Khám phá “thế giới ngầm” ở Hà Nội (Kỳ cuối)

12:00 | 01/09/2013

12,519 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không những phải lao động cực nhọc trong môi trường vô cùng độc hại mà với mỗi công nhân thoát nước khi gắn bó với nghề phải chấp nhận gắn với danh phận trước sự ghẻ lạnh của người đời. Nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn thầm lặng cống hiến sức lực và tâm huyết của mình để góp phần làm cho thủ đô ngày một sạch hơn.

>> Khám phá “thế giới ngầm” ở Hà Nội (Kỳ 3)

>> Khám phá “thế giới ngầm” ở Hà Nội (Kỳ 2)

>> Khám phá “thế giới ngầm” ở Hà Nội (Kỳ 1)

Kỳ cuối: Những "đồng nghiệp" của tôi

“Công dân ưu tú của thủ đô”

Nhiều người chắc hẳn chưa quên cảm giác ngỡ ngàng trước một người phụ nữ khi bước lên khán đài, sánh vai cùng nhạc sĩ Hoàng Vân, bác sĩ Nguyễn Tài Thu… trong buổi lễ vinh danh những công dân ưu tú của thủ đô Hà Nội vào năm 2012. Đó là chị Nguyễn Thị Hiền, công nhân Xí nghiệp Thoát nước số 1, Công ty Thoát nước Hà Nội. Gắn bó với nghề suốt 25 năm qua, những khó khăn cũng nếm trải đủ, nhiều lúc cảm thấy mệt, vất vả, nhưng chưa bao giờ chị thấy tủi phận hay có suy nghĩ tìm đến công việc khác.

Nhớ lại lúc đầu mới xin vào làm, chị bảo bạn bè cũng can gián vì công việc vất vả thế nhưng chị chỉ nghĩ đơn giản, xã hội phân công mỗi người một việc, cái gì người ta làm được thì mình cũng làm được, miễn sao có tiền để phụ giúp gia đình và không trái với lương tâm là được. Chị Hiền  sinh ra trong gia đình đông con, vất vả sau những năm chiến tranh. Học xong cấp 3, chị đành gác lại ước mơ làm cô giáo, theo bố làm thợ rèn, mài dao kéo. Sản phẩm khó tiêu thụ, không đủ nuôi sống gia đình, bản thân. Chị cũng đã thử một vài việc và năm 1987 chị xin vào làm ở Xí nghiệp Thoát nước số 1 Hà Nội. Mới đầu cũng nhiều người khuyên can, con gái theo nghề này làm gì cho khổ, tuy nhiên được sự ủng hộ của người cha thế nên chị không phải đắn đo suy nghĩ nhiều.

Vào công tác một thời gian, chị lại càng cảm thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Môi trường làm việc ở đây, anh em công nhân cũng như chị luôn nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo xí nghiệp, công ty. Mức lương tuy chưa phải là cao nhưng ổn định. Bên cạnh việc chăm lo đến sức khỏe công nhân viên, ngoài những kế hoạch hằng tháng thì lãnh đạo còn khai thác các công trình ngõ xóm, quận, huyện, tìm kiếm công trình để anh em công nhân tăng thêm thu nhập.

Dầm mình trong nước cống

Công việc của chị là hằng ngày nạo vét các đoạn kênh mương nhỏ của sông Tô Lịch, giữ cho lòng sông luôn được sạch. Chứng kiến chị và đồng nghiệp lội bì bõm xuống lòng mương tại đường Xuân La, Tây Hồ trong một ngày nắng gắt, người ướt đẫm mồ hôi, múc từng xô bùn chuyền tay nhau chuyển lên xe mới thấy hết cái vất vả của nghề này. Chỉ một quãng sông thôi nhưng từ những ống nước ven bờ chảy ra đủ loại nước thải, rác rưởi.

Khi đã vào việc, hằng ngày phải quăng quật với nắng mưa, bùn nhão, rác rưởi mới thấy hết khổ ải. Mùa mưa, nước tràn ngập sông, cống, công việc càng cấp bách hối hả hơn. Thoát nước cho thành phố luôn là như vậy, dù trời nắng gắt, dù lũ lụt, mưa bão. Nhưng chị Nguyễn Thị Hiền nghĩ, việc gì cũng có cái khó, cái khổ của nó. Điều quan trọng là hằng tháng có tiền nuôi hai con  ăn học. Thu nhập không cao nhưng ổn định. Vậy là mừng. Nhìn thấy hai con biết nghĩ, học hành chăm chỉ là chị quên hết nặng nhọc đời thợ. Duy có một điều khiến chị suy nghĩ, khi đối mặt với những hộ dân lấn chiếm đập kè, quán xá đổ thải vô tội vạ xuống sông, tắc cống, ô nhiễm môi trường. Khi được nhắc nhở, họ coi anh chị em là “đồ” nọ kia. Là con người, nhất là phụ nữ dễ chạnh lòng. Nhiều lúc chị băn khoăn tự hỏi, nếu thành phố này mà không có những người mà họ gọi là “đồ”, liệu sẽ ra sao? Rác rưởi, bùn đất, nước thải chắc chắn sẽ ngập tràn…thế là chị lại vui vẻ làm việc quên đi mặc cảm.

