Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển

09:00 | 23/06/2022

7,872 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại tọa đàm “Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành Dầu khí phát triển” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 13-6-2022, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia khẳng định: Sửa đổi Luật Dầu khí là hết sức cần thiết để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển

TS Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Đa dạng hóa cách thức ưu đãi đầu tư

Trong dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi lần này đã bổ sung một chương quy định về điều tra cơ bản, trong đó nêu rõ: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động điều tra cơ bản và Nhà nước cung cấp ngân sách một phần. Nhưng nếu thiết kế chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của luật này thì mới chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, có nghĩa hoạt động điều tra cơ bản chưa nằm trong phạm vi của chính sách ưu đãi đầu tư.

Chúng ta có áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho cả hoạt động điều tra cơ bản không? Nếu không, có thể phải có chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể cho hoạt động điều tra cơ bản, có thể là một phần hoặc có các chính sách mới.

Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển
Toành cảnh hội đàm

Hoặc, dự thảo luật đưa vào cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt do Chính phủ quyết định. Đây là tiền đề, là nền tảng cho việc xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư mang tính chất cạnh tranh nhưng bảo đảm bí mật. Tuy nhiên, cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt này nên quy định thêm một số nguyên tắc để Chính phủ có căn cứ quyết định tránh rủi ro và không xảy ra sự lạm dụng, hạn chế.

Vì vậy, nên đa dạng hóa các biện pháp, cách thức ưu đãi đầu tư thay vì chỉ đơn thuần là giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Trên thế giới, có một cơ chế gọi là ưu đãi đầu tư dựa trên chi phí, nhằm đạt được hai mục tiêu: Vừa tạo ra lợi ích cho nhà đầu tư đủ để thu hút, lại vừa có thể giúp quốc gia đó thúc đẩy hoạt động đầu tư vào lĩnh vực mà Chính phủ mong muốn. Ví dụ như thúc đẩy bảo vệ môi trường, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đầu tư, thúc đẩy về việc đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển
Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển

Ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than - Bộ Công Thương: Sớm ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi)

Với những đóng góp thời gian qua, có thể nói ngành Dầu khí chính là ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo đảm tăng trưởng kinh tế của đất nước nhanh và bền vững, cũng như bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển, đồng thời có những đóng góp quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển.

Theo đánh giá, đến nay, tổng trữ lượng dầu khí đã phát hiện trên thềm lục địa Việt Nam vào khoảng trên 1,5 tỉ m3 quy dầu. Trữ lượng dầu khí có thể thu hồi còn lại khoảng 800 triệu m3 quy dầu (trong đó khoảng 300 triệu m3 dầu và 500 triệu m3 khí). Tuy nhiên việc khai thác nguồn tài nguyên này ngày càng khó khăn do các mỏ nằm ở vùng nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp.

Với nguồn lực lớn đã được đầu tư thời gian qua (vốn, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị công nghệ, con người, trình độ quản lý...) và tiềm năng dầu khí đã phát hiện, ngành Dầu khí còn nhiều dư địa phát triển để có thể đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Song để phát huy tiềm năng, thế mạnh của ngành Dầu khí trong tình hình mới, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, trước mắt là sớm ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) là đòn bẩy quan trọng cho ngành Dầu khí phát triển.

Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển

TS Nguyễn Quốc Thập - Phó chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Luật Dầu khí cần tích hợp với nhiều luật

Luật Dầu khí ra đời năm 1993, sửa đổi lần đầu năm 2000, lần thứ hai năm 2008 đã góp phần giúp cho hoạt động ngành Dầu khí phù hợp với khung pháp lý.

Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện Luật Dầu khí bởi:

Thứ nhất, một số luật ra đời sau như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đều có sự chồng chéo, nếu không xử lý kịp thời, ngành Dầu khí sẽ phải đối mặt với sự giảm hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư, bởi vùng hoạt động đang bị thu hẹp dần.

Thứ hai, tiềm năng dầu khí vẫn được khẳng định nhưng chưa đạt mức như kỳ vọng. Các dự án phát triển theo chuỗi đang gặp khó khăn, bởi phải tích hợp nhiều khung pháp lý, tích hợp rất nhiều luật, dẫn đến sự chậm trễ không mong muốn.

Thứ ba, sản lượng dầu đang suy giảm, nhưng chưa có cách sớm đưa các mỏ nhỏ, mỏ cận biên vào khai thác để bù đắp cho sự suy giảm đáng kể về sản lượng. Đó là những điểm nghẽn mà chúng ta đang phải đối mặt.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, không nên để là Luật Dầu khí (sửa đổi) mà là Luật Dầu khí năm 2022, bởi Luật Dầu khí cần tích hợp với tất cả các luật, làm sao giúp cho hoạt động dầu khí đạt được yêu cầu như mong đợi.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã 8 lần điều chỉnh, trong 6 nhóm chính sách, phần nào đáp ứng được mục tiêu ưu đãi, thu hút, loại bỏ nhiều rào cản cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, dự thảo luật mới chỉ đáp ứng được các tình huống tĩnh, còn các tình huống linh hoạt thì chưa đạt.

