Kiểm nghiệm thực phẩm ở thế bị động

19:00 | 14/08/2013

870 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các loại độc chất trong thực phẩm vừa qua được phát hiện rất nhiều. Tuy nhiên, hầu như chúng ta luôn ở thế bị động chạy theo những phát hiện của nước ngoài hoặc chỉ phát hiện một số độc chất được nhắm đến chứ chưa kiểm soát được trọn vẹn chất lượng thực phẩm trước khi đưa ra thị trường.

Hiện nay, dùng hóa chất trong chế biến thực phẩm rất phổ biến, hàng loạt hóa chất bị cấm được phát hiện sử dụng trong thực phẩm. Vừa qua, một số sản phẩm sữa bột của các hãng sữa ngoại như: Abbot, Dumex… bị nhiễm khuẩn phải thu hồi, tiếp tục dấy lên mối lo ngại cho người tiêu dùng về chất lượng thực phẩm cả trong nước lẫn nhập khẩu.

Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm... trước khi nhập khẩu hoặc đưa ra thị trường đều phải được kiểm tra tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng hiện đang gặp khó khăn vì không thể kiểm soát được hết thực phẩm trong nước bởi tính chất kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ. Đối với thực phẩm trong nước cũng như nhập khẩu mặc dù đã qua kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng cũng không thể khẳng định hoàn toàn an toàn vì việc kiểm nghiệm hiện nay hầu như chỉ dừng lại ở một số chỉ tiêu vi sinh thông thường và các hóa chất được nhắm đến chứ không thể kiểm tra để phát hiện tất cả các độc chất có thể có trong thực phẩm.

Nhiều mẫu vịt quay bị phát hiện chứa phẩm màu độc hại

GS. Chu Phạm Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội Hóa học TP HCM cho rằng: Mỗi loại thực phẩm bên cạnh chứa một loại phụ gia đặc trưng thì đều có thể chứa nhiều loại phụ khác mà người tiêu dùng và các cơ quan chức năng khó phát hiện. Do đó, chưa thể kiểm soát chất lượng thực phẩm một cách trọn vẹn.

Bên cạnh việc quản lý còn lúng túng, chồng chéo, thiếu chặt chẽ thì hệ thống kiểm nghiệm cũng đang bất cập bởi luôn trong tình thế bị động, chỉ mới kiểm soát được các đối tượng nhắm đến, chứ chưa cho phép nhận diện thêm các chất lạ khác. Ví dụ: trước đây, khi kiểm tra chất lượng bún người ta chỉ chú ý kiểm tra hàn the, phooc môn. Nếu không chứa hai chất này thì coi như an toàn. Không ai ngờ gần đây lại phát hiện người sản xuất sử dụng hóa chất công nghiệp Tinopal trong sản xuất bún. Do đó, trước đây trong kiểm tra không nhắm đến Tinopal nên không phát hiện ra là điều dễ hiểu.  

Hầu hết các trung tâm kiểm định thuộc sự quản lý của Nhà nước hiện nay đều tập trung làm dịch vụ nên việc lấy mẫu, kiểm tra ATVSTP ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, lò giết mổ, bếp ăn tập thể… không được thường xuyên, kém hiệu quả.

Để hạn chế tình trạng mất an toàn vệ sinh trong sản xuất và chế biến thực phẩm, GS. Chu Phạm Ngọc Sơn cho rằng: Trước mắt nên cắt giảm việc sử dụng hóa chất, phụ gia dùng trong thực phẩm; tập hợp các phòng kiểm nghiệm lại rồi phân công nhiệm vụ cho từng phòng quản lý những mặt hàng cụ thể, để công tác kiểm tra được thường xuyên và chặt chẽ hơn.

Mặt khác, về lâu dài chúng ta nên đầu tư xây dựng hẳn một trung tâm kiểm nghiệm chuẩn độc lập, không làm dịch vụ kiểm nghiệm, chỉ thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao. Trung tâm kiểm nghiệm này phải hướng đến khả năng phát hiện các chất lạ để có thể kiểm tra tất cả các độc chất có thể có trong thực phẩm một cách trọn vẹn.

Trong tình hình sản xuất lộn xộn như hiện nay, việc tăng cường đội ngũ kiểm nghiệm và thường xuyên huấn luyện đội ngũ này để có thể ứng phó với những tình huống khó khăn cũng là một việc làm cấp bách.

Đồng thời, để tránh nhập khẩu hàng hóa bị nhiễm những chất bị cấm ở nước ngoài vào nước ta, Tổng cục Đo lường chất lượng nên thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn quốc gia. Nếu không các thành phố lớn của nước ta dễ dàng trở thành nơi nhận hàng bị cấm ở nước ngoài mà bên xuất không vi phạm pháp luật vì vẫn phù hợp với các tiêu chuẩn Việt Nam.

Kết quả kiểm nghiệm ngẫu nhiên trên thị trường của Công ty CP Dịch vụ Khoa học Công nghệ Sắc ký Hải Đăng công bố vào đầu tháng 8 cho thấy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn còn rất lớn: Nhiều mẫu nước mắm, mắm nêm bị phát hiện chứa các chất gây hại như (phenethylamine, Tryptamine, histamine…); 11/101 mẫu xá xíu, thịt quay chứa phẩm màu độc hại orange II; 19/101 mẫu gà, vịt có bột màu độc hại diaminoazobenzene; nhiều cuộn nhựa bọc thực phẩm để đưa vào lò nướng hay lò vi sóng thực chất là nhựa PVC với chất dẻo DEHP dễ dàng thôi vào thực phẩm ở nhiệt độ cao…

Mai Phương

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

Hầm chôn chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới

(PetroTimes) - Nằm sâu 450m dưới lòng đất đảo Olkiluoto (Phần Lan), Onkalo - hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải hạt nhân đầu tiên trên thế giới sắp hoàn thành...