nữa làm nền tảng cho quá trình chuyển đổi số gồm: Hạ tầng, an ninh mạng, nền tảng công nghệ (Platform) và đào tạo. Trong đó, hạ tầng quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số, như IoT (mạng lưới thiết bị kết nối Internet), Big Data (dữ liệu), AI (trí tuệ nhân tạo), AR (tương tác thực tế ảo). Rất nhiều công nghệ mới đang xuất hiện cho phép Việt Nam chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT thế hệ mới.

Nếu chúng ta coi mục tiêu của chuyển đổi số là phát triển quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiền đề của chuyển đổi số chính là an toàn, an ninh không gian mạng. Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường thì phải là cường quốc về an ninh mạng để bảo đảm an toàn, tạo niềm tin số cho mọi người.

Chuyển đổi số là chặng đường dài nhiều thập kỷ, liên quan đến mọi người, nên muốn căn cơ thì ICT phải được coi là kỹ năng cơ bản như biết đọc, biết viết cho học sinh từ cấp học thấp nhất. Giáo dục bằng ICT cũng chính là cách tốt nhất để dạy kỹ năng số cho học sinh.

PV: Vẫn còn một vấn đề nữa, đó là con người. Làm thế nào để Việt Nam có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Theo tôi, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, quan trọng nhất là đào tạo lại và đào tạo nâng cao. Nhưng chuyển đổi số là chặng đường dài nhiều thập niên, liên quan đến mọi người, nên muốn căn cơ thì ICT phải được coi là kỹ năng cơ bản như biết đọc, biết viết cho học sinh từ cấp học thấp nhất. Và cũng chính ICT là lời giải tốt nhất cho nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay. Giáo dục bằng ICT cũng chính là cách tốt nhất để dạy kỹ năng số cho học sinh.

Phát triển các loại hình doanh nghiệp ICT

PV:Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số, điều đầu tiên chúng ta cần làm bây giờ là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 DN ICT tại khắp các tỉnh, thành phố để đẩy nhanh chuyển đổi số. Cần tập trung phát triển 4 loại hình DN công nghệ số.

chuyen doi so su chuyen dich mang tinh lich su
Chuyển đổi số - Sự chuyển dịch mang tính lịch sử

Một là các DN công nghệ lớn, làm chủ các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT, khoảng 10-20 DN, đó là các DN có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Các DN thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup... có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Hai là các DN công nghệ đã có 10-20 năm kinh nghiệm. Hiện chúng ta đang có hàng ngàn DN, đang chủ yếu làm gia công, nay sẽ chuyển sang tập trung làm các Platform chuyển đổi số.

Ba là các DN công nghệ mới, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chúng ta sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn DN loại này.

Bốn là các DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. Việt Nam có được hàng trăm DN loại này thì đã là rất thành công rồi.

PV: Theo Bộ trưởng, có cách nào thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn không, nhất là trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Hãy hình dung nếu phải tới từng cơ quan, từng DN, từng hộ gia đình để làm chuyển đổi số thì sẽ rất lâu, vì con số đầu mối tới hàng chục triệu. Vì vậy, cách tiếp cận nhanh nhất để chuyển đổi số là tạo ra các Platform số để các cơ quan, DN, hộ gia đình, người dân sử dụng. Sử dụng các Platform số này tức là lên môi trường số, hoạt động trong môi trường số.

Ví dụ, chúng ta có hàng ngàn tờ báo và tạp chí. Nếu từng cơ quan báo chí phải đầu tư nền tảng số thì sẽ rất tốn kém, nhiều cơ quan báo chí không có đủ nguồn lực, cả về tài chính và nhân lực. Nhưng nếu có một Platform để các báo có thể lên đó, tiếp cận người đọc, tiếp cận quảng cáo thì hàng ngàn cơ quan báo chí có thể chuyển đổi sang môi trường số rất nhanh.

Tương tự, nếu một công ty làm phần mềm kế toán, đầu tư một nền tảng, để những người làm kế toán chuyên nghiệp có thể cung cấp dịch vụ kế toán cho các DN, từ lớn đến siêu nhỏ, thì việc chuyển đổi số về kế toán cho các DN sẽ diễn ra rất nhanh. Đồng thời, nó cũng kích thích các hộ kinh doanh chuyển sang DN vì không phải đi thuê kế toán viên, vốn là việc rất khó, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Vậy nên, mỗi DN ICT phải nhận một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

PV: Xin được hỏi câu cuối cùng, Bộ trưởng nghĩ gì về công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam và đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng DN, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, nghìn năm mới có một lần. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy. Những nước đi sau như Việt Nam lại là cơ hội. Thêm vào đó, người Việt Nam thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới.

30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho Việt Nam trong các thập niên tới. Thế hệ chúng ta đang đứng trước những cơ hội vô giá để đưa đất nước đến phồn vinh hùng cường. Tôi rất mong chúng ta hãy kề vai sát cánh, mạnh mẽ đột phá vươn lên, để dân tộc Việt Nam sớm được sánh nganh vai các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

chuyen doi so su chuyen dich mang tinh lich su
Chuyển đổi số - Sự chuyển dịch mang tính lịch sử

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Đột phá ra khỏi tư duy, rào cản ý thức cũ

hận định về công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải phát triển nhanh hơn và bền vững hơn, phải có khát vọng, ý chí, sáng tạo và đột phá ra khỏi tư duy, rào cản ý thức cũ. Chuyển đổi số là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn với Việt Nam.

“Cơ hội đến với chúng ta nhưng cũng đến với các quốc gia, dân tộc khác. Thế nên, trong cuộc đua tranh này, nếu không nắm bắt được cơ hội, tận dụng được tốt nó thì sẽ biến thành thách thức”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng ví dụ, Việt Nam từng mạnh dạn số hóa ngành bưu điện. Nhưng ngoài kết quả đạt được cũng còn rất nhiều cơ hội đã bị bỏ qua, nhiều đề án, mục tiêu chưa làm được. Vậy, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta phải làm thế nào để tận dụng tốt nhất cơ hội?

Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải tự nhắc nhau Việt Nam đang có tâm thế của một nước còn thua kém so với thế giới, so với bè bạn. Vì còn kém nên muốn vượt lên ngang bằng các nước, chúng ta phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần. Với tâm thế đó, chúng ta không chỉ là tư duy vượt qua khó khăn mà quan trọng hơn cả là tư duy vượt lên chính mình. Phải vượt lên khỏi cái gọi là cảm tính, định tính, không có số liệu, không có bằng chứng trong việc ra quyết định, trong đánh giá; phải vượt lên được cái nếp “rộ lên một lúc rồi lại chìm đi”. Nghĩa là, chúng ta phải sẵn sàng thay đổi những thói quen, những nếp nghĩ mà từ trước đến nay vẫn ấn định nó, thậm chí là “văn hóa”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải tập trung xây dựng môi trường pháp lý để doanh nghiệp có được sự hỗ trợ của Nhà nước và có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Cùng với đó, phải có chính sách về thuế, cơ chế phân bổ tài nguyên để không chỉ DN công nghệ thông tin mà ngay cả các DN ứng dụng công nghệ mới cũng được hưởng những lợi ích thiết thực.

Tú Anh