Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo

09:55 | 20/11/2020

246 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sử dụng công nghệ thực tế ảo, các kiến trúc sư tái lập phục dựng hình ảnh chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý từ hàng trăm mảnh vụn và phế tích khảo cổ.
Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo - 1
Mô hình phục dựng giúp người xem có thể ngược dòng thời gian 800 năm, để bước đi trong không gian chùa tháp hoàng gia thời Lý.

Nhân kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL liên quan đến việc việc Bảo tồn Di tích và Di sản văn hóa dân tộc (23/11/1945 - 23/11/2020), Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam và SEN Heritage tổ chức trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam.

Sự kiện sẽ trưng bày các ảnh cổ thời Pháp chụp kiến trúc Một Cột thời Nguyễn, ảnh chùa bị đánh sập năm 1954, ảnh phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, ảnh hiện vật của các bảo vật quốc gia như tượng Phật chùa Phật Tích (1057), phiên bản cột đá chùa Dạm (1094), Bia Sùng Thiện Diên Linh (1121), và các hiện vật thời Lý khai quật tại Hoàng Thành Thăng Long. Ngoài ra, sự kiện sẽ trưng bày một số mô hình hiện vật và kiến trúc thời Lý, như đầu rồng (xi vẫn trên nóc mái cung điện), lá đề song long hiến châu…

Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo - 2
Hình ảnh được mô phỏng sống động

Không gian chính sẽ trưng bày tranh 3D, phim 3D, sản phẩm VR3D, mô hình phỏng dựng kiến trúc một cột và chùa Diên Hựu thời Lý. Đây là kết quả đúc kết từ 10 năm nghiên cứu và tổng hợp các giả thuyết khoa học. Từ hàng trăm mảnh vụn và phế tích khảo cổ, bản tái lập chùa Diên Hựu đã phỏng dựng tổng thể mặt bằng mandala chùa tháp thời Lý, với phong cách Lý, và kĩ thuật xây dựng đương thời.

Chùa Một Cột hiện nay là một sản phẩm phục dựng từ năm 1955, được thực hiện bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng sau khi chùa bị đặt bom đánh sập vào ngày 9/11/1954. Để xuyên không về văn hóa thời Lý, TS. Trần Trọng Dương (chủ trì khoa học của dự án), dựa trên sử liệu của văn bia Sùng Thiện Diên Linh (1121), đã tái lập bình đồ mandala của chùa tháp Diên Hựu đồng tâm đa chiều, với tháp một cột ở trung tâm, được bao bọc bởi hai vòng ao, hai vòng sân, hai vòng hành lang giải vũ, và hệ thống các tháp lưu ly, các cầu bắc qua các ao.

Toàn bộ bình đồ này đã mô phỏng đồ án mandala theo đúng kinh điển Phật giáo được ghi chép trong các bộ Hoa Nghiêm, Pháp hoa, Pháp giới an lập đồ, Hoa tạng truyện, Phật tổ thống kỷ.

Giả thuyết khoa học này đã được KTS. Đinh Anh Tuấn (VNI), NTK. Trần Thanh Tùng, cùng Nguyễn Duy, Lê Minh Quân, Huy Phạm... thực hiện số hóa.

Kết quả của dự án bao gồm các sản phẩm sau: bản thiết kế kỹ thuật 3D các đơn nguyên kiến trúc trong chùa Diên Hựu, phim 3D, bản VR3D của mandala Diên Hựu, mô hình hình thái kiến trúc và cấu kiện kiến trúc của tháp một cột, các sản phẩm hiện thực hóa từ bản phỏng dựng để phục vụ du lịch, trưng bày bảo tàng…

Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo - 3
Hình ảnh chùa Một Cột thời Lý

Các sản phẩm này vừa là số hóa các mảnh vụn di sản rời rạc vào một giả thuyết khoa học, nhằm phục vụ việc lưu trữ dữ liệu, bảo tồn văn hóa, tái lập phế tích, quảng bá di sản văn hóa thời Lý đến với xã hội đương đại. Các sản phẩm này có thể ứng dụng cho nhiều hoạt động khác nhau, từ nghiên cứu, mô phỏng giả thuyết khoa học, trưng bày bảo tàng, thuyết minh bảo tàng, đến ứng dụng cho du lịch, giáo dục và đào tạo di sản, quảng bá văn hóa truyền thống trong hệ thống giáo dục các cấp. Sản phẩm VR3D có thể sử dụng như là phim trường ảo, sản xuất phim 3D, sản xuất các phần mềm game lịch sử, và có thể hướng đến phục dựng trên một không gian ngoài thực tế.

VR3D chùa Diên Hựu giúp người xem có thể ngược dòng thời gian 800 năm, để bước đi trong không gian chùa tháp hoàng gia thời Lý. Sản phẩm chính của dự án giúp các thế hệ người Việt của thế kỷ XXI có thể trải nghiệm những nét đẹp vàng son xưa cũ trong một không gian thực tế ảo với công nghệ VR và AR.

Thời gian triển lãm

07 ngày, từ 16h00 (thứ Hai), ngày 23/11/2020 đến 17h30 (thứ Hai) ngày 30/11/2020. Các ngày trong tuần mở cửa từ 8h30 - 17h00.

Một số hoạt động chính:

  1. Chương trình khai mạc trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột – Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo”: 16h00 - 17h30 (thứ Hai), ngày 23/11/2020
  2. Tọa đàm “Thảo luận về hình thái một cột và mandala kiến trúc thời Lý”: 9h00 - 11h30 (thứ Năm), ngày 26/11/2020.

Địa điểm: Tầng 2, nhà B, Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, số 66 đường Nguyễn Thái Học, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan