Nâng cao hiệu quả xuất khẩu theo xu hướng kinh tế số

07:00 | 21/01/2020

370 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Năm 2019, với kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 500 tỉ USD, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, gia nhập nhóm 30 nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới, đặc biệt cán cân thương mại thặng dư cao khi xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Phóng viên Báo Năng lượng Mới ghi lại một số ý kiến của các chuyên gia về những vấn đề xung quanh hoạt động xuất khẩu tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập và xu hướng kinh tế số” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP HCM (ITPC) tổ chức mới đây.  
nang cao hieu qua xuat khau theo xu huong kinh te so

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel: 3 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Doanh nghiệp cần nhìn rõ 3 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA); thương mại điện tử.

Sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á do bị đánh thuế cao mang lại tiềm năng lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp cần nhiều nỗ lực hơn để tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA giữa Việt Nam với các nước. Người tiêu dùng kết nối nhiều hơn, đặc biệt thông qua thiết bị di động giúp việc mua sắm xuyên quốc gia trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Châu Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Châu Á chiếm 60% dân số thế giới, là thị trường tiềm năng. 5 xu hướng tiêu dùng chính ở châu Á là: An toàn và tốt cho sức khỏe; sự vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; sự tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận; kỹ thuật số và thương mại điện tử; mua sắm đa kênh.

nang cao hieu qua xuat khau theo xu huong kinh te so
Doanh nghiệp cần nhìn rõ 3 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA); thương mại điện tử.

Với cuộc sống bận rộn hơn, người tiêu dùng châu Á coi trọng sự tiện lợi. Đây là cơ hội cho các sản phẩm, dịch vụ giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn như dịch vụ vệ sinh nhà cửa, sản phẩm đa chức năng, sản phẩm có hiệu quả nhanh, bữa ăn nhanh tại nhà, sản phẩm tích hợp... Các kênh mua sắm tiện lợi dễ tiếp cận thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở châu Á.

Châu Á là khu vực có lượng người dùng tương tác cao với điện thoại di động hơn các khu vực khác. Do vậy, thương mại điện tử châu Á sẽ tiếp tục tăng tốc. Với xu hướng mua sắm đa kênh, doanh nghiệp cần nghiên cứu, tăng cường phối hợp giữa các mô hình truyền thống và trực tuyến, các mô hình bán lẻ mới.

Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn người tiêu dùng rơi vào nhóm lớn tuổi, họ có thói quen và hành vi khác với nhóm người trẻ ở châu Á. 5 xu hướng tiêu dùng chính ở Mỹ và châu Âu là: An toàn và tốt cho sức khỏe; sự phân cực về hàng hóa (hàng nhãn riêng và giá rẻ với sản phẩm cao cấp); tiện lợi hơn nữa; nâng cao trải nghiệm mua sắm; bền vững xã hội.

Với lượng người tiêu dùng có ý thức cao về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng ít đường và nhiều đạm, Mỹ và châu Âu là những thị trường lớn cho sản phẩm hữu cơ (organic).

Người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu có khuynh hướng chọn các sản phẩm giá thấp, tuy nhiên họ cũng sẵn sàng chi cho các mặt hàng cao cấp nếu giá trị mang lại tương xứng. Họ cũng đề cao sự tiện lợi trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tích hợp online và offline để nâng cao trải nghiệm khách hàng là cần thiết. Thế nhưng, trải nghiện trực tuyến sẽ không thay thế hoàn toàn cho những trải nghiệm thực bởi vì người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu vẫn muốn cảm nhận trực tiếp, thực tế hơn. Do đó, các doanh nghiệp “thông minh” đang quay trở lại những điều cốt lõi, tập trung vào trải nghiệm thực tế và tận dụng kỹ thuật số để mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm liền mạch hơn, tuyệt vời hơn. Các sản phẩm tích hợp giọng nói đã khuyến khích người mua từ bỏ các sản phẩm không có nhiều trải nghiệm, thay vào đó là tự động hóa.

Người tiêu dùng ngày nay phản ứng nhiều hơn trước những vấn đề xã hội như rác thải, trái đất nóng lên, ô nhiễm môi trường, nên ở Mỹ và châu Âu cũng gia tăng làn sóng dịch chuyển về phía các thương hiệu quan tâm đến sự bền vững của xã hội.

nang cao hieu qua xuat khau theo xu huong kinh te so

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC: Giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến xuất khẩu

Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh vào hai thị trường là đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ; cũng như thị trường các nước thuộc các FTA đa phương mà Việt Nam đã ký kết như CPTPP, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu; FTA Việt Nam - EU; các thị trường Việt Nam ký kết các FTA song phương như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile. Bên cạnh đó, cần xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam đang đàm phán FTA như: FTA giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand.

Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 96% tổng số doanh nghiệp tại TP HCM, là các doanh nghiệp có nguồn vốn và công nghệ hạn chế, do đó, việc hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này là rất cần thiết, đặc biệt là hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.

Các doanh nghiệp lưu ý 5 vấn đề quan trọng cần nắm vững trong các FTA để nắm lấy cơ hội và phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu: Lộ trình cắt giảm thuế; các rào cản phi thuế quan; quy tắc xuất xứ; sở hữu trí tuệ; mua sắm công.

5 xu hướng tiêu dùng chính ở châu Á là: An toàn và tốt cho sức khỏe; sự vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc; sự tiện lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận; kỹ thuật số và thương mại điện tử; mua sắm đa kênh.

5 xu hướng tiêu dùng chính ở Mỹ và châu Âu là: An toàn và tốt cho sức khỏe; sự phân cực về hàng hóa (hàng nhãn riêng và giá rẻ với sản phẩm cao cấp); tiện lợi hơn nữa; nâng cao trải nghiệm mua sắm; bền vững xã hội.

