Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn

20:15 | 02/10/2024

615 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam tại hội thảo “Doanh nghiệp và thế hệ trẻ trước làn sóng AI, bán dẫn - Biến thách thức thành cơ hội” diễn ra chiều 1/10.
Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo.

Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện cho ngành bán dẫn và AI

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cụ thể hóa các mục tiêu phát triển thịnh vượng, Việt Nam cần phải có tốc độ tăng trưởng cao và liên tục. Dù đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi phải biết chắt chiu cơ hội nhỏ nhất, phải dựa vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo cũng như các ngành công nghiệp công nghệ cao gồm bán dẫn, AI…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã và đang hội tụ đủ điều kiện cho phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI, do có chính trị ổn định, quyết tâm chính trị cao trong phát triển các ngành này. Việt Nam có dân số hơn 100 triệu người, đứng thứ 13 thế giới, đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào, có năng lực tiếp cận khoa học công nghệ, nhất là STEM vốn được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã lựa chọn phát triển hai ngành này, từ năm 2021 đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, đặc biệt là mới đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cùng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Đây là những cơ sở quan trọng để phát triển bán dẫn và AI. Cùng với đó, Việt Nam hiện đã cơ bản hình thành hệ sinh thái ngành bán dẫn, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn của thế giới…Đây là những nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển ngành bán dẫn cũng như AI.

Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo.

Tại hội thảo, ông Trần Anh Minh, Đồng sáng lập quỹ ViSemi (hỗ trợ các tài năng Việt trong ngành bán dẫn) cho rằng, Việt Nam đang có mạng lưới chuyên gia trong ngành trải khắp trên thế giới từ châu Á đến châu Âu và tất cả đều mong muốn góp sức phát triển ngành bán dẫn quốc gia. Cơ hội địa chính trị tạo ra sự dịch chuyển mạnh về công nghệ, nhu cầu về chip đang tăng nhanh và nhiều nhất trong lịch sử loài người, đây là cơ hội vàng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế các nước xung quanh cũng có những lợi thế tương tự Việt Nam, vì vậy nếu muốn đón sóng cơ hội, Việt Nam phải tăng tốc.

Chủ động thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 đã xác định các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, và phát triển nguồn nhân lực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động triển khai rất nhiều các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ; khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao trong lĩnh vực bán dẫn, AI.

Chia sẻ tại hội thảo, Chủ tịch FPT Semiconductor Trần Đăng Hòa cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, dựa vào đổi mới sáng tạo, AI và bán dẫn hiện đang có tốc độ tăng trưởng rất lớn, với mức tăng trưởng khoảng 30%/năm, dự kiến sớm đạt quy mô thị trường 1.000 tỷ USD trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Việt Nam đầu tư nhiều vào STEM, có nguồn nhân lực giỏi về Toán, Vật lý, Hóa học.

Cũng theo ông Trần Đăng Hòa, trong vòng 2 năm qua, rất nhiều chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành được ban hành để hỗ trợ công nghiệp bán dẫn và AI phát triển. Như vậy, Việt Nam đang hội tụ cả về yếu tố thị trường lẫn những hỗ trợ từ phía Chính phủ, cùng lực lượng công nghệ ham học hỏi. Đây là những cơ hội vô cùng to lớn cho sự phát triển bán dẫn và AI.

Mặc dù vậy, Chủ tịch FPT Semiconductor Trần Đăng Hòa cho rằng, Việt Nam cũng đang gặp những thách thức. Đó là số lượng kỹ sư liên quan đến AI, bán dẫn còn ít, trong khi thực tế rất cần kỹ sư chuyên môn. Chương trình đào tạo cũng chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng công nghệ. Hiện, công nghệ thay đổi theo 6 tháng, 12 tháng hay 18 tháng, trong khi chương trình học không theo kịp. Ngoài ra, Việt Nam đang thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tế, hiện mới chỉ tập trung ở lý thuyết. Đây là những thách thức cần lời giải.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với lực lượng dân số vàng hiện nay, vấn đề là phải phát huy, tận dụng được. Điều này đòi hỏi các viện nghiên cứu, trường đại học phải đào tạo. Nếu không tận dụng được nguồn lao động này, sau năm 2030 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số và sẽ rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già”, Bộ trưởng lưu ý.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn được coi là “đột phá của đột phá, then chốt của then chốt”, cần phải làm càng nhanh càng tốt và cần sự chung tay của các viện, trường, doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương để cụ thể hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn. Nếu làm tốt, chúng ta có thể đạt nhiều hơn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.

Ông Alexey Navolokin - Giám đốc Kinh doanh Thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, Tập đoàn AMD cho rằng, thị trường AI hiện rất lớn và tiềm năng, Việt Nam cần phải tận dụng. Thực tế, Chính phủ Việt Nam đang tạo rất nhiều cơ chế khuyến khích cùng các sáng kiến để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thậm chí là kêu gọi đầu tư bằng việc tinh giản quá trình cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, ông lưu ý, cần bảo đảm nguồn năng lượng, bởi thực tế Việt Nam đã từng xảy ra tình trạng thiếu điện.

N.H

Hà Nội kết nối, xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp bán dẫnHà Nội kết nối, xúc tiến đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn
Thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạoThúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Cần cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫnCần cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn