Khí đốt đến EU: Nguồn cung thay đổi, rủi ro giữ nguyên?

08:31 | 29/05/2023

1,099 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nguồn cung khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã có sự thay đổi đáng kể khi nhập khẩu khí đốt từ Na Uy vượt Nga trong năm 2022, tiến sĩ Moniek de Jong nói trên tạp chí Encompass.
Hàng triệu tấn LNG lênh đênh ngoài biển khi nhu cầu giảm tại châu ÂuHàng triệu tấn LNG lênh đênh ngoài biển khi nhu cầu giảm tại châu Âu
Iran chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm cầu nối đưa khí đốt đến Châu ÂuIran chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm cầu nối đưa khí đốt đến Châu Âu
Khí đốt đến EU: Nguồn cung thay đổi, rủi ro giữ nguyên?
Ảnh minh họa

Lượng khí đốt của Nga đến EU đã giảm do việc giao hàng qua đường ống Nord Stream ban đầu bị ảnh hưởng bởi các vấn đề "kỹ thuật" có chủ đích và sau đó đã ngừng hoàn toàn. Ngoài ra, đường ống Yamal đã đóng van cấp khí đốt sau khi các nước tiếp nhận từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo yêu cầu của Nga.

Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu khí đốt tiềm ẩn. May mắn thay, những điều này đã được ngăn chặn bởi một mùa đông ôn hòa bất thường, một phần là do biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, tiêu thụ khí đốt giảm do giá tăng cao và dòng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), nguồn khí đốt chảy qua các đường ống khác giúp châu lục này vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, người ta ít chú ý đến các nhà cung cấp khí đốt còn lại ngoài Nga và những rủi ro địa chính trị của họ.

Rủi ro vẫn còn đó

Nguồn cung khí đốt của EU đã có sự thay đổi đáng kể khi nhập khẩu khí đốt từ Na Uy vượt Nga trong năm 2022. Tuy nhiên, khí đốt của Nga vẫn giữ vị trí số hai do EU tiếp tục nhập khẩu khí đốt của quốc gia này thông qua LNG và các đường ống (Brotherhood và TurkStream).

Có nhiều lý do cho hành động này. Với hệ thống khí đốt của một số quốc gia, họ sẽ phải chi nhiều tiền và tốn nhiều thời gian để có thể nhập khẩu khí đốt từ các nước khác ngoài Nga. Tuy nhiên, việc tiếp tục nhập khẩu từ Nga là một vấn đề với EU, khi việc này đồng nghĩa với việc chuyển hàng tỷ euro cho Kremlin mà họ cho là sẽ được dùng để chi cho cuộc chiến ở Ukraine.

Na Uy nổi lên là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho EU vào năm 2022. Quốc gia Bắc Âu dân chủ và ổn định này đã là một thành viên chủ lực trong danh sách các nhà cung cấp khí đốt của EU trong nhiều thập niên và được kết nối với EU thông qua nhiều đường ống.

Thật không may cho EU, Na Uy là một trong số ít các quốc gia sản xuất khí đốt thân thiện và là quốc gia duy nhất ở gần như vậy. Úc và Mỹ là những ví dụ khác về các quốc gia dân chủ và phát triển đang xuất khẩu khí đốt ở dạng lỏng sang EU. Tuy nhiên, khoảng cách lớn về địa lý dẫn đến phần lớn xuất khẩu khí đốt của Úc được hướng tới thị trường châu Á hơn là châu Âu.

Trong khi Mỹ là một đồng minh, quốc gia này đang xảy ra chia rẽ nội bộ trong những năm gần đây và Đạo luật Giảm phát của Mỹ cũng không được đón nhận ở EU, làm phức tạp hóa quan hệ hai bên.

Bên cạnh khí đốt từ một số quốc gia “an toàn” được chọn lọc, EU còn nhận được một lượng lớn khí đốt từ các nước có bất ổn về chính trị. Peru, một nhà cung cấp LNG cho EU, đã phải hứng chịu tình trạng bất ổn dân sự kể từ cuối năm ngoái, trong khi sự phát triển LNG của Mozambique bị trì hoãn do bất ổn nội bộ.

Nigeria và Algeria không phải là những tấm gương về nhân quyền khi tham nhũng và bất bình đẳng vẫn phổ biến. Trong khi đó, quyền của người lao động ở Qatar đã bị chỉ trích trong thời gian sắp diễn ra FIFA World Cup ở quốc gia Trung Đông. Không những thế, Qatar đã công khai đe dọa cắt nguồn cung LNG cho EU trong cuộc điều tra Qatargate.

Đáng chú ý, các nước xuất khẩu khí đốt vào EU không chỉ bị bủa vây bởi những vấn đề nội tại mà còn phải đối mặt với những xung đột bên ngoài. Azerbaijan và Armenia có tranh chấp lâu dài về vùng đất Nagorno Karabakh và xung đột lại bùng phát trở lại trong những năm gần đây. Sự tham gia của EU, dù là trung lập, cũng không được Azerbaijan đánh giá cao.

Mối quan hệ giữa Maroc và Algeria cũng trở nên xấu đi và dẫn đến việc khí đốt của Algeria không còn đi qua Maroc trên đường đến Tây Ban Nha.

Ngoài những thách thức bên trong và bên ngoài, vẫn có rủi ro trong việc quá cảnh cho khí đốt nhập khẩu qua đường ống và vận chuyển dưới dạng LNG.

Giải pháp

Rõ ràng là nhập khẩu khí đốt vẫn là một hoạt động kinh doanh rủi ro. Mặc dù có sự khác biệt giữa rủi ro và sự gián đoạn thực tế, nhưng EU nên tăng cường các biện pháp để tránh những rủi ro đó.

EU cần hợp tác nhiều hơn khi nhập khẩu khí đốt. Cơ chế mua chung hiện tại, vốn đã được ca ngợi là thành công, cần được mở rộng và đào sâu hơn. Cần ưu tiên cho các nhà cung cấp khí đốt được coi là an toàn hoặc tương đối an toàn hơn và đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của EU vẫn là một khía cạnh quan trọng của giải pháp này.

Quan trọng nhất, EU nên cố gắng giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu khí đốt. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc triển khai nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và điện khí hóa. Phải thừa nhận rằng năng lượng tái tạo đi kèm với những rủi ro riêng, nhưng các tòa nhà cách nhiệt và cắt giảm năng lượng lãng phí là một giải pháp lâu bền và không có rủi ro để thay thế cho khí đốt.

Đỗ Khánh