Khám phá “thế giới ngầm” ở Hà Nội (Kỳ 2)

10:04 | 23/08/2013

3,409 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở đâu có đường phố, ở đó có cống ngầm. Hệ thống cống ngầm dưới lòng Hà Nội như “thế giới ngầm” phản chiếu chân thực sự chằng chịt, ngóc ngách của những loại cống ngầm với chiều dài lên đến hàng nghìn km. Độc đáo hơn “thế gới ngầm” này còn phảm chiếu cả tư duy và tầm nhìn của ngưới sinh ra nó với sự khác nhau giữa hệ thống cống ngầm thời Pháp và cống ngầm thời nay.

>> Khám phá “thế giới ngầm” ở Hà Nội (Kỳ 1)

Kỳ 2: Ma trận cống ngầm

Độc đáo cống ngầm thời Pháp

Sau khi hoàn thành việc xâm lược nước ta, thực dân Pháp tiến hành xây dựng cơ bản hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc thống trị và vơ vét. Cùng với việc xây dựng trụ sở làm việc, hình thành các khu phố Tây, hệ thống giao thông đô thị kèm theo đó, Pháp chú ý ngay đến việc xây dựng hệ thống cống ngầm. Tuyến cống đầu tiên được xây dựng ở đường Paul Bert bây giờ là Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ. Nếu như năm 1897, Hà Nội có khoảng 46km đường, năm 1905 tăng lên 87km thì hệ thống cống ngầm cũng theo đó dài thêm. Đến năm 1928, người Pháp cho xây các tuyến phố mới nắn lại đường cống ngầm dưới phố Lò Đúc, Bà Triệu chảy về phía đê Bình Lao (nay là đường Trần Khát Chân). Năm 1939, người Pháp tiếp tục cho cho xây hệ thống cống nằm tập trung ở 36 phố phường.

Theo tài liệu lịch sử, suốt nửa đầu thế kỷ XIX, cống ngầm dưới lòng Hà Nội gần như không xảy ra tắc. Có người cho rằng do ngày đó dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn, nên chưa thải ra nhiều rác như bây giờ, nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng hệ thống cống thoát nước do Pháp xây dựng ở Hà Nội rất bài bản và hiện đại. Mặc dù khi rút khỏi Việt Nam (năm 1954) Pháp không hề để lại tài liệu gì về hệ thống cống ngầm này, nhưng khi ta  tiếp quản và sử dụng, những bí ẩn về hệ thống cống này đã dần được hé lộ.

Một công nhân đang oằn mình bẩy từng xẻng bùn dưới mương nước đen ngòm hôi thối

Hầu hết cống ngầm thời Pháp được xây bằng gạch, tùy theo mức độ quan trọng của việc thoát nước người ta tính toán, thiết kế đường kính của cống và mức độ dày, mỏng thích hợp. Về hình thức chủ yếu là cống vòm, có tính đến độ dốc của lòng cống cho nên nước thoát tốt, cho dù đường kính cống chỉ rộng 0,6m nhưng vẫn chui vào thông tắc được. Tiêu biểu của hệ thống cống ngầm từ thời Pháp là đoạn cống từ đầu phố Lò Đúc đến đê Trần Khát Chân. Đây là đoạn cống vòm to nhất, trong lòng cống không bị bùn lắng do có độ dốc lớn, tạo nên tốc độ dòng chảy mạnh cuốn hết rác thải ra đầu các hố ga.

Điều đặc biệt mà không có bất kỳ đường cống ngầm nào ở Việt Nam có được chính là đường cống ngầm ở phố Thụy Khuê. Nó đặc biệt bởi cách thiết kế chia cấp trong lòng cống. Từ miệng cống sâu xuống khoảng 2m là một cấp với đường kính khoảng 4m. Từ đây, cống thu hẹp mỗi bên là 1,5m, còn 1m ở giữa là đường cống sâu khoảng 0,5m. Với thiết kế như vậy, cống vừa có tác dụng thoát nước vừa là nơi để cho bùn, đất lắng lại, hai bên đường cống nhỏ này là hai hàng lan can sắt giống như hai hàng lan can bảo vệ hai bên thành cầu. Khi thi công ở đường cống này vào mùa khô, công nhân chỉ cần đứng ở hai bên lan can này dùng gầu múc bùn rất tiện lợi. Những lúc làm mệt, công nhân không phải chui lên mà chỉ việc trải áo mưa ra nghỉ ở “vỉa hè” trong lòng cống.

Hố ga Mai Xuân Thưởng cũng là một biểu tượng về sự hiện đại của cống ngầm thời Pháp, xung quanh xây tường dày 3 lớp gạch, miệng hố ga cho đổ bê tông, có đường xuống hầm bằng các bậc cầu thang và cứ cách khoảng 2m chiều dài lại được bố trí một dầm bê tông cốt sắt chịu lực. Hố ga này to, rộng bằng cả một ngôi nhà. Tiếp đó là hệ thống cống ngầm chạy dọc phố Phan Đình Phùng là hệ thống cống bản to thuộc loại... ôtô cũng có thể thoải mái lượn trong lòng cống. Ở khu vực Công viên Thống Nhất, người Pháp còn xây dựng một đoạn cống “ngầm dưới ngầm”. Nghĩa là nằm lọt thỏm trong lòng hồ. Công nhân không thể chui vào vét thủ công, phải cho vòi hút thủy lực vào khuấy bùn.

Hiện nay, theo nhận xét của phần lớn các công nhân cống ngầm của Công ty Thoát nước Hà Nội thì hệ thống cống ngầm của Pháp ở phố cổ còn tương đối tốt bằng chất liệu gạch cuốn, có nhiều đoạn trần được láng xi măng hay một hợp chất gì đó vẫn giữ nguyên độ sáng bóng. Phó giám đốc Xí nghiệp Thi công cơ giới Nguyễn Cảnh Dương phải thốt lên rằng: “Người Pháp đã xây cái gì là ra tấm ra món, có giá trị trường tồn không thể phủ nhận. Song dù có tốt đến mấy thiết kế này trong tương lai cũng sẽ dần thay thế bằng hệ thống cống bê tông mới chịu được sức nặng của giao thông đô thị”.

Hằng năm Công ty Thoát nước Hà Nội phải thường xuyên khảo sát, tu bổ thay thế các đoạn cống được xây từ thời Pháp đã bị xuống cấp. Đến nay, hệ thống này vẫn khai thác, sử dụng tốt. Duy chỉ có tuyến cống trên phố Lò Đúc, do phải gánh chịu hệ thống xe tải chạy qua nên đã bị lún sụt. Cách đây mấy tháng, toàn bộ hệ thống cống cũ ở tuyến phố này đã được bóc lên thay mới toàn bộ. Dù được thay mới nhưng vẫn xây dựng trên nền cống cũ và giữ nguyên thiết kế ban đầu.

Vượt ngục bằng đường cống ngầm

Với công dụng là để thoát nước nhưng đến hơn nửa thế kỷ sau thực dân Pháp lại không ngờ hệ thống cống ngầm rất thoáng này mà họ xây dựng, lại “tiếp tay” cho việc để xảy ra một cuộc vượt ngục lớn chưa từng có trong lịch sử của tù nhân tại nhà giam Hỏa Lò. Hơn 100 chiến sĩ cộng sản đã vược ngục Hỏa Lò thành công bằng đường cống ngầm trở về với nhân dân và kịp thời móc nối liên lạc với Đảng. Họ trở thành những nhân tố quan trọng tham gia và lãnh đạo khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Theo ký ức của cụ Hoàng, nguyên cựu tù chính trị tại Hỏa Lò, trú tại Thành Công, Ba Đình, Hà Nội. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chi bộ nhà tù nhận định đây là thời cơ rất tốt để vượt ngục, trở về với phong trào, vì bọn Nhật tiếp quản nhà tù buổi đầu có phần lơi lỏng. Vượt ngục khi ấy có 2 cách là “thăng thiên” tức trèo qua tường và “độn thổ” chui cống ngầm. Lúc đó đều có thể vận dụng cả hai vì thời đó chúng tôi đã nắm được bí mật cống ngầm của Pháp chằng chịt như thiên la địa võng tại Hà Nội, có thể thông sang nhiều tuyến phố khác nhau.

Cận cảnh một cống tròn thời nay

Trong một lần, chúng tôi phát hiện có cống ngầm ở sân trại giam nắp trên khá sơ sài dù trước đấy địch đã cho gia cố, hàn các thanh thép chắn. 19 giờ ngày 11/3/1945, 4 người tù giữ bốn góc chăn chiên giả vờ bắt rận nhưng thực ra để che miệng cống để 2 người có thân hình nhỏ xuống thám thính là anh Trần Văn Cử và tôi. Anh đã kiếm trước mấy bộ quần áo nhà bếp cho chúng tôi mặc thay quần áo tù. Chúng tôi dùng thanh cùm phá mối hàn lưới sắt.

Vừa chui vào cống thấy tối om, lõng bõng bùn nước, như đường xuống âm ti địa phủ. Thông thuộc nhất chắc chỉ có... loài chuột mới hiểu hết được. Hàng giờ phải lom khom trong lòng cống chật chội, mùi hôi thối bốc nồng nặc, đặc biệt nhiều gián, chúng bay loạn xạ, rào rào đập vào mắt, vào mồm. Lần mò mãi, tới khi phía trước hé ra tia sáng, cùng tiếng rầm rầm trên đầu của ôtô, các tù nhân chia làm nhiều tốp, chui xuống cống ngầm, cứ lần theo đó mà đi. Những người tù đi trong hệ thống cống ngầm tối đen như mực đó, chẳng biết đâu là điểm dừng, khi nhìn thấy chút ánh sáng le lói trên đầu, mới đẩy nắp cống chui lên, ngỡ ngàng không biết mình đang ở tận đâu. Có người lại chui ngay lên đường Lý Thường Kiệt - cách  nơi mình vừa bị giam cầm có mấy bước chân. Chính sự chằng chịt của hệ thống cống này mà còn chui ra tận gần bờ sông Hồng nay là đường Trần Quang Khải.

Về sau tôi được biết, nhà tù Hỏa Lò từng có nhiều cuộc vượt ngục thì đây là cuộc “độn thổ” quy mô lớn chưa từng có, nhiều tốp ở các trại khác lần lượt chui cống ngầm trót lọt, tổng cộng 146 người. Từ chập tối đến nửa đêm ngày 11/3/1945, hàng loạt “cánh chim tự do” được sổ lồng như vậy!

Lúc lên được mặt phố, bộ quần áo nhà bếp của tôi lấm lem, người thì hôi hám kinh khủng, tôi định xin phép anh Bình về qua nhà tắm rửa, thay quần áo, anh liền trợn mắt quát: “Bẩn có hơn sa vào tay địch lần nữa không!”. Thế là chúng tôi ngay đêm đó chuồn thật nhanh khỏi Hà Nội, về tập kết tại cơ sở của ta ở làng Vạn Phúc, Hà Đông. Và chính hệ thống cống ngầm này đã nằm trong một phần lịch sử cách mạng.

Cống ngầm thời nay

Ông Nguyễn Lê, Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện hệ thống thoát nước do công ty quản lý gồm 1.317km cống (trong đó gần 300km từ thời Pháp), 117,9km mương, 36,3km sông. Hai nguồn thoát nước chính của khu vực nội thành là qua trạm bơm Yên Sở và đập Thanh Liệt. Ngoài hệ thống cống ngầm do Pháp xây dựng, hiện Hà Nội được chắp nối từ 3 hệ thống gồm: Cống mới xây dựng từ năm 1954 trở lại đây; Cống thoát nước của Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 1; Cống thoát nước các ngõ xóm, các khu đô thị.

Hệ thống cống mới xây dựng từ những năm 1954 trở lại đây là hệ thống cống thoát nước do thành phố xây dựng trên cơ sở quá trình đô thị hóa và mở rộng của Hà Nội. Có thể kể đến là hệ thống cống ngầm dưới các tuyến phố thuộc các quận Đống Đa, Thanh Xuân và một phần của quận Ba Đình và Hai Bà Trưng… Cống thoát nước các ngõ xóm, các khu đô thị là hệ thống cống do các dự án khu đô thị mới, dân cư các ngõ xóm tự xây dựng đấu nối vào hệ thống cống lớn của thành phố.

Về hình thức có thể chia làm 2 loại chính đó là cống hộp và cống tròn. Tuy theo mục đích thoát nước mà kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. To và rộng nhận phải kể đến là hệ thống cống hộp được xây dựng từ việc cống hóa các kênh mương trên các tuyến phố Hào Nam, Nguyễn Khánh Toàn, Thái Thịnh II… Tiếp đó là hệ thống cống tròn với các kích cỡ khác nhau tùy theo độ rộng của đường kính xê dịch từ 90cm đến 3m.

Nói về khả năng tiêu thoát của hệ thống cống ngầm ở Hà Nội hiện nay, ông Nguyễn Lê cho biết: Hệ thống cống thoát nước của Hà Nội hiện nay vừa thiếu, vừa yếu do thiếu đồng bộ. Hệ thống cống ngầm cũ đã đi vào sử dụng 60-80 năm, nhiều đoạn đã bị lún, sụt, cản trở dòng chảy. Ngay cả gạch xây cống cũng đã bị “mủn” do thời gian sử dụng quá lâu. Có những tuyến đã được đầu tư từ năm 1940 nên khả năng thoát nước rất hạn chế. Ngoài ra, do kích cỡ hệ thống cống còn nhỏ nên khi mưa lớn thì nước từ mặt đường không thoát hết xuống cống, nước từ cống cũng thoát chậm ra kênh mương nên xảy ra tình trạng ngập cục bộ. Những tuyến phố này đều đã tới lúc không thể không làm.

Hiện nay, rất nhiều tuyến cống mới xây nhưng hay bị tắc là do lòng cống có các mối nối, lâu ngày bị lún nên tạo ra hiện tượng lệch dòng, gây đọng rác làm bít mất dòng chảy. Hệ thống cống thoát nước được xây dựng rất hiện đại chạy dọc tuyến vành đai III hiện nay đang “đông cứng” chất thải xây dựng. Bê tông tươi được người ta xả trộm xuống cống chặn đứng mọi dòng chảy. Có thể nói rằng, nếu không có sự nỗ lực và trách nhiệm của công nhân viên công ty thoát nước thì môi trường không có sự chuyển biến, thay da đổi thịt như hiện nay, hầu hết hệ thống sông, hồ đã được kè đá sạch sẽ, không còn mùi hôi hám như trước kia.

Tuy nhiên, công tác thoát nước còn gặp rất nhiều gian truân do sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và cả nếp sống tùy tiện thiếu văn hóa của một bộ phận dân số đô thị. Dân số các nơi đổ về thành phố, các công trình nhà ở, trụ sở, khách sạn gia tăng quá nhanh trở thành một nghịch lý công trình cao tầng càng cao thì hạ tầng càng lún xuống. Những đợt úng ngập trên nhiều tuyến phố mỗi khi có mưa lớn chính là hiện tượng đó. Khi thiết kế và xây dựng những khu nhà cao tầng thường chỉ chú trọng đến hệ thống thoát nước cá nhân mà không mấy ai quan tâm đến hệ thống thoát nước chung của thành phố có đáp ứng với khả năng tiêu thoát nước khi dân số gia tăng, đó là chưa kể đến hệ thống ao, hồ, mương máng bị lấp, nền cũ bị tôn cao, khả năng thấm nước trực tiếp bị hạn chế do nhiều khoảng đất ruộng trước kia nay bị bê tông hóa.

Bài toán thoát nước có thể xem như bài toán giao thông nội đô. Nhưng giao thông còn có thể phân luồng, xây cầu vượt. Nhưng thoát nước không đơn giản vì không dễ dàng thay thế mở rộng hàng chục km tuyến ống thoát và cũng không thể “điều tiết, phân luồng” được mưa.

Được biết, từ nay đến năm 2014 nhằm cải thiện lại hệ thống thoát nước, công ty thoát nước Hà Nội đang triển khai xây dựng 22km chiều dài tuyến cống thoát nước bổ sung trên 44 tuyến phố. Đây là dự án xây dựng, cải tạo hệ thống cống thoát nước ngầm của cả khu vực nội thành với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỉ đồng, trong đó tại một số tuyến thi công sẽ chạy qua cả khu vực còn nạn úng ngập cục bộ. Mục tiêu của dự án này là làm thay đổi năng lực thoát nước, tăng khả năng thu nước từ mặt đường xuống cống, nâng kích cỡ các loại cống để tăng khả năng lưu thoát của dòng chảy.

Tuy hệ thống thoát nước Hà Nội có chiều dài lịch sử như vây, nhưng lực lượng quản lý thoát nước chuyên nghiệp của thành phố lại được hình thành cách đây chưa lâu. Đầu năm 1973, ngay trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cuối và cũng là thời điểm ác liệt nhất, vết tích của những trận bom B52 của Mỹ vào những ngày cuối cùng của năm 1972 vẫn in hằn trên nhiều tuyến phố ở thủ đô.

Trong cái bộn bề của hàng núi công việc sau chiến tranh, nhưng thấy được tầm quan trọng của quản lý hạ tầng đô thị thời kỳ hậu chiến, lãnh đạo thành phố đã cho thành lập ngay lực lượng chuyên nghiệp để quản lý hệ thống thoát nước. Khi mới thành lập, chỉ là một đội tách ra từ Công ty Cầu đường nội thành với chưa đầy 100 công nhân, xe máy, thiết bị thiếu thốn, chủ yếu dùng sức lao động của con người. 40 năm sau, Công ty Thoát nước Hà Nội đã có lực lượng đông đảo với hàng ngàn công nhân viên, 7 xí nghiệp trực thuộc, tài sản được thành phố giao quản lý giá trị hàng ngàn tỉ đồng, địa bàn quản lý dịch vụ gồm các quận nội thành và các huyện ngoại thành của Hà Nội trước khi sáp nhập mở rộng.


(Xem tiếp kỳ sau)

 Văn Dũng - Mạnh Kiên