Trong quá trình làm việc, chị luôn tìm cách giảm thiểu sức lực cho con người mà hiệu quả lại cao hơn. Lãnh đạo tiếp nhận những sáng kiến của chị, động viên và kịp thời khen thưởng. Chị bằng lòng với một tập thể gắn bó, sẻ chia, hết lòng đỡ đần nhau trong công việc, những lúc gia đình khó khăn. Ban lãnh đạo tạo thêm nguồn việc để tăng thu nhập cho anh chị em. Chị nghĩ, môi trường làm việc lành mạnh, đầy tình anh em như vậy, còn đòi hỏi gì thêm.  Vậy là chị yên tâm gắn bó với công việc, tìm thấy niềm vui trong lao động thầm lặng của mình.

Trong những vinh quang mà công nhân thoát nước nhắc tới nhiều nhất đó là đợt ứng cứu khẩn cấp trận lụt lịch sử ở Hà Nội vào tháng 10/2008. Đây là một thử thách khốc liệt đối với hệ thống thoát nước thành phố và Công ty Thoát nước Hà Nội, theo thông báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn là từ 550-800mm tùy từng khu vực, diễn ra trong vòng 4-5 ngày. Đây là trận mưa lịch sử khoảng 50 năm mới gặp một lần. Ông Nguyễn Lương Ngọc, nay là Giám đốc Xí nghiệp Khảo sát thiết kế nhớ lại khá rành rọt, hồi đó tôi được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí và các cơ quan ngôn luận phản ánh tình hình mưa lũ và úng ngập trên địa bàn, cho nên phải túc trực tại văn phòng công ty.

Vào một buổi sáng Chủ nhật, đồng chí lãnh đạo công ty nói với tôi sự kiện như thế này cả đời mới có một lần, ông không xuống trạm Yên Sở thì không cảm nhận hết được, uổng phí lắm. Tôi cùng lãnh đạo xuống đây mục sở thị thì mới thấy rõ thực sự tính chất nghiêm trọng của trận mưa này. Lúc đó trời mưa lớn, bao phủ màu trắng xóa, bốn bề ngập nước mênh mông, không còn ranh giới giữa hồ điều hòa, kênh khẩn cấp, kênh thông thường, thậm chí nước tràn ngập sâu trong trạm bơm, duy chỉ có trong nhà trạm bơm và khu vực đặt trạm biến áp do được đắp đê quây và hoành triệt nước không vào được, trạm bơm vẫn đang hoạt động nhưng mực nước trên kênh không hề rút vì lượng nước đổ về quá lớn so với công suất trạm.

Nạo vét mương trên địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ

Lúc đó, kẻ bơm người tát, người chèo thuyền chờ các cấp lãnh đạo đến thị sát và chỉ đạo tại chỗ, tất cả đều hoạt động hối hả với mục tiêu duy nhất: Cứu giữ và vận hành cho được trạm bơm Yên Sở 45m3/s để bơm nước ra sông Hồng, cứu cánh duy nhất cho nội thành Hà Nội thời điểm đó. Nay gặp trận “đại hồng thủy” khiến nhân dân Hà Nội điêu đứng, tôi mới thấm thía hết câu nói “Thủy - Hỏa - Đạo - Tặc” của các cụ ngày xưa đến nhường nào.

Rạng sáng 1/11, tình hình đã vô cùng nguy cấp, lượng nước dâng cao 5m55, chỉ cách rơ le (cầu dao tự ngắt khi có sự cố) khoảng 5cm nữa là buộc hệ thống điều hành phải ngừng hoạt động hoàn toàn để bảo vệ máy móc thiết bị phòng điều hành. Lúc đó chúng tôi nghe tin khẩn qua bộ đàm của ông Bùi Xuân Phúc, Giám đốc Trạm bơm Yên Sở phát đi: “Mực nước dâng cao, hệ thống điều hành của nhà máy có nguy cơ phải ngừng hoạt động. Hà Nội có nguy cơ phó mặc cho thiên nhiên…”. Câu nói đó như xé tâm can của cả đội, tất cả rơi vào trạng thái lo lắng, hốt hoảng không biết phải làm gì để cứu trạm Yên Sở khi toàn bộ hệ thống thoát nước gần như tê liệt.

