Khó giải quyết triệt để việc thu thuế hoạt động kinh doanh qua mạng
Kinh doanh online đặc biệt là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo… đang phát triển rầm rộ ở Việt Nam. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm nhiều loại hình kinh doanh điêu đứng nhưng đối với kinh doanh online lại có cơ hội phát triển mạnh hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn thu thuế của Nhà nước đang thất thu một khoản không hề nhỏ từ hình thức kinh doanh này và cần có chế tài để đảm bảo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh với nhau trong việc thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước.
![]() |
Khó giải quyết triệt để việc thu thuế hoạt động kinh doanh qua mạng |
Vụ việc bán hàng bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên Facebook của một kho hàng rộng hơn 10.000m2 ở Lào Cai vừa được lực lượng chức năng phát hiện tháng 7/2020 vừa qua là một điển hình.
Được biết, toàn bộ hàng hóa tại đây là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ; một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, châu Âu. Mỗi ngày, kho hàng này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu hàng tháng riêng phần bán lẻ là hơn 10 tỷ đồng. Đặc biệt, sao kê do phía ngân hàng cung cấp cho cơ quan an ninh cộng dồn trong vòng chưa đến 2 năm, doanh thu bán hàng của kho hàng này là hơn 649 tỷ đồng nhưng hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Đây là minh chứng cụ thể cho việc thất thoát nguồn thu của ngân sách nhà nước. Và thực tế những vụ việc như thế này hiện nay không phải là ít.
Ông Viên Viết Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, qua rà soát, riêng hoạt động kinh doanh phần mềm, xây dựng cung cấp các trò chơi trên mạng, Cục Thuế Hà Nội xác định có hơn 1.100 cá nhân trên địa bàn tham gia với tổng doanh thu trong 3 năm (2017-2019) lên tới 4.800 tỷ đồng, trong đó, riêng một người có thu nhập lên tới 140 tỷ đồng từ các nhà mạng. Trước đó, trong năm 2019, Cục Thuế Hà Nội đã xử lý trên 30 trường hợp không nộp thuế với tổng số tiền truy thu 18 tỷ đồng.
Cũng theo Cục Thuế TP Hà Nội, qua thu thập dữ liệu từ các ngân hàng thương mại, đến cuối tháng 6/2020, Cục Thuế có danh sách, tài khoản của 36.068 shop bán hàng online với số tiền giao dịch là 14.290 tỷ đồng; trong đó, tài khoản của cá nhân là 35.971 tài khoản với số lượng tiền giao dịch 4.851 tỷ đồng; tài khoản doanh nghiệp là 97 tài khoản với số tiền giao dịch 9.438 tỷ đồng.
Trả lời báo chí về thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Anh Phong, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho hay việc quản lý thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng thì thế giới cũng gặp khó, không riêng gì Việt Nam. Hiện nay, ngay cả các nước phát triển cũng đang phải xây dựng lại khung pháp lý, các khái niệm… vì các quy định cũ chưa quy định rõ cơ sở thu thuế (tax-base) đối với hoạt động kinh doanh và đầu tư trên nền tảng công nghệ. Do vậy, việc trước hết, Việt Nam cũng cần hoàn chỉnh, bổ sung các khái niệm, các quy định đối tượng thu thuế từ kinh doanh, đầu tư trên nền tảng công nghệ, nhất là khái niệm về “thường trú” theo khái niệm “không gian” mạng.
Thách thức lớn thứ hai là hạ tầng kỹ thuật công nghệ và con người. Các chủ thể, đối tượng kinh doanh, đầu tư dựa trên nền tảng công nghệ, các nền tảng giao dịch, các App giao dịch, ứng dụng…, về mặt công nghệ chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được, nhưng đòi hỏi cần có hệ thống máy tính tốt, vận hành tốc độ cao.
Cùng với đó, phải có một đội ngũ nguồn nhân lực là nhân viên thuế có kiến thức về quản trị, kinh tế, tài chính và cả kiến thức về công nghệ. Đây là thách thức lớn cho không chỉ riêng ngành thuế vì cần nguồn nhân lực chất lượng cao, am tường trên cả hai khía cạnh là quản lý và công nghệ.
“Nói về giải quyết triệt để tôi e rằng rất khó vì ngay cả các nước có nền kinh tế và công nghệ tiên tiến hơn Việt Nam vẫn không thể giải quyết triệt để mà cũng đang trên lộ trình hoàn chỉnh. Tuy nhiên, về lâu dài chắc chắn thế giới và Việt Nam cũng sẽ thực thi được vấn đề chống thất thu thuế đối với các hoạt động này một khi chúng ta có cơ sở pháp lý vững, máy móc kỹ thuật hiện đại và con người có kiến thức chuyên môn cao về kinh tế và công nghệ. Đồng thời, có sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan thuế của các nước” - TS Nguyễn Anh Phong nêu rõ.
Sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2020 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ rất lớn trong quản lý thuế đối với cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube... góp phần ngăn chặn trốn thuế. Theo quy định trong Luật Quản lý thuế sửa đổi, ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về số tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản tại ngân hàng. Để nhà nước không “hụt” thu một khoản tiền lớn, Việt Nam cần bắt kịp xu hướng này để có thể thiết kế được một cơ chế quản lý thuế hiệu quả, không làm cản trở quyền tự do kinh doanh cũng như sáng tạo.
Đ.M
![]() |
![]() |
![]() |
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4