Khoảng 1.059 xã đang trong tình trạng thiếu nước sinh họat
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), trên cả nước hiện có 4.416 công trình cấp nước sinh hoạt (1.390 công trình cấp nước mặt; và 2.967 công trình cấp nước ngầm). Tổng lưu lượng khai thác theo thiết kế khoảng 10,9 triệu m3/ngày. Tổng lưu lượng khai thác thực tế đạt 8,3 triệu m3/ngày (đạt 76%). Trong đó, nguồn nước mặt chiếm 87% tổng lượng nước khai thác (ứng với 7,4 triệu m3/ngày).
Về tình hình thiếu nước hoặc nguy cơ thiếu nước cấp cho sinh hoạt, hiện có 44/55 tỉnh có xã thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt; 11/55 tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, trong đó có khoảng 1.059 xã đang trong tình trạng thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới (chiếm 10% tổng số xã trên cả nước).
Nguyên nhân chủ yếu là không có công trình lấy nước tập trung (các xã ở vùng núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên); nguồn nước bị nhiễm mặn tại các tỉnh ven biển và tình hình xâm nhập mặn trên diện rộng tại Đồng bằng sông Cửu Long.
![]() |
Nhiều chung cư tại Hà Nội từng ở trong tình trạng thiếu nước. |
Tuy nhiên, các nhà máy nước lớn, quan trọng trên phạm vi cả nước vẫn khai thác, sử dụng nước bình thường để cấp cho các mục đích, trong đó có mục đích sinh hoạt, kể cả các nhà máy nước ở khu vực đang bị nhiễm mặn như Tiền Giang (Nhà máy nước Đồng Tâm) vẫn khai thác bình thường; nhiều nhà máy vẫn chưa khai thác hết công suất thiết kế. Tuy nhiên, còn có một số nhà máy nước lớn trong thời gian qua gặp khó khăn trong việc khai thác nước như: Nhà máy nước Sông Đà, Nhà máy nước Cầu Đỏ, Nhà máy nước mặt Võ Cạnh (Khánh Hòa)...
Để đảm bảo nguồn cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đề xuất trong ngắn hạn cần khẩn trương phối hợp triển khai xây dựng, bàn giao các hệ thống khai dẫn để cung cấp nguồn nước phục vụ dân sinh ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên cơ sở kết quả điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất đã thực hiện thuộc Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
Triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ các nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm trên cơ sở kết quả thực hiện Giai đoạn I của Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”; xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án nhằm đối phó với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu một số giải pháp điều tiết, tích trữ nguồn nước vào mùa khô ở các khu vực thường xuyên hạn hán, thiếu nước; xây dựng đề án điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên nước các lưu vực sông chính trên toàn quốc.
Trong dài hạn, cần nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài nguyên nước, chia sẻ nguồn nước; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo; tăng cường quản lý toàn diện về tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hóa và kinh tế hóa ngành tài nguyên nước; thực hiện định kỳ việc kiểm kê tài nguyên nước, kiểm kê hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước.
Xuân Hinh
-
Mỹ áp thuế đối ứng sẽ mang đến nhiều khó khăn trong ngắn hạn cho ngành năng lượng Việt Nam
-
Cháy rừng tại Kim Bảng (Hà Nam) không ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện quốc gia
-
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước để phát điện
-
Giá phát điện tối đa cho nhiệt điện than năm 2025
-
Khung giá điện nhập khẩu từ Lào về Việt Nam giai đoạn 2025-2030