Bằng quyết tâm bằng mọi giá giữ an toàn trạm bơm cộng với sự chỉ đạo tại chỗ của  các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, sự giúp đỡ của đơn vị bạn và trên hết là sức mạnh nội lực của hơn 1.600 cán bộ, công nhân viên các lực lượng chủ chốt đã vượt qua được thử thách khốc liệt trong gang tấc. Toàn bộ nhân lực và phương tiện của công ty được huy động để chống úng, khơi thông dòng chảy ở các trục thoát nước chính, đắp đê hoành triệt nước chảy ngược từ lưu vực sông Nhuệ vào nội thành, cứu giữ trạm bơm Yên Sở và khắc phục hậu quả trận mưa lũ trên toàn địa bàn thành phố.

Thợ cống mồ côi

Câu chuyện của “đồng nghiệp” Lê Văn Thọ, người công nhân lớn tuổi của Xí nghiệp Thoát nước số 1 đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. 30 năm trong nghề, ông không nhớ hết bao nhiêu lần đã tự tay bốc xác động vật đã phân hủy, kim tiêm và hóa chất độc hại... Rồi những lần ông phải đối mặt với rắn, rết sinh sống dưới cống. Những chuyện người đời ghê sợ thì với ông đã trở nên bình thường. Điều ông sợ lại là được nêu gương trên báo, bởi càng nhiều người biết đến ông, cuộc sống của ông lại càng thêm vất vả.

Những ngày lao động cùng ông, tôi đã được nghe ông tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Ông sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt. Bố mẹ ông sinh được 9 người con. Khi người thứ 9 ra đời thì bố mẹ ông lần lượt bỏ anh em ông mà đi. Ông và các em lầm lũi côi cút trong tuổi thơ khó nhọc. Cũng sau cái đận đau thương đó, anh em ông li tán mỗi người một nơi. Người về nhà cô dì, chú bác sống nhờ, người đi xa kiếm miếng cơm, manh áo thiên hạ. Riêng ông và bà chị liền kề được một bà cô tốt bụng đem về nuôi nấng, coi như con đẻ. Ngặt nỗi, bà cô cũng rất nghèo, từ sáng sớm cho đến đêm khuya oằn lưng với gánh hàng xáo ki cóp từng đồng cũng không đủ nuôi hai cháu. Lớn một chút, khi thấy sức vóc mình có thể tự kiếm sống nuôi thân, đỡ đần chị và bà cô, ông đã xin vào tổ cống ngầm. 

Phóng viên trao đổi với chị Nguyễn Thị Hiền

Vào nghề từ khi 19 tuổi, ông Lê Văn Thọ là người thuộc thế hệ đầu tiên của công nhân cống ngầm ở Hà Nội. Nhớ lại những ngày đầu gian khổ đó, ông Thọ bảo rằng đó là những ngày tháng không thể quên được, mùi hôi thối từ dưới cống xộc lên váng cả óc, cơm canh từ trong dạ dày cứ chực trào ra, mũi không còn cảm giác mùi vị, cứ nghẹt cứng như... cống bị tắc nước. Đã mấy lần ông tính chuyện bỏ cuộc nhưng nghĩ đến cái lưng còng vì gánh hàng xáo của bà cô họ đang nuôi nấng chị em mình, ông lại cố.

Sau những ngày làm quen với “mùi cống”, ông được phân công xuống mò rác ở quanh các hố ga. Cái cảm giác khi bắt đầu xuống hố ga lần đầu tiên thật khó quên, cứ như bị ai ném vào hố phân lợn. Mùi cống đặc quánh xộc vào mũi. Mắt mũi lờ đờ như cá phải thuốc sâu, tay chân lóng nga lóng ngóng. Đứng chưa vững đã phải làm việc. Khi bàn tay sục sâu dưới làn nước cống móc rác, bao nhiêu lần từng mớ rác đưa lên đồng nghĩa với việc bấy nhiêu lần phải hít trọn mùi xú uế. Khi đã bắt đầu quen dần với công việc, ông theo các bậc đàn anh chui sâu vào lòng cống để thông tắc, để vớt bùn. Ông nói mà nét mặt như thể đang đối diện với tất thảy những hãi hùng đó: “Cậu biết lúc đó tôi sợ gì nhất không? Ma! Sợ ma! Đang làm việc mà nghe bì bõm đằng sau thì cống có chật đến mấy cũng phải cố ngoái đầu lại nhìn, cho dù không có một chút ánh sáng nào lọt vào mắt”.