TP HCM sẽ tăng cường những giải pháp nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp như: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng và phát triển thương hiệu; cung cấp thông tin thị trường, ngành hàng xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình khảo sát thị trường; tổ chức các khóa huấn luyện và đào tạo kiến thức xuất nhập khẩu, nghiên cứu thị trường; tập huấn cho doanh nghiệp về HALAL (quy chuẩn tôn giáo mang tính phù hợp về chuẩn mực và giá trị của đạo Hồi) để xuất khẩu sang các thị trường đạo Hồi.

Bên cạnh đó là những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các cơ quan đại diện, các tổ chức xúc tiến nước ngoài tại TP HCM; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; kết nối xuất khẩu thông qua các chuỗi siêu thị nước ngoài và kênh thương mại điện tử; kết nối thông qua các chương trình hội chợ - triển lãm ở nước ngoài; xúc tiến thương mại gắn với hoạt động ngoại giao của lãnh đạo thành phố ở nước ngoài; kết nối doanh nhân Việt kiều tại các nước; kết nối vùng nguyên liệu, liên kết với các tỉnh, thành phố tạo chuỗi giá trị nguyên liệu phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

TP HCM còn thực hiện những giải pháp hỗ trợ xuất khẩu khác, bao gồm: Tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua hệ thống đối thoại doanh nghiệp - chính quyền thành phố để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu; kiến nghị các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện và đơn giản hóa thủ tục liên quan xuất nhập khẩu; nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như thủ tục hải quan, thuế, logistics...

nang cao hieu qua xuat khau theo xu huong kinh te so

Ông Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC): Thận trọng với rủi ro trong giao dịch có yếu tố “số hóa”

Chuyển hướng của hình thức giao dịch trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hình thành các nền tảng công nghệ; việc trao đổi giấy tờ được chuyển từ bàn giấy sang email; thanh toán thông qua công cụ điện tử; giao dịch từ xa thông qua hợp đồng điện tử...

Xét về quy mô doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có tỷ lệ trên 50% lao động sử dụng email, cao hơn nhóm doanh nghiệp lớn. Mục đích chính sử dụng email trong doanh nghiệp vẫn là để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp (74%).

Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang sử dụng Internet rất nhiều để giao kết hợp đồng điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), năm 2018 đã có 28% số doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử.

nang cao hieu qua xuat khau theo xu huong kinh te so
Việt Nam vào top 30 nước xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới

Giải quyết tranh chấp thương mại cũng có sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế số với các phương thức trực tuyến. “Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế” được hiểu là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án gồm 4 phương thức: Thương lượng trực tuyến (online negotiation); hòa giải trực tuyến (online mediation); trọng tài trực tuyến (online arbitration); các phương thức hỗn hợp khác.

Giải quyết tranh chấp thương mại cũng có sự thay đổi trong bối cảnh kinh tế số với các phương thức trực tuyến, giải quyết tranh chấp ngoài tòa án gồm 4 phương thức: Thương lượng trực tuyến (online negotiation); hòa giải trực tuyến (online mediation); trọng tài trực tuyến (online arbitration); các phương thức hỗn hợp khác.

Chứng cứ điện tử hầu như được chấp nhận tại tòa án và trọng tài. VIAC trong 26 năm hoạt động cũng đi theo tiến trình công nghệ số: Giải quyết các tranh chấp của các vụ việc có hệ quả phát sinh từ yếu tố điện tử như chứng từ, giao dịch email...; xây dựng tiến trình quản lý giải quyết tranh chấp bằng công cụ điện tử; áp dụng việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức online.

Giao dịch truyền thống minh bạch giấy tờ, “giấy trắng mực đen” rõ ràng; tuân thủ theo yêu cầu của pháp luật về hình thức giao dịch giữa các bên, nhưng vấn đề thu thập chứng cứ chứng minh và việc mất giấy tờ dễ dẫn đến không thể chứng minh để đòi quyền lợi, chưa kể tác động của các yếu tố môi trường đến giấy tờ. Còn giao dịch thông qua công cụ điện tử, các thông tin được lưu trữ tự động, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển chứng từ, văn bản giữa các bên; tuy nhiên, bất lợi là không kiểm soát được tính chính xác của các công cụ trao đổi: email, fax..., không kiểm soát được về thẩm quyền của người làm việc qua các công cụ trao đổi.

Giá trị pháp lý của hợp đồng, chứng từ điện tử không bị phủ nhận ở hầu hết quy định của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Thế nhưng, doanh nghiệp cần lưu ý là khi thực hiện giao dịch có yếu tố “số hóa” phải áp dụng công cụ số an toàn trong quá trình thực hiện hợp đồng, những giao dịch bắt buộc phải thực hiện thông qua văn bản nhằm bảo đảm yêu cầu về chứng cứ chứng minh. Mặc dù sự phát triển theo xu hướng kinh tế số là cần thiết, nhưng yếu tố về chứng cứ bằng văn bản cần được chú trọng nhằm hạn chế những rủi ro khi phát sinh tranh chấp.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt kéo dài. Giá trị nhập siêu lên đến hàng tỉ USD và đỉnh điểm lên tới 18,02 tỉ USD trong năm 2008.

Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đã đổi chiều, xuất siêu liên tục (trừ năm 2015 nhập siêu 3,55 tỉ USD). Năm 2018, xuất siêu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 6,83 tỉ USD và 2019 xuất siêu gần 10 tỉ USD.

Với những dấu ấn đáng kể trong hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn vừa qua, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu cho các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỉ USD, đồng thời tiếp tục duy trì năm thứ 5 xuất siêu liên tục.

Thanh Hồ