Giải pháp thúc đẩy quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DNNN trong bối cảnh toàn cầu hóa

15:20 | 30/11/2018

1,688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Khách, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia tại diễn đàn “Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong bối cảnh toàn cầu hóa” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức ngày 30/11, tại Hà Nội.  

Chia sẻ tại diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khách cho biết, nếu như năm 2000, cả nước có khoảng 5.700 DNNN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo số liệu của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tính đến quý III/2018, cả nước còn 672 DNNN, số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hoạt động trong 11 ngành, lĩnh vực then chốt thay vì 60 ngành, lĩnh vực như thời điểm năm 2001.

giai phap thuc day quan tri su thay doi va tai cau truc dnnn trong boi canh toan cau hoa
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khách, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chia sẻ tại diễn đàn

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khách, vai trò và vị trí của DNNN trong nền kinh tế Việt Nam trước hết được xác định và định hướng bởi chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế nhà nước và sắp xếp, đổi mới, phát triển DNNN. Vai trò của DNNN gắn với việc tham gia vào hoạt động kinh tế của Nhà nước thể hiện trên ba khía cạnh: kinh tế, chính trị, xã hội. Đó là công cụ chủ yếu tạo ra sức mạnh vật chất để Nhà nước giữ vững sự ổn định xã hội, điều tiết và hướng dẫn nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mở