Doanh nghiệp nhà nước

Hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực

07:00 | 05/01/2019

442 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhận xét về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), nhiều ý kiến cho rằng, với nguồn lực vốn, tài sản, con người hiện có, DNNN phát triển chưa xứng tầm. Nguyên nhân do đâu? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Trung - Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - để làm rõ một số vấn đề xung quanh thực trạng đó.

PV: Vai trò của DNNN trong nền kinh tế hiện nay như thế nào, thưa ông?

hieu qua chua tuong xung voi nguon luc
Ông Phạm Đức Trung

Ông Phạm Đức Trung: Cùng với quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân và thu hút vốn FDI, số DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và có cổ phần chi phối ngày càng giảm. Trong hệ thống DN chính thức đăng ký ở Việt Nam năm 2017, DNNN chỉ còn chiếm 0,5% số lượng DN, 9% lao động, 29% tổng tài sản, 16% doanh thu, 27% lợi nhuận trước thuế… DNNN đóng góp khoảng 28% GDP hằng năm.

Trong một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, DNNN có vị thế khá cao: Về quy mô vốn, DNNN nắm giữ 79% trong lĩnh vực khai khoáng, 91% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, 65% trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải, 80% trong lĩnh vực thông tin truyền thông… Về doanh thu, DNNN chiếm 86% trong lĩnh vực khai khoáng, 96,8% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, gần 73% trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải… Một số DNNN như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) là những DN tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước lớn nhất.

PV: Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa xứng với nguồn lực mà các DNNN được đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Đức Trung: So với mục tiêu đã được đề ra tại Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII, Nghị quyết số 24 của Quốc hội…, theo tôi, nhìn chung hoạt động của DNNN chưa đáp ứng yêu cầu về nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Đầu tư và chất lượng tăng trưởng rất mâu thuẫn với nhau khi số lượng DNNN giảm trong hệ thống DN nhưng tổng giá trị vốn và tài sản Nhà nước đầu tư cho các DNNN vẫn tiếp tục được “rót” nhiều vào các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đầu tư và chất lượng tăng trưởng rất mâu thuẫn với nhau khi số lượng DNNN giảm trong hệ thống DN nhưng tổng giá trị vốn và tài sản Nhà nước đầu tư cho các DNNN vẫn tiếp tục được “rót” nhiều vào các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đúng ra, kết quả phải tỷ lệ thuận với đầu tư nhưng ngược lại, tốc độ tăng doanh thu của DNNN có xu hướng chậm hơn tốc độ tăng nguồn vốn kinh doanh và cũng chậm hơn tốc độ tăng doanh thu của DN ngoài Nhà nước và DN FDI. Đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh) không tương xứng, hiệu quả không cao. Chẳng hạn, năm 2017, DNNN chiếm 29% nguồn vốn kinh doanh, nhưng chỉ tạo ra 16% doanh thu thuần. Như vậy, để tạo ra 1 đồng giá trị gia tăng, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn DN FDI và DN tư nhân trong nước.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, DNNN có đặc điểm là thâm dụng vốn, thâm dụng đất đai. DNNN đang sử dụng một khối lượng lớn đất đai có giá trị cao, nhưng nguồn tài nguyên này lại chưa được hạch toán đầy đủ nên làm giảm hiệu quả sử dụng.

PV: Ông có thể minh chứng cụ thể hơn?

Ông Phạm Đức Trung: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2017, tỷ suất lợi nhuận trên vốn của DN Việt Nam nói chung đạt 3,99%, DNNN 6,62%, DN FDI 6,68% và DN ngoài Nhà nước 1,88%. DNNN có năng suất lao động theo giá trị gia tăng đạt 243 triệu đồng/người, DN ngoài Nhà nước 109 triệu đồng/người và DN FDI 156 triệu đồng/người. Nếu tính năng suất lao động theo doanh thu, DNNN đạt 938 triệu đồng/người, DN ngoài Nhà nước 720 triệu đồng/người và DN FDI 595 triệu đồng/người...

hieu qua chua tuong xung voi nguon luc

Tuy nhiên, số liệu bình quân nêu trên chưa thể phản ánh đúng và đầy đủ hiệu quả kinh doanh của phần lớn DNNN. Bởi trên thực tế, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài DN lớn. Như 3 tập đoàn PVN, EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và Viettel cùng nhau tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% số nộp ngân sách của các DN 100% vốn Nhà nước. Còn lại, các DNNN chỉ có hiệu quả kinh tế rất thấp so với mức đầu tư, đặc biệt ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo… Hằng năm, tỷ lệ DN thua lỗ của DNNN không giảm, luôn có 20% DN không có lợi nhuận. Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều DNNN chưa bảo đảm các yêu cầu an toàn tài chính, nợ nhiều, có nguy cơ đổ vỡ...

PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đó?

Ông Phạm Đức Trung: Nguyên nhân xuất phát từ hoàn cảnh khách quan và chủ quan.

Về khách quan, do suy thoái kinh tế trên thế giới, đặc biệt trong giai đoạn 2008-2013, dẫn đến bất lợi về thị trường.

Về chủ quan, chủ yếu do năng lực, trình độ quản lý, quản trị của DNNN yếu, đặc biệt là về tính dự báo, đánh giá nhu cầu thị trường, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư, trình độ quản lý và triển khai dự án của các DN… Ngay trong thời đại CMCN 4.0 hiện nay, trong khi thế giới đang sôi sùng sục triển khai trên mọi mặt của đời sống thì nhiều DNNN Việt Nam lại chưa sẵn sàng. Kết quả điều tra của Trung tâm Phân tích và Dự báo của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng Bộ Công Thương thực hiện cho thấy, chỉ có gần 29% DNNN đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây, hơn 22% DNNN mới có kế hoạch áp dụng và có tới 49% DNNN không có kế hoạch vì cho rằng quá trình sản xuất, kinh doanh không liên quan đến công nghệ này; có gần 50% DNNN chưa sẵn sàng với các ứng dụng cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu lớn…

Sự bất cập của thể chế, cơ chế quản lý đã tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, thao túng hoạt động của DNNN, tham nhũng, lãng phí, không rõ ràng về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, quyền hạn chưa gắn với trách nhiệm trong quản trị, điều hành, thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực…

Đặc biệt, sự bất cập của thể chế, cơ chế quản lý đã tạo kẽ hở để hình thành nhóm lợi ích, thao túng hoạt động của DNNN, tham nhũng, lãng phí, không rõ ràng về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, quyền hạn chưa gắn với trách nhiệm trong quản trị, điều hành, thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực…

Cụ thể, cơ chế hiện tại chưa tạo đủ áp lực và động lực để người quản lý DNNN tối đa hóa giá trị tài sản, tiết kiệm chi phí và thường không đủ cẩn trọng để đưa ra các quyết định đầu tư tối ưu nhất, thậm chí còn lạm dụng để chi tiêu, trục lợi từ tài sản Nhà nước. Có trường hợp thực hiện đầu tư bằng mọi giá, bất chấp hiệu quả đầu tư để tư lợi. Nhiều sai phạm trong các vụ án kinh tế vừa qua đã cho thấy thực trạng mua sắm tài sản cũ nát, công nghệ lạc hậu với giá trị thanh toán gấp nhiều lần giá trị thực nhằm thu lợi bất chính thông qua các thỏa thuận hoặc thông đồng với đối tác cung cấp nước ngoài…

Một điểm nữa cần nói đến là hệ thống giám sát, quản lý không theo kịp yêu cầu thực tiễn, thiếu hiệu lực và kém hiệu quả, thậm chí bị vô hiệu hóa, dẫn tới không ngăn ngừa và cảnh báo được các nguy cơ làm DNNN bị thua lỗ, mất vốn Nhà nước.

PV: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN đồng thời giải quyết những tồn tại trên, theo ông cần những giải pháp gì?

Ông Phạm Đức Trung: Trước hết về thể chế, chúng ta phải tập trung hoàn thành mục tiêu áp dụng thông lệ quản trị DN quốc tế đối với DNNN. Với quy mô, lợi thế, vai trò và giá trị nguồn lực hiện có, cần gia tăng trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý tài sản Nhà nước đầu tư trong kinh doanh đối với các cơ quan đại diện chủ sở hữu và DN, trước hết là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN.

Từ nay đến năm 2025, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước cần áp dụng cơ chế quản trị và công cụ quản lý kinh doanh hiện đại để giám sát chặt chẽ, hiệu quả, nắm được thông tin tài chính hằng ngày, hằng giờ của từng DN trực thuộc để đưa ra những quyết định phù hợp, cảnh báo rủi ro kịp thời; đưa các công nghệ điển hình của CMCN 4.0 vào quản lý DNNN; đầu tư xây dựng và vận hành trung tâm thông tin quản lý và giám sát từng danh mục đầu tư, nhất là thông qua hệ thống thông tin quản lý trực tuyến kết nối với từng DN trực thuộc. Cần vận hành và “số hóa” hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả các chỉ tiêu giao cho DN thực hiện. Trên cơ sở đó, thực hiện chế độ thưởng - phạt với từng DN, từng người quản lý do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước bổ nhiệm hoặc ủy quyền…

Chúng ta cũng phải sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty. Các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước cần rà soát, sửa đổi, ban hành quy chế/cơ chế nội bộ về mối quan hệ giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu với DN, trong đó xác định rõ vị trí, trách nhiệm của từng thành viên hội đồng thành viên, chế độ báo cáo, cách thức giám sát…

PV: Còn về thể chế thì sao, thưa ông?

Ông Phạm Đức Trung: Theo tôi, từ năm 2020, nên chuyển toàn bộ các DNNN thành công ty cổ phần theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, đồng thời mở rộng tối đa diện DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần nắm giữ cổ phần. Cần tính đủ chi phí của DNNN kể cả quyền sử dụng đất và các lợi thế kinh doanh của DNNN. Khẩn trương tách hoàn toàn đội ngũ cán bộ quản lý DNNN ra khỏi chế độ công chức, viên chức Nhà nước, thực hiện chế độ hợp đồng lao động với tất cả các chức danh điều hành DN. Thực hiện trả lương, thưởng theo thỏa thuận đối với tổng giám đốc và bộ máy điều hành, không hạn chế tối đa quyền lực, thực sự gắn với hiệu quả và năng suất lao động.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

***

Ông Nguyễn Hồng Long - Phó trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN: Đánh giá về DNNN cần khách quan

PV: Nhiều người thường đánh giá DNNN hoạt động kém hiệu quả. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

hieu qua chua tuong xung voi nguon luc

Ông Nguyễn Hồng Long: Theo tôi, đánh giá về DNNN cần phải khách quan, đặt trong bối cảnh từng thời kỳ cụ thể của đất nước. Về tổng quát, có thể đánh giá, DNNN mặc dù giảm rất mạnh về số lượng, nhưng vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng có tiềm lực mạnh về tài chính, thương hiệu, trình độ công nghệ…

PV: Nhưng rất nhiều vụ việc tham nhũng, đầu tư không hiệu quả đều ở khu vực DNNN, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Long: Đúng là có không ít DNNN hoạt động kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, thậm chí mất vốn, đặc biệt là 12 “đại dự án ngàn tỉ”. Cũng không thể phủ nhận còn một số cán bộ quản lý DNNN vi phạm pháp luật, tham nhũng, làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước, làm giảm uy tín, tạo hình ảnh xấu về mô hình kinh tế này. Tuy nhiên, các hạn chế và một số vụ việc vi phạm pháp luật trong thời gian qua đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, kết luận, xử lý. Nhiều DNNN kinh doanh thua lỗ, đứng trên bờ vực giải thể, phá sản đã hoạt động trở lại, một số DNNN đã kinh doanh có lãi, khắc phục được hạn chế, yếu kém, trong đó có một số dự án trong 12 “đại dự án ngàn tỉ”.

PV: Cũng không thể phủ nhận hiệu quả hoạt động của DNNN thấp hơn nhiều so với DN FDI?

Ông Nguyễn Hồng Long: Đây cũng là lý do khiến dư luận xã hội và nhiều chuyên gia kinh tế hoài nghi về mô hình DNNN. Nhưng để đánh giá khách quan thì phải nói DNNN chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế chứ không hẳn không mang lại hiệu quả kinh tế.

Nếu như với DN tư nhân và DN FDI, mục tiêu duy nhất là lợi nhuận, thì DNNN phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, tham gia ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với biến động của thị trường, thực hiện các chính sách an sinh xã hội...

PV: Theo ông, vì sao hiệu quả của DNNN vẫn chưa tương xứng với lợi thế?

Ông Nguyễn Hồng Long: So sánh hiệu quả hoạt động giữa các khu vực DN rất khó, vì có nhiều tiêu thức so sánh khác nhau như lợi nhuận, doanh thu, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, tạo việc làm ổn định và thu nhập cho người lao động… Hơn nữa, mặt bằng so sánh giữa DNNN và 2 khu vực còn lại không đồng nhất. Nếu như với DN tư nhân và DN FDI, mục tiêu duy nhất là lợi nhuận, thì DNNN phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, tham gia ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với biến động của thị trường, thực hiện các chính sách an sinh xã hội... Ví dụ, nếu không có DNNN, thì ai mang xăng dầu lên vùng sâu, vùng xa, khu vực đặc biệt khó khăn vì bán xăng dầu ở những khu vực này chắc chắn là lỗ. Nếu không có EVN thì ai kéo đường dây điện vào bản làng xa xôi, hẻo lánh, vì phải mất cả trăm năm cũng chưa khấu hao hết vốn đầu tư. Chính DNNN cũng muốn tách bạch hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích. Chẳng hạn, việc mang xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu, kéo điện, phủ sóng điện thoại, Internet ở vùng sâu, vùng xa… thì Nhà nước phải bỏ tiền ra làm, không giao “nhiệm vụ chính trị” cho DNNN mà tổ chức đấu thầu, mọi thành phần kinh tế đều được tham gia.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tú Anh

hieu qua chua tuong xung voi nguon lucGiải pháp thúc đẩy quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DNNN trong bối cảnh toàn cầu hóa
hieu qua chua tuong xung voi nguon lucTìm lại sức mạnh cho Doanh nghiệp nhà nước (Bài 4)
hieu qua chua tuong xung voi nguon lucTìm lại sức mạnh cho Doanh nghiệp nhà nước (Bài 3)
hieu qua chua tuong xung voi nguon lucTìm lại sức mạnh cho Doanh nghiệp nhà nước (Bài 2)
hieu qua chua tuong xung voi nguon lucTìm lại sức mạnh cho doanh nghiệp nhà nước (Bài 1)