Kế hoạch “làm khó” Trung Quốc của EU và Mỹ gặp cản trở

07:00 | 16/09/2023

696 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Liên minh châu Âu và Mỹ có kế hoạch hoàn tất đàm phán về thỏa thuận thương mại “thép xanh” trước thời hạn 31/10, một kế hoạch nhằm cản trở Trung Quốc. Tuy nhiên, trở ngại đã xuất hiện: Nếu không có thỏa thuận mới trước ngày 31/10, chính sách thuế quan dưới thời Donald Trump sẽ có hiệu lực trở lại cho những phi vụ thương mại xuyên Đại Tây Dương trị giá hàng tỷ USD.
Kế hoạch “làm khó” Trung Quốc của EU và Mỹ gặp cản trở
Một xưởng luyện kim ở Mỹ.

Những nguồn tin nắm rõ nội dung đàm phán đã xác nhận thông tin trên với Reuters.

Theo những nguồn tin thương mại của Mỹ, bên đàm phán của Mỹ đang bày tỏ sự thất vọng vì EU không tập trung vào những đề xuất mà Mỹ đã đưa ra trong những tuần gần đây. Thật vậy, hai bên vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc về cơ cấu chung cho biện pháp hạn chế thương mại nhằm mục đích giảm phát thải carbon và hạn chế năng lực sản xuất dư thừa.

Còn các nguồn tin của EU thì cho biết: Hai bên vẫn chưa thống nhất định nghĩa về "thép xanh" và đã bày tỏ lo lắng rằng những đề xuất của Mỹ mang tính xem thường những quy tắc thương mại toàn cầu - bằng cách phân biệt đối xử với những nước bên thứ ba và nguy cơ đặt ra hạn chế số lượng hàng nhập khẩu.

Mỹ và EU đã bắt đầu đàm phán về “kim loại xanh” từ tháng 10/2021, sau khi hai bên “đình chiến” trong cuộc tranh cãi gay gắt về thuế quan "Mục 232" đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm toàn cầu - một chính sách do do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.

Họ đã dành hai năm để đàm phán về “Thỏa thuận Toàn cầu về Thép và Nhôm Bền vững”, nhằm mục đích dựng lên những rào cản thương mại ở cả Mỹ và EU đối với hàng nhập khẩu từ những nhà máy phát thải nhiều khí carbon và từ những quốc gia sản xuất quá nhiều thép so với nhu cầu thị trường. Những tiêu chuẩn này đều nhắm vào Trung Quốc - quốc gia sản xuất ra một nửa lượng thép của thế giới.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Mỹ, tiến trình đàm phán đã bị cản trở bằng kỳ nghỉ hè dài dẳn ở châu Âu. Mọi thứ bị trì hoãn đến mức, nếu không có diễn biến đột phá lớn nào trong những tuần tới, thì hạn chót ngày 31/10 sẽ ập đến mà không có bất kỳ giải pháp nào được đưa ra.

Một nguồn tin phía Mỹ cho biết: “Chúng ta đang nằm trong giai đoạn quan trọng, là lúc quyết định thành công hay thất bại”.

Nếu trễ thời hạn, Mỹ sẽ áp dụng lại mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm do EU sản xuất. Vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh thuế vào kim loại nhập khẩu trên toàn cầu, thông qua "Mục 232" của luật thương mại năm 1962, cho phép tổng thống hạn chế nhập khẩu sản phẩm nếu chúng đe dọa đến nền an ninh quốc gia.

Tương tự, những mức thuế thuế trả đũa do EU đặt ra cho những sản phẩm của Mỹ, từ xe máy Harley-Davidson đến quần jean xanh, sẽ có hiệu lực trở lại.

Vào năm 2022, EU và Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan từ Mục 232, sau khi hội đồng xét xử của Tổ chức Thương mại Thế giới tuyên bố rằng chúng vi phạm đến các quy tắc toàn cầu.

Các nhà đàm phán EU đã miễn cưỡng chấp nhận những đề xuất của Mỹ về việc áp đặt rào cản đối với thép và nhôm từ những quốc gia có năng lực sản xuất dư thừa vượt quá mức tiêu thụ của thị trường. Trong mắt các nguồn tin của Mỹ, đây là điều rất quan trọng nhằm thay thế chính sách thuế quan đề ra trong Mục 232 và bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ.

Các nhà đàm phán châu Âu cũng đã từ chối cơ chế thuế quan đơn giản nhằm loại trừ thép và nhôm từ những nhà sản xuất phát thải nhiều carbon. Thay vào đó, họ muốn ủng hộ Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM). Đây là một quy định mới và phức tạp hơn của EU nhằm tiêu chuẩn hóa giá carbon và yêu cầu các công ty mua tín dụng carbon nếu nhập khẩu những hàng hóa có nhiều vết chân carbon.

Theo EU, CBAM được thiết kế đặc biệt để tuân thủ những quy định của WTO.

Nếu để châu Âu áp dụng CBAM, thì Mỹ cũng phải áp dụng một cơ chế tương tự, phá vỡ thế cân bằng mong manh bên trong Quốc hội Mỹ. Vì tại đây, Đảng Cộng hòa đang chống đối những biện pháp ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ không thích ý tưởng ép buộc các công ty Mỹ phải áp dụng những tiêu chuẩn toàn cầu.

Ủy ban châu Âu cho biết, bất kỳ giải pháp nào cũng phải tuân thủ khung quy định của WTO và các chính sách về khí hậu của EU. Cũng theo họ, CBAM là kế hoạch thương mại và khí hậu quan trọng của Ủy ban.

Các nguồn tin của EU nói rằng phái đoàn đàm phán của họ lo lắng về những đề xuất của Mỹ về việc đánh thuế vào sản phẩm thép do những nước không thuộc "câu lạc bộ khí hậu" sản xuất, vì điều này sẽ vi phạm vào quy định của WTO về chống phân biệt đối xử.

Chưa kể, nếu kéo dài thời hạn, các cuộc đàm phán sẽ kéo dài sang năm bầu cử 2024 đầy kịch liệt, khiến cho việc đạt được một thỏa thuận trở nên khó khăn hơn, thêm vào đó là nguy cơ duy trì chính sách thuế quan trong Mục 232.

EU cũng tổ chức bầu cử quốc hội vào năm 2024. Điều này có thể làm thay đổi tâm lý thương mại.

Người phát ngôn của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã từ chối bình luận về cuộc đàm phán.

Ủy ban Châu Âu nói rằng cả hai bên đều cam kết phải đạt được một thỏa thuận đầy tham vọng vào tháng 10, và rằng phía EU đã tham gia đầy đủ.

Vào hôm 6/9, Giám đốc thương mại EU Valdis Dombrovskis phát biểu: “Đó là thời hạn mà chúng tôi nhắm đến, và tôi nghĩ vẫn có thể thực hiện được trước thời hạn đó”. Ông cho biết thêm, việc loại bỏ vĩnh viễn chính sách thuế quan trong Mục 232 của Mỹ có ý nghĩa rất quan trọng đối với EU.

Vì sao Nam Sudan hoãn thâu tóm các mỏ dầu do Trung Quốc điều hành?Vì sao Nam Sudan hoãn thâu tóm các mỏ dầu do Trung Quốc điều hành?
Trung Quốc có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường LNGTrung Quốc có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng của thị trường LNG
Gazprom chuyển lô hàng LNG đầu tiên tới Trung Quốc qua Bắc CựcGazprom chuyển lô hàng LNG đầu tiên tới Trung Quốc qua Bắc Cực
Vì sao doanh nghiệp phương Tây di chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ?Vì sao doanh nghiệp phương Tây di chuyển từ Trung Quốc sang Ấn Độ?

Ngọc Duyên

AFP