Khi nhà có ông "thợ điện"

14:00 | 01/02/2019

579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, điều này cũng đúng cho các ngành nghề có công việc đặc thù, các ngành nghề khác nhau có tính chất công việc khác nhau, chẳng hạn như anh công nhân xây dựng luôn có mặt ngoài công trường, hay như anh công nhân cấp thoát nước dầm mình trong cống nước để xử lý rác thải và anh công nhân ngành Điện cũng gian khổ, khó khăn không kém. Như lời nhận xét của anh bạn làm nghề xây dựng “cứ nghĩ cái nghề của mình nó khổ, tính ra mấy ổng có thua gì”. Các anh công nhân ngành Điện hàng ngày đi làm việc bình thường như bao người, nhưng ngoài khó khăn, cực nhọc thì sự nguy hiểm của công việc đặc thù ngành điện luôn là mối quan tâm, lo lắng. 
Khi nhà có ông

Công nhân Điện lực Quy Nhơn xử lý sự cố lúc nửa đêm

Mùa hè với cái nóng oi bức, mùa đông với cái lạnh tê tái, nước lũ bao vây khắp nơi nhưng các anh công nhân áo cam vẫn phải treo mình trên cột điện để thực hiện công việc hằng ngày, mong muốn hoàn thành sớm công việc để cấp điện trở lại cho khách hàng. Ngoài ra, để không ảnh hưởng đến việc cung cấp điện, các anh còn phải thực hiện công tác từ lúc 4h sáng, đây là thời điểm mọi người đang ngủ say thì các anh lại lặng lẽ làm nhiệm vụ, để đóng điện theo kế hoạch vào đầu giờ buổi sáng nhằm phục vụ cho khách hàng sản xuất, kinh doanh – dịch vụ và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Và đặc biệt, khi trong nhà có anh chồng làm “thợ điện” thì lại càng thấu hiểu hơn nỗi vất vả, áp lực mà cái ngành được coi như “độc quyền” phải đối mặt. Lúc đầu thương Anh mới đồng ý yêu và cưới anh, vì tính năng nổ, cương trực và quyết đoán trong công việc. Ban đầu khi vẫn “còn son” thì chuyện anh hay đi sớm về muộn cũng không có gì lăn tăn, nhưng 2 năm sau Anh được điều về làm tại Điện lực, hằng ngày trực tiếp làm công việc sản xuất thì việc đi làm về đúng giờ hành chính là bất khả thi. Khi làm việc ở Điện lực mới thấy khối lượng công việc cần xử lý rất nhiều với áp lực không hề nhỏ; Anh và mọi người trong phòng phải thường xuyên phải làm việc ngoài giờ mới xong hết công việc trong ngày, chưa kể là nhiều khi phải đi xử lý sự cố đột xuất. Nhiều đêm khi đang ngủ thì có điện thoại báo sự cố là Anh vùng dậy đi ngay, lại còn nói vui rằng “Anh đi đứng đường đây”, khi xử lý xong công việc cũng tới 2h sáng, mệt mỏi, đói bụng anh lót dạ vội gói mì rồi ngủ tiếp để còn tiếp tục công việc ngày mai. Nhiều khi đêm giật mình dậy quay qua thấy anh vẫn còn say mê với các phương án, báo cáo… lắm lúc đang ngủ mà nghe anh nói dây, cột, xà, sứ… công việc theo anh vào cả trong giấc ngủ.

Nhưng khó khăn và lo lắng cho Anh nhất là vào mùa mưa bão, Anh cùng các anh em áo cam như người “chiến sỹ” luôn ứng trực sẵn sàng “ra quân” ứng phó với bão lũ. Khi bão vừa đi qua trời đang vẫn còn mưa gió, cây cối ngã đổ hàng loạt trên đường, Anh đã cùng anh em chia nhau xử lý các điểm bị sự cố. Mì gói, bánh mì lót bụng các anh làm từ sáng đến mịt tối mới về đến nhà, ngủ vội một giấc rồi sáng mai lại tiếp tục công việc đến khi tất cả lưới điện được khắc phục hoàn toàn. Nhiều khi gọi điện nói Anh tranh thủ về nhà ăn tý cơm, nhưng Anh bảo: “Các anh em còn đang làm việc ngoài kia, có bánh mỳ, cơm hộp sẵn sàng rồi, để anh ăn cùng anh em luôn”. Nhiều khi nói vui với anh rằng có bão “ngầm” ở nhà mà không lo chống, toàn đi chống bão ngoài đường thôi, Anh chỉ phì cười rồi lại phải đi tiếp.

Với Anh công việc gần như không có ngày lễ hay chủ nhật, nhiều khi vào những dịp lễ, cuối tuần chỉ mong cùng anh đưa con đi chơi hay cà phê với bạn bè, nhưng cũng rất hồi hộp vì khi có lưới điện bị sự cố là Anh lại đi "đứng đường" hoặc đi "canh trạm biến áp" ngay.

Với người phụ nữ là vợ của những người thợ điện cho dù họ là những người vợ trong hay ngoài ngành, thì họ luôn được xem là những người phụ nữ thiệt thòi hơn cả trong công việc nhà, bởi những ông chồng thường xuyên vắng nhà và thời gian không ổn định do đặc thù công việc. Ngày nối tiếp ngày, đôi lúc cũng không tránh khỏi những phút giây chạnh lòng, hờn dỗi nhưng khi nghe anh tâm sự “em làm trong ngành với anh thì em phải hiểu và thông cảm với công việc của anh, vì so với các anh em công nhân làm việc trên cao, trực tiếp tiếp xúc với nguồn điện càng nguy hiểm và vất vả hơn anh nhiều”. Những lúc như vậy mình đồng cảm với những lo lắng của những người vợ “chiến sỹ áo cam”, mong sao thời tiết thuận lợi để các anh bớt đi phần nào sự cực nhọc.

Điều khiến bản thân ngưỡng mộ ở Anh là tinh thần trách nhiệm trong công việc, cái tâm với nghề và tinh thần phục vụ. Với sự đòi hỏi ngày càng cao của công việc, để đáp ứng yêu cầu của người dân và xã hội, chắc chắn rằng Anh còn nhiều mục tiêu phía trước phải thực hiện. Mong Anh có thật nhiều sức khỏe, an toàn trong công tác và luôn vui tươi để có thể cống hiến nhiều hơn cho công việc, gia đình và xã hội.

Hồng Liên

Chuyện chưa kể về một cán bộ an toàn giỏi
Chuyện về người "anh Cả"
Tự hào những người thợ điện
Gian khó người thợ điện vùng cao