Ông Thọ kể: “có lần vớt được xương, đứng dưới cống lạnh mà toát cả mồ hôi hột, miệng lắp bắp mãi không thành lời. Mình nhảy vọt lên đường, miệng ú ớ: “Các chú ơi! Cháu vớt phải xương người”. Một người lớn tuổi chui xuống cầm khúc xương lên, cả đội không ai nhịn nổi cười: “Như thế này mà xương người thì một năm có mà phải vớt được cả trăm xác chết. Cống ngầm thành nghĩa địa hả chú mày? Đây là xương bò, hiểu chưa?”.

Năm tháng trôi đi, tuổi đời và tuổi nghề đã biến ông từ một người nhút nhát, sợ bẩn trở thành thợ cống ngầm lão luyện. Ông có khả năng bẻ gập thân mình đến dẻo quẹo để luồn lách qua bất cứ nơi đâu dù nhỏ nhất trong “thế giới ngầm”, kể cả những nơi tưởng chừng chỉ là lối đi chuột cống. Hay như, ông có khả năng chịu đựng cái lạnh thấu xương của Hà Nội mùa đông trong điều kiện trần như nhộng v.v... Có người còn quả quyết rằng, không dưới dăm lần ông được Diêm Vương lôi đi nhưng sau đó lại trả về. Đó là vào ngày 18/3/1989, tổ cống ngầm vào Viện 103 để thực hiện nhiệm vụ nạo vét các hố ga. Trong quá trình thu dọn đồ nghề thì cái ống bơm bị rơi xuống hố ga chìm nghỉm, anh em vớt mãi không thấy. Thế là ông Thọ quyết định lặn xuống để lôi nó lên. Dưới hố ga, bùn đặc quánh, khi lặn xuống ông sơ ý nên đã bị sặc bùn ngất lịm. Khi kéo được lên, ông đã ngất đi. Đồng nghiệp phải đưa ông vào viện, bác sĩ nhanh chóng thông đường thở, rửa ruột lấy bùn ra. Một ngày, rồi hai ngày trôi qua nhưng ông vẫn mê man bất tỉnh…

Mọi người đã chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất có thể xảy ra. Đến ngày thứ ba, tưởng chừng vô vọng, gia đình khóc váng lên thì ông từ từ mở mắt.

Nhưng lần đó chưa kinh hoàng bằng vụ xảy ra ở làng Khương Thượng. Hôm ấy trời mưa như trút nước, cống ngầm bị tắc, nước ngập lênh láng. Khi nhận được tin, đội của ông nhanh chóng đến hiện trường. Sau một lúc tìm hiểu, khảo sát tìm ra nguyên nhân dẫn đến cống bị tắc, là do có một thanh gỗ chắn ngang làm rác ứ đọng như một cái van kín, bên kia thì đầy nước mà bên này thì chỉ... róc rách chảy.

Trước tình hình này chỉ còn cách là buộc dây vào thanh gỗ rồi kéo tời cho nó bung ra. Nhưng buộc dây xong, chưa kịp chui ra thì thanh gỗ không chịu được áp lực của dòng nước đang đổ dồn về, bung ra một cách bất ngờ. Hàng trăm khối nước bẩn với đủ thứ xú uế đổ dồn đến, cuốn phăng ông vào trong lòng cống xa mấy chục mét... Khi áp lực dòng nước giảm, ông cố bơi theo dòng nước ra ngoài và thoát chết trong gang tấc. “Lần đó cầm chắc cái chết trong tay, nhưng số phận run rủi làm sao vẫn cho mình được sống. Bây giờ mỗi lúc nhớ lại vẫn nổi da gà!”, ông Thọ tâm sự. Đó chỉ là con số ít ỏi trong số hàng chục vụ đụng chạm “thần chết” kinh hồn mà ông đã gặp phải.

Lầm lũi, lặn lội một đời nhưng ông vẫn chưa đủ tiền để mua được căn nhà rộng hơn. Hiện gia đình ông đang phải ở trong căn nhà chưa đầy hai chục mét vuông, vừa ẩm thấp vừa chật chội. Ông nói đùa: “Căn nhà này cũng chẳng khác lòng cống là mấy, chỉ có điều nó không có nước thải, không có mùi hôi thối thôi, còn chật chội lắm”.

***

Những ngày trải nghiệm nghề công nhân cống ngầm, tôi đã nếm đủ những vất vả hiểm nguy và cả những hỉ - nộ - ái - ố của cái nghề này. Tôi đã thử để rồi nhận ra mình không thể làm được… Và tôi thầm cảm phục những “đồng nghiệp” của mình - họ đã làm được những điều không phải ai cũng có thể làm được. Xin được trích lời anh Tú đã khuyên tôi thay cho đoạn kết của loạt phóng sự này: “Nếu xác định theo nghề thì cố mà chịu đựng thôi em à. Làm người ai chả muốn được làm những việc nhàn hạ, sạch sẽ, nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai?” .

Phóng sự của Văn Dũng - Mạnh Kiên