Khắc phục khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến

18:30 | 19/09/2021

512 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đã rất linh hoạt trong chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến. Tuy nhiên, sau 2 tuần học tập theo hình thức này vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn cho giáo viên và phụ huynh.
Khắc phục khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến
Học sinh tiểu học học trực tuyến tại nhà

Bảo đảm hiệu quả học trực tuyến

Năm học 2021-2022 diễn ra khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, để đảm bảo công tác dạy và học ngành Giáo dục đã có những điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh. Dạy học trực tuyến được các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 triển khai nhanh chóng, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu của ngành đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình học tập cũng còn nhiều khó khăn cần phải khắc phục để đảm bảo việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả như mong muốn.

Có con năm học này bước vào lớp 1, nên gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (huyện Thường Tín, Hà Nội) khá lo lắng cho việc học tập trực tuyến của con. Cô giáo chủ nhiệm và các phụ huynh thường xuyên trao đổi trên nhóm Zalo để tìm giải pháp tốt nhất, đảm bảo hiệu quả trong mỗi giờ học, song chị Hồng cho biết, tuần đầu, việc học cũng gặp nhiều khó khăn. Do các bé còn nhiều bỡ ngỡ, hình thức học này đối với nhiều gia đình cũng chưa thích nghi ngay, nên trong giờ học còn khá ồn ào do nhiều bé chưa tắt micro, mặc dù cô giáo nhắc nhở rất nhiều lần. Thêm vào đó, đường truyền thời gian đầu cũng chưa ổn định, nên cũng có ảnh hưởng tới quá trình học. Việc này, cô giáo cũng đã dần khắc phục bằng cách nâng cấp đường truyền của gia đình, chuyển qua app khác đảm bảo chất lượng đường truyền ổn định hơn.

Bên cạnh đó, chị Hồng cũng cho biết, hiện chị có 2 bé đang học tiểu học cùng một trường. Phía nhà trường sắp xếp lịch học tới thời điểm này khá khoa học nên không bị chồng chéo. Tuy nhiên, gia đình chỉ bố trí được cho 2 bé học chung một thiết bị, nên việc mỗi giáo viên lựa chọn một App khác nhau để triển khai học trực tuyến đã khiến cho thời gian đầu cũng gặp phải những bối rối nhất định.

Cũng có con học lớp 2, chị Nguyễn Phương Huệ chia sẻ: Học trực tuyến với điều kiện phụ huynh ở nhà, nhất là với các bé học sinh cấp bậc tiểu học. Nhưng khi dịch ổn hơn thì phụ huynh phải đến cơ quan làm việc không thể kèm con được, đây là điều mà có lẽ không chỉ tôi mà rất nhiều phụ huynh đang lo lắng.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng khi lượng kiến thức của việc dạy học trực tuyến vẫn khá nặng, không thay đổi so với trực tiếp, khiến học sinh áp lực và mệt mỏi. Hay việc chuẩn bị bài giảng một cách phong phú để giúp học sinh tiếp thu dễ hơn vẫn chưa thực sự được chú trọng… Đặc biệt, có một thực tế là một số học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện để trang bị phương tiện để học.

Theo chia sẻ của cô giáo Phan Thị Xuân Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đức Giang (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Nhà trường đã khảo sát và thống kê về các điều kiện học sinh lớp 1 theo ba nhóm cụ thể: Nhóm phụ huynh có thiết bị, đường truyền và điều kiện hỗ trợ khi con học; nhóm phụ huynh có thiết bị, đường truyền nhưng chưa có điều kiện hỗ trợ khi con học; và nhóm phụ huynh không có thiết bị, đường truyền và không có điều kiện hỗ trợ khi con học.

Từ đó, Ban Giám hiệu đã xây dựng việc học trực tuyến với ba hình thức: Học trực tuyến; học qua clip; học qua bài tập trắc nghiệm trên phần mềm Google form. Với phương pháp phù hợp, kế hoạch rõ ràng, trường vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, vừa hỗ trợ công tác giảng dạy hiệu quả.

Khắc phục khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến
Dạy học online là một trong những giải pháp trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp

Giáo viên gánh nhiều vai trong việc học online

Dù đã chủ động trong phương pháp dạy học nhưng nhiều thầy cô chia sẻ rằng, các giáo viên khá áp lực vì phải gánh nhiều vai trò, vừa dạy học, vừa là kỹ thuật viên, kiêm diễn viên kịch để tương tác, cuốn hút học sinh vào các bài học.

Theo TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), dạy học tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2, giáo viên cần phải lấy sự hứng thú và tham gia của học sinh làm gốc. Ở lứa tuổi này, mỗi bài học nên là một trò chơi; kiến thức, kỹ năng cần hình thành chính là luật chơi; giáo viên, cha mẹ học sinh chính là bạn cùng chơi và công nghệ phải là đồ chơi.

TS Tôn Quang Cường phân tích, có 3 thách thức lớn đang đặt ra đối với dạy học trực tuyến học sinh lớp 1, đó là: sự bỡ ngỡ khi đồng thời áp dụng một phương thức dạy học mới, sự căng thẳng khi sử dụng tích hợp công nghệ và sự thiếu hụt mang tính hệ thống của việc bảo đảm hạ tầng, thiết bị và các tài nguyên số cần thiết.

Để tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến hiệu quả, TS Tôn Quang Cường cho rằng, mỗi bài học là một bộ hồ sơ nội dung học liệu số với các định dạng khác nhau như: ảnh, âm thanh, video clip, thẻ trực quan. Giáo viên nên chuẩn bị 2 đến 3 video ngắn, vui nhộn có nhạc để chạy giữa giờ giải lao; sử dụng một số ứng dụng trò chơi trực tuyến để học sinh hứng thú trong giờ học. Đồng thời, giáo viên thường xuyên khen ngợi, biểu dương, nói lời tích cực; hình ảnh hóa, trực quan hóa tối đa mọi hoạt động.

Còn theo TS Nguyễn Quang Tiệp - Trưởng Bộ môn Giáo dục tiểu học (Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, giải pháp then chốt trong dạy học trực tuyến là phải cấu trúc lại bài giảng phù hợp, không thể mang bài giảng truyền thống vào bài giảng trực tuyến.

Giáo viên phải "game" hóa nhiều nội dung, tạo hứng thú cho trẻ, tiết học chỉ nên cấu trúc 30 phút, không quá 2 giờ/buổi học. Song song với đó, việc kết nối với giáo viên và cha mẹ học sinh bằng các kênh rất quan trọng, kịp thời để điều chỉnh nội dung và hoạt động phù hợp tiến độ. TS Nguyễn Quang Tiệp cho rằng: “Giáo viên và phụ huynh nên coi đây là cơ hội để trải nghiệm và đồng hành trong sự nghiệp học hành của con”.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cũng đã có những hướng dẫn các trường tiểu học tinh giản, tích hợp nội dung ở từng khối lớp, môn học; có hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.

Phú Văn

Nhiều địa phương cho học sinh trở lại trườngNhiều địa phương cho học sinh trở lại trường
Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu họcĐại học Quốc gia Hà Nội ra mắt kênh trực tuyến hỗ trợ giáo dục tiểu học
Hà Nội yêu cầu các trường kiểm soát tư liệu dạy học trực tuyếnHà Nội yêu cầu các trường kiểm soát tư liệu dạy học trực tuyến
Tặng miễn phí giải pháp giảng dạy trực tuyến cho giáo viên và nhà trườngTặng miễn phí giải pháp giảng dạy trực tuyến cho giáo viên và nhà trường