Khuyến cáo doanh nghiệp cảnh giác với “cò” dịch vụ hải quan
Ngày 21/8, tại cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp kiều bào với Cục Thuế và Cục Hải quan TP HCM, một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu máy móc thiết bị thắc mắc: Tại sao hiện nay đã thực hiện hải quan điện tử, có máy soi kiểm tra hàng hoá trước và sau thông quan mà các lô hàng máy móc thiết bị đều phải thực hiện khâu kiểm tra thực tế hàng hoá mới được cho thông quan. Trong khi đó, doanh nghiệp rất ngại khâu này, bởi phải tháo dỡ, ảnh hưởng đến chất lượng máy móc, chưa kể thời gian lưu hàng ngoài cảng.
Để hàng tránh được khâu trên thì các “cò” làm dịch vụ thông quan ra giá “chung chi” một container là 200 – 300 USD. Và doanh nghiệp thường chấp nhận mất chi phí này vì nếu không doanh nghiệp cũng phải mất chi phí tương đương cho việc kiểm tra đồng thời mất thêm thời gian chờ đợi kết quả. Vừa qua, doanh nghiệp nhập một lô hàng 11 container thì chi phí “bôi trơn” hơn 90 triệu đồng, khiến doanh nghiệp rất bức xúc.
|
Đối thoại giữa doanh nghiệp kiều bào với Cục Thuế và Cục Hải quan TP HCM |
Về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM khuyến cáo doanh nghiệp nên cảnh giác khi làm thủ tục thông quan qua “cò”. Vì có thể thủ tục đó cơ quan hải quan không yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nhưng các “cò” dịch vụ vẫn vẽ ra để moi tiền doanh nghiệp. Hiện nay, cơ quan hải quan kiểm tra theo dạng quản lý rủi ro, không phải tất cả các lô hàng đều phải kiểm tra.
Tại cuộc đối thoại, đa số các thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, vấn đề xuất nhập khẩu hàng hoá… đã được cơ quan hải quan và cơ quan thuế thành phố giải đáp thoả đáng. Tuy nhiên, kiểm tra chuyên ngành tiếp tục là vấn đề “nóng” mà các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào phản ánh tới cơ quan hải quan nhưng chưa thật sự có được giải pháp tháo gỡ.
Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao bày tỏ lo ngại khi muốn nhập khẩu một số lượng cá giống về Việt Nam. Bởi ngoài phải xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì đến khi hàng về tới cửa khẩu lại phải qua khâu kiểm dịch ngoài cửa khẩu. Nhưng doanh nghiệp được biết, thủ tục kiểm dịch thường mất tới vài ngày, nếu thời gian kéo dài như vậy thì cá nhập về sẽ chết hết nên chưa dám nhập.
Trong khi đó, doanh nghiệp này chia sẻ, ở nước ngoài thì việc nhập khẩu các giống cây trồng, vật nuôi sẽ đơn giản hơn, chỉ cần nhập đúng danh mục hàng hoá theo giấy phép nhập khẩu đã được cấp trước đó thì hàng hoá sẽ được cho thông quan. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan ban ngành có biện pháp để nâng cao năng lực kiểm tra chuyên ngành, rút ngắn thời gian. Có như vậy thì doanh nghiệp mới dám nghĩ đến chuyện nhập giống mới về Việt Nam để phát triển nông nghiệp.
Cũng về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may phản ánh, họ thường xuyên nhập mẫu vải và bị ách tắc khi thông quan bởi kiểm tra chuyên ngành, vì với khoảng 50 mẫu vải khác màu, thuộc 10 loại vải thì cơ quan kiểm tra chuyên ngành yêu cầu kiểm tra hết cả 50 mẫu vải, doanh nghiệp cho rằng đây là điều rất bất hợp lý, gây phát sinh chi phí lớn cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM cho biết: Hiện nay, hải quan thành phố đang phối hợp với 16 đơn vị kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn trong thực hiện thủ tục hải quan. Hải quan cũng thường xuyên nhận bức xúc của doanh nghiệp về vấn đề này và đã nhiều lần họp với cơ quan kiểm tra chuyên ngành để kiến nghị các cơ quan này có giải pháp giảm số lượng hàng phải kiểm tra, đẩy nhanh thời gian kiểm nghiệm, tạo sự thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Mai Phương
Năng lượng Mới
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng