Khám phá “thế giới ngầm” ở Hà Nội (Kỳ 3)

06:45 | 30/08/2013

1,620 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày trải nghiệm nghề móc cống, tôi đã nhận ra rằng, dưới những cống ngầm không đơn thuần chỉ là sự vuông hay tròn, rộng hay hẹp với tất cả sự bẩn tưởi, hôi thối… mà ở đây, mỗi thước cống, mỗi hố ga còn ẩn chứa biết bao hiểm nguy. Người công nhân móc cống đã và đang phải đối mặt với những sát thủ vô hình từ chính môi trường lao động của họ.

>> Khám phá “thế giới ngầm” ở Hà Nội (Kỳ 2)

>> Khám phá “thế giới ngầm” ở Hà Nội (Kỳ 1)

Kỳ 3: Đùa giỡn với tử thần

Bí mật dưới lòng cống

Thế giới phía trong lòng cống còn có vô số những điều kỳ bí. Đó là một thế giới thủy sản phong phú với hàng chục chủng loại như rô phi, trê, lươn, ếch, nhái… Ông Nguyễn Văn Vọng, người có thâm niên trong nghề cống ngầm kể: “Ngày trước cứ vào mùa mưa, cá từ các hồ lớn như Hồ Tây, hồ Thiền Quang, Ba Mẫu, Bảy Mẫu, hay từ các ao hồ trong các khu công viên, theo nước ra cống ngầm nhiều vô kể. Năm 1993-1994, ở những khu vực cống ngầm như Khâm Thiên, ga Hàng Cỏ, cá nhiều đến nỗi anh em cả sáng làm mệt nhoài, tay chân rã rời nhưng tới giờ nghỉ trưa tuyệt nhiên không ai chịu nghỉ mà xắn tay đi bắt cá. Dụng cụ đựng cá của anh em là một vài cái xô, trên miệng lấy bao nilon bịt lại, rồi đục một lỗ nhỏ cho cá vào. “Đồ nghề” đơn giản chỉ có thế thôi nhưng vẫn thu về bộn cá, lươn. Có những lần anh em bắt được cả yến cá, ăn không hết đem đi cho, cho không hết đem đi bán. Hồi đó nước cống sạch lắm, không như bây giờ toàn hóa chất, cá nào sống nổi. Giờ thay vào chỗ lươn, cá là hàng kilôgam bơm tiêm chất đống trong cống ngầm. Ngồi nghĩ lại mà rợn cả gai ốc”.

Ông Nguyễn Văn Vọng, đã ngoài tám mươi, làm việc từ năm 1961, ông là một trong những “sư tổ” hiếm có trong nghề chui cống ở Hà Nội… Ở tuyến cống dưới phố Phan Đình Phùng làm công nhân rất khổ vì rễ cây sấu. Bởi lòng cống thuộc loại rộng, rễ cây sấu tha hồ phát triển làm tổ cho đủ loại cá, trạch, nằm trơ lì cuồn cuộn trong lòng cống như thách thức. Nhận nhiệm vụ thông tắc cống ở tuyến này công nhân nào cũng ngán ngẩm không tài nào vào thông được. Sau này phải cho cưa máy, rồi dùng cả cần cẩu múc lên từng khối.

Phóng viên PetroTimes đang xúc bùn cùng đội nạo vét kênh mương thuộc Xí nghiệp 1

Ông Lê Văn Thọ, một thợ chui cống lâu năm chia sẻ: Xuống cống ngầm không sợ bẩn mà sợ côn trùng, rắn rết tấn công. Nơi tập trung nhiều gián nhất là đường cống và các hố ga ở chợ Bưởi, còn nơi trú ngụ của loài dơi chính là đường cống dọc phố Phan Đình Phùng. Trước khi thi công phải mở nắp ga và chờ cho đàn dơi bay ra hết, anh em công nhân mới dám xuống làm việc.

Nhưng hãi nhất là chuyện vớt phải xác người. Ông Lê Văn Thọ nhớ lại, cách đây khá lâu, một lần ông đang thi công ở khu vực phố Thanh Nhàn thì phát hiện có xác người chết lùng nhùng trong rác rưởi. Thì ra lần đó, ở đường cống cuối phố Hàn Thuyên, bà con ở đây phát hiện ra một xác nam thanh niên, trong lúc họ đang đi trình báo công an thì có đợt xả nước, xác người trên miệng cống đã bị cuốn trôi đến cuối phố Thanh Nhàn, nơi đội của ông đang làm việc.

Cống phóng là loại cống tròn có đường kính nhỏ được thiết kế cho những đường phố chật hẹp và ngắn. Cống được thiết kế lắp đặt với độ dốc cao nhằm giúp nước thải tiêu thoát nhanh. Đầu phố Hàng Mã có một cái cống phóng mà dân trong nghề truyền tai nhau như một nỗi khiếp sợ. Cống này nằm cạnh một chợ nên không ít rác rưởi được tống bừa xuống đó. Khi cống bị tắc thì thợ phải nghiêng người chui xuống một cách chật chội. Bấy giờ nước bùn bẩn thâm nhập mặt cống, chỉ còn chừa độ 20cm để đầu của người thợ có thể ngóc lên lấy hơi để… thở. Xuống lòng cống rồi, thợ lại phải né người cho cái xẻng chuyên dùng để nạo vét những ống cống nhỏ chui qua mình, lách nó vào trong lòng cống, múc bùn ra. Từng xẻng bùn được đưa qua mình người thợ chuyển lên cho người đứng đón ở trên miệng cống. Mọi thao tác phải cực kỳ khéo léo, chỉ một động tác giật cục mạnh là bùn sẽ sóng sánh, có thể nước với bùn, đất, nước thải thậm chí cả xác xúc vật phân hủy sẽ vỗ vào mặt. Còn người thì tất nhiên là ướt từ đầu đến chân. So với nhưng cống hộp, thông tắc cống phóng phải múc lượng bùn ít hơn nhưng thời gian làm và nỗi vất vả thì cũng lâu chả kém.

Ông Nguyễn Xuân Phong, Xí nghiệp Thoát nước số 1 kể: “Có một đoạn cống mà đời người làm thợ cống ngầm không thể nào quên. Đó là đoạn cống trên đường Đoàn Thị Điểm, Đống Đa, Hà Nội. Quái quỷ một nỗi, cống lúc nào cũng đầy ứ nước và bùn, ngay đoạn nắp cống lại có một đoạn bê tông lòi xuống, chìm dưới mặt nước. Thành thử, bất kỳ ai muốn vào trong cống để làm việc được, cách duy nhất là phải nín thở lặn xuống dưới lớp bùn, rác, phân hôi hám, bơi qua vách ngăn đó sang bên kia ngoi lên mặt nước và bắt đầu múc bùn. Bên kia vách bê tông, nước cũng mấp mé đỉnh cống tròn, chỉ để nước sóng mạnh là nước bùn bẩn ấy tràn vào mặt, không khéo chết sặc. Lúc nào làm việc ở cái cống này, mình và các bạn của mình nhất thiết là phải bị ướt, nhất thiết là phải nín thở ngập trong cái mùi ô nhiễm, rồi phải biết cách vuốt mặt cho sạch, biết cách để nước không tràn vào mắt”. Kể ra cũng hay ngay như trong mùa đông giá rét, dù trên phố rét căm căm nhưng dưới lòng thành phố vẫn ấm áp như thường. Ông cười rồi nói tiếp: “Nước bẩn đã có kháng sinh ngừa bệnh, còn cảm lạnh thì không, nước dưới cống rất ấm. Hóa ra cơn nóng lạnh của tạo hóa đôi khi cũng công bằng”.

Nguy hiểm rình rập

Lao động trên mặt đất khổ một thì làm việc dưới lòng cống khổ mười. Họ phải làm việc trong không gian gò bó, tối tăm của lòng cống. Môi trường yếm khí độc hại với dị vật nguy hại như: mảnh thủy tinh, phoi sắt sắc nhọn, bơm kim tiêm… Mỗi lần vào cống là phải nín thở vì mùi hôi thối, mùi hóa chất độc hại. Ngay cả thợ khỏe cũng chỉ trụ được vài tiếng trong lòng cống là phải chui ra. Ông Nguyễn Xuân Phong, Tổ trưởng tổ Cống ngầm, Xí nghiệp Thoát nước số 1 kể: Có lần, đoạn cống ngầm khu vực Bệnh viện K bị tắc, chính anh là người đã chui vào lòng cống để thông tắc nhưng cũng chỉ chịu được 40 phút là phải ngoi lên vì mùi hóa chất thải ra từ bệnh viện bốc lên nồng nặc.

Cận cảnh buổi nạo vét cống ngầm tại phố Ngọc Hà

Riêng chuyện chạm trán kim tiêm cũng là một kỷ niệm để đời của ông Phong. Năm 1997, khu vực dưới bãi Phúc Xá, Nghĩa Dũng còn là điểm nóng về tệ nạn ma túy. Mỗi lần xúc cống không có lần nào là dưới nửa xe rác kim tiêm, đám nghiện cố nhìn mà xuýt xoa, kẻ khiếp sợ không tin vào mắt mình, tại sao số kim tiêm lại nhiều như thế. Có một chuyện khá bi hài: “Nhiều gã nghiện đồn rằng lão Phong này chắc dính H, bảo sao mặt lão cứ tỉnh bơ, không biết sợ là gì”. Chính sự nể phục ấy mà mỗi lần vào bãi là đám nghiện cứ bám theo ông Phong để chào xã giao và tò mò xem hôm nay anh xúc được bao cân kim tiêm. Kể xong, ông Phong còn vén bụng cho tôi xem một vết thương thành sẹo to bằng đầu đũa do kim tiêm đâm. Một lần đi móc cống ở khu vực đường Đê La Thành đen đủi, thấy có vật gì khiến bụng anh đau buốt. Khi lên khỏi miệng cống thì mặt anh cắt không còn giọt máu, cả ống xơ-ranh xuyên qua tấm áo bảo hộ lao động. Ít ngày sau vết thương nhiễm trùng, đau buốt. Vợ anh gặng hỏi mãi nhưng cũng chỉ dám nói là do sắt đâm, phải nghỉ mất cả tháng trời để chữa trị.

Ông Nguyễn Văn Phú, một công nhân có 30 năm thâm niên cũng đã có lần suýt chết, tâm sự: “Lần đó, khi đang lặn ngụp trong nước cống thì đột nhiên tôi cảm thấy toàn thân bỏng rát, nghẹt thở… tôi kêu cứu nhờ đồng nghiệp kéo lên. Khi lên được tới miệng cống, toàn thân tôi phồng rộp, nhiều chỗ da bong ra, trơ thịt. Kiểm tra lại mới phát hiện có một cơ sở nhuộm thải nước có hóa chất ra cống”. Có lẽ chính vì thế mà trong hành trang của một đội công nhân cống ngầm, ngoài vật dụng lao động, không đội nào thiếu túi cấp cứu, đặc biệt là thuốc trị bỏng. “Đành rằng nghề nào chả có nghiệp. Nhưng nghề này nghiệp nặng lắm. Hằng ngày trong lòng cống không chỉ có nước bẩn đen kịt, dầu mỡ, mà còn có cả mảnh vỡ thủy tinh, kim tiêm. Nhiều khi đồ bảo hộ cũng không bảo vệ nổi, vẫn bị rách da, sây sát là chuyện thường”, ông Phú than phiền.

Không kịp cầm sổ hưu!

Khi được hỏi về thu nhập, ông Nguyễn Xuân Phong cho biết: Một người trên 10 năm trong nghề, lương trung bình khoảng 5-6 triệu đồng, công nhân cống ngầm lương cao hơn một chút cộng thêm tiền phụ cấp ăn uống khoảng 20 nghìn/ngày. Tổng thu nhập cũng được khoảng 8 triệu đồng/tháng, so với mức thu nhập bình quân của xã hội cũng tạm ổn. Song nếu trả cho những hậu quả mà nghề này mang lại cho chúng tôi có lẽ còn xa mới đủ. Môi trường độc hại của nghề khiến chúng tôi xuống sức rất nhanh. Chỉ làm một thời gian là bị ho, đau đầu, tức ngực, tức bụng, khó thở. Nhiều đồng nghiệp chưa về hưu, hoặc mới cầm được sổ hưu đã mất…

“Ngoài ra, lãnh đạo xí nghiệp rất quan tâm, chia sẻ với anh em. Hằng tháng phụ cấp thêm cho anh em thêm: sữa, đường, dầu ăn, hằng năm tổ chức khám bệnh định kỳ và vào mỗi dịp lễ 30-4, 2-9 đều tổ chức hội thao cho anh em. Đặc biệt khi anh em có ai ốm đau, xí nghiệp đều cho công đoàn xuống thăm hỏi và sẵn sàng giúp đỡ gia đình”, ông Phong chia sẻ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân làm việc dưới cống ngầm còn rất sơ sài, không đạt tiêu chuẩn bảo vệ một cách tối ưu. Qua nhiều ngày đi với các anh, chúng tôi thấy rằng, nhiều bộ quần áo cao su phải vá chằng chịt bằng săm xe đạp. Thử hỏi áo mới còn bị nước chui lọt, huống hồ là áo vá. Vì vậy, lên khỏi miệng cống là người nào người nấy quần áo bên trong ướt sũng. Ấy vậy mà nhiều công nhân lâu năm còn cho rằng, như thế vẫn còn sướng chán. Ngày xưa đâu được trang bị quần áo bảo hộ lao động như bây giờ, chỉ độc có chiếc quần đùi, cái áo ba lỗ cổ vuông, tay cầm chiếc xô, tay mang chiếc đèn dầu mà làm việc.

Được biết, mỗi công nhân được cấp 3 bộ quần áo bảo hộ lao động một năm. Nhưng chuyện hỏng xảy ra liên tục, có công nhân còn nói hài hước, xuống cống thì chỉ có mặc áo giáp chứ áo cao su không thể chống đỡ được những dị vật như phoi sắt, kim tiêm… Tôi hình dung giống một chiếc áo mưa giấy, chỉ vài lần dùng không khéo là rách. Giơ bộ quần áo bảo hộ chi chít vết vá, anh Phong giải thích đó là bằng chứng của vô số lần chui vào lòng cống bị các loại phế thải đâm thủng, găng tay cao su cũng chỉ dùng chưa đầy tháng đã rách.

Khổ sở thiếu thốn đã đành, nhưng còn điều chua xót hơn mà nhưng công nhân thông cống phải chịu đựng đó là sự ghẻ lạnh của người đời. Anh Trần Văn Long, một công nhân trẻ tâm sự: Khi làm việc rồi mới thấy xấu hổ, mặc cảm vô cùng. Nhiều người làm được vài hôm đã bỏ. Bởi môi trường làm việc đã bẩn, nhếch nhác, lại phải làm ngoài đường, chiềng mặt cho thiên hạ coi. Nhiều khi gặp người quen, tôi xấu hổ phải quay mặt đi để tránh. Gặp bạn bè hỏi chỉ dám nói đi vớt rác. Rồi thì làm mãi cũng quen dần. Buồn hơn nữa là ít người trong xã hội tôn trọng cảm thông với chúng tôi. Nhiều lần chui dưới cống lên phải múc nước cống để rửa qua chân tay cho đỡ bùn, bởi cầm xô đi một vòng xin nước mà chẳng ai cho còn xua đuổi vì sợ mùi hôi thối.

Anh Long chua xót kể lại rằng thấy các anh đang thi công, có người đi qua còn nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống cống và buông lời miệt thị. Còn nữa, có không ít người đã nặng lời gọi các anh là “chuột cống”, là “bọn móc cống”... Mới đây, anh em chúng tôi làm trên phố Núi Trúc, một gia đình bán hàng ăn sáng ra chửi bới, không cho móc cống vì sợ bẩn. Giải thíchthế nào ông chủ quán vẫn không nghe, còn thách thức. Chúng tôi phải nhờ chính quyền can thiệp mới làm được”.

Anh Nguyễn Văn Khoa, Tổ trưởng cống ngầm Xí nghiệp 4, Công ty Thoát nước Hà Nội chạnh lòng: “Nhiều lúc đi làm có người nói chúng tôi là tầng lớp không có văn hóa nên mới phải chọn cái nghề đi móc cống. Nhưng những người tự coi là có văn hóa như họ lại hành xử ra sao cậu biết không? Chúng tôi vừa dọn xong đầu này thì đầu kia đã có người đổ ngay mấy xô rác xuống cống, hay lợi dụng khi trời mưa để từ trên tầng cao ném thẳng các túi rác xuống mương. Chúng tôi thì gắng sức dọn còn họ thì cứ vô tư xả ra”. Vậy mà đã hết đâu, chuyện “đụng chạm nghề nghiệp” ở ngoài cuộc sống còn cho qua được, nhưng thợ cống ngầm còn phải đối mặt với cả sự mặc cảm nghề nghiệp khi họ đã về “tổ ấm”. Anh Phú, một thợ cống ngầm, nhà ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm (Hà Nội) bộc bạch: “Vợ tôi là giáo viên dạy giỏi, có học sinh đoạt giải quốc gia, các anh chị bên truyền hình ngỏ ý muốn về nhà tôi quay phim về gia đình tôi, nhưng vợ tôi cứ lần lữa mãi vì sợ khi đề cập đến chuyện nghề nghiệp công nhân cống ngầm của chồng”.

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Sức khỏe lao động môi trường TP HCM cho thấy: “Mỗi gram nước cống chứa khoảng 10 triệu vi trùng, 1 triệu vi khuẩn, 1.000 nang ký sinh trùng và 100 trứng sán, lãi các loại. Ngoài ra nó còn chứa leptospira là một xoắn khuẩn gây ra các tổn thương ở nhiều cơ quan: Gây hoại tử cơ bắp, hoại tử ống thận có thể gây ra suy thận cấp tính, tổn thương các mô gan, viêm và xuất huyết khu trú ở tim và phổi, gây tổn thương ở não và màng não. Tuy nhiên bệnh do leptospira gây ra rất khó chẩn đoán, rất dễ dẫn đến tử vong”.


(Xem tiếp kỳ sau)

Phóng sự của Văn Dũng - Mạnh Kiên