Định nghĩa về khuyến khích đầu tư rất ổn, nhưng ở góc độ triển khai hoạt động thì chưa đủ. Ví dụ, trường hợp nhà đầu tư vào ký kết hợp đồng dầu khí, sau khi triển khai giai đoạn 1, đến giai đoạn 2 thì phát hiện mỏ có trữ lượng ít, nghĩa là điều kiện ban đầu của hợp đồng không đủ hấp dẫn để nhà đầu tư tiếp tục đầu tư khai thác, có được xem xét để điều chỉnh sang dạng đặc biệt khuyến khích hay không? Chúng tôi mong muốn luật sửa đổi lần này phải có khung mở hơn, phải có khung cụ thể cho từng đối tượng cụ thể mới đáp ứng được mong muốn “đánh thức” hết tiềm năng về tài nguyên, nhà đầu tư mới sẵn sàng để bỏ tiền thêm vào.

Về phân cấp phân quyền, chúng tôi đề xuất: Thủ tướng ký quyết định những dự án 3-5 tỉ USD, Bộ trưởng Bộ Công Thương có quyền ký quyết định những dự án 1-3 tỉ USD, còn những dự án dưới 1 tỉ USD thuộc về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển
Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành dầu khí phát triển

TS Nguyễn Minh Phong: “Đường ray” cho hoạt động dầu khí đi đúng hướng

Có thể xem Luật Dầu khí, về nguyên tắc, là một “đường ray”, tạo khuôn khổ, thể chế, tạo ra môi trường đầu tư cho các hoạt động dầu khí. Do đó, việc hoàn thiện Luật Dầu khí là cực kỳ quan trọng để bảo đảm “đường ray” luôn luôn đúng hướng, vững chắc, hạn chế những rủi ro, lệch lạc. Đây chính là ý nghĩa của việc hoàn thiện Luật Dầu khí. Điều này đòi hỏi luật phải luôn luôn được làm mới, cập nhật thường xuyên để phát huy vai trò định hướng phát triển. Tiếp nữa, Luật Dầu khí còn thể hiện tầm nhìn, yêu cầu quốc gia về dầu khí và chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Đây được coi là mục tiêu quốc gia, quyết tâm chính trị của chúng ta.

Một đặc điểm nữa, Luật Dầu khí xuất hiện trễ hơn các luật khác, hoàn thiện trễ hơn so với cuộc sống. Thực tế, Luật Dầu khí còn trễ hơn so với những luật mới được xây dựng gần đây.

Với những đặc điểm đó, sự điều chỉnh, sửa đổi, hoàn thiện Luật Dầu khí nhằm bảo đảm sự tương thích, vừa phù hợp với thực tiễn mới, bảo đảm tính hiệu quả, tính thực tiễn của luật, vừa phù hợp với các luật mới ra đời, là yêu cầu tất yếu.

Việc hoàn thiện Luật Dầu khí là cần thiết. Tuy nhiên, từ năm 1981 đến nay, chúng ta có 108 hợp đồng dầu khí, thực tế hiện nay chỉ còn 50 hợp đồng đang còn hiệu lực, trong đó có một số hợp đồng “ngủ đông”. Trong 7 năm qua, ngành Dầu khí Việt Nam chỉ có 3 hợp đồng mới. Như vậy, nếu không được quan tâm đúng mức, ngành Dầu khí sẽ bị hao mòn. Bởi vậy, việc hoàn thành Luật Dầu khí để thu hút đầu tư mới, khắc phục những hạn chế là vô cùng cần thiết.

Nếu so với các ngành khác, rủi ro của ngành Dầu khí gấp nhiều lần. Về kỹ thuật, dầu ở dưới sâu, soi, thăm dò chưa chắc đã đúng vị trí túi dầu, rủi ro kỹ thuật bao gồm có hay không có dầu. Không có dầu là mất hết tiền đầu tư. Khi thăm dò gặp trục trặc kỹ thuật có thể gây tai nạn và thảm họa. Sau nữa là rủi ro về thị trường và rủi ro về thời tiết, thiên tai cực đoan trên biển.

Bởi vậy những ưu đãi cho ngành Dầu khí là cần thiết nhằm tạo ra sự định hướng, sự hấp dẫn cho các dự án, các nhà đầu tư tăng quyết tâm đầu tư. Những ưu đãi hiện nay đã phù hợp với một số rủi ro. Tuy nhiên, khi xuất hiện những rủi ro mới, đặc biệt rủi ro về địa chính trị, rất cần sửa đổi luật để có những ưu đãi mới, giảm rủi ro cho ngành Dầu khí.

Minh Châu - Hiền Anh

Cần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địaCần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Xây dựng phương án tối ưu nhấtDự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Xây dựng phương án tối ưu nhất
Sửa Luật dầu khí để ngành dầu khí lớn mạnhSửa Luật dầu khí để ngành dầu khí lớn mạnh
Hôm nay 15/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)Hôm nay 15/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)
Toàn văn phát biểu của Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại hội trường Quốc hộiToàn văn phát biểu của Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội
Thống nhất tháo gỡ những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đầu tư dầu khíThống nhất tháo gỡ những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đầu tư dầu khí
Sửa đổi Luật Dầu khí nhu cầu cấp thiết và quan trọngSửa đổi Luật Dầu khí nhu cầu cấp thiết và quan trọng
[PetrotimesTV] Quốc hội thảo luận Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)[PetrotimesTV] Quốc hội thảo luận Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc