Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế số

11:03 | 05/10/2019

316 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việt Nam và Indonesia được đánh giá là có nền kinh tế số đạt mức tăng trưởng hơn 40% mỗi năm, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.    
viet nam dan dau khu vuc dong nam a ve tang truong kinh te soTừng bước đưa thương hiệu Việt đến gần hơn với thế giới
viet nam dan dau khu vuc dong nam a ve tang truong kinh te soChuyển đổi số - Sự chuyển dịch mang tính lịch sử
viet nam dan dau khu vuc dong nam a ve tang truong kinh te soThương mại điện tử của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với bình quân khu vực

Theo đánh giá của Google trong “Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019”, nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại với những cuộc chiến tranh thương mại và chính trị đang diễn ra phức tạp. Tuy nhiên, đầu tư công nghệ toàn cầu vẫn mang những dấu hiệu lạc quan, đặc biệt là Đông Nam Á.

Như Việt Nam và Indonesia được đánh giá là có nền kinh tế số đạt mức tăng trưởng hơn 40% mỗi năm, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

viet nam dan dau khu vuc dong nam a ve tang truong kinh te so
Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế số

Với nền kinh tế số, Việt Nam tiếp tục “bùng nổ” khi đạt giá trị 12 tỷ USD năm 2019 và có thể lên tới 43 tỷ USD năm 2025. Thương mại điện tử phát triển, niềm tin của các nhà đầu tư gia tăng… là lý do giúp Việt Nam trở thành thị trường kinh tế số tăng trưởng năng động, ngoạn mục trong khu vực. Hiện Việt Nam có khoảng 61 triệu người dùng Internet, tăng 17 triệu người so với năm 2015.

Báo cáo cũng cho thấy, lần đầu tiên nền kinh tế số Đông Nam Á có thể chạm ngưỡng 100 tỷ USD năm 2019 và dự báo đạt 300 tỷ USD năm 2025. Nền kinh tế số của Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan tiếp tục tăng trưởng ở mức từ 20-30%/năm.

Sự phát triển của ngành công nghiệp trực tuyến Đông Nam Á đến từ những thay đổi mang tính nền tảng trong cách thức con người mua sắm, ăn uống và di chuyển. Hàng chục triệu người dân trong khu vực đang sử dụng Internet, điện thoại di động thông minh để mua sắm trực tuyến, gọi đồ ăn, đặt xe công nghệ, chơi game, mua vé máy bay…

Trong vòng 4 năm qua, hơn 37 tỷ USD đã được đầu tư vào các công ty trực tuyến tại Đông Nam Á, đặc biệt là các công ty thương mại điện tử.

Google cũng cho biết, các dòng đầu tư vào khu vực này tiếp tục tăng ở một nhịp độ tốt, từ mức cao kỷ lục năm 2018, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã chứng kiến các công ty thuộc lĩnh vực Internet gọi vốn 7,6 tỷ USD, hơn khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại Việt Nam, Hà Nội và TP HCM đã góp mặt trong số 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Việt Nam cũng trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực, với 600 triệu USD đầu tư từ năm 2018 đến nửa đầu 2019.

“Một số thương vụ đầu tư vào Momo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các đầu tư”, Google nhận định.

Hồi tháng 8/2018, trang thương mại điện tử Sendo.vn công bố nhận được số tiền “khủng” 51 triệu USD đầu tư tập đoàn tài chính Nhật Bản - SBI Holdings và một số công ty khác có trụ sở tại châu Á.

Cuối năm 2018, Topica Edtech Group công bố nhận khoản đầu tư 50 triệu USD từ Northstar trong vòng gọi vốn series D, khoản vốn lớn nhất từ trước đến nay vào đào tạo trực tuyến ở Đông Nam Á.

Cũng trong năm 2018, Công ty Cổ phần Di động trực tuyến M-Service, doanh nghiệp sở hữu ví điện tử Momo, nhận gói đầu tư trị giá 28 triệu USD từ quỹ Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, khu vực Đông Nam Á đang trong quá trình vượt qua những thách thức ban đầu của nền kinh tế Internet, củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào các dịch vụ kỹ thuật số.

Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn nhân lực vẫn còn là một mối lo ngại cấp bách. Các công ty luôn phải đẩy mạnh tìm kiếm những nhân viên có kỹ năng để ứng phó với dòng chảy của nền kinh tế số.

Nguyễn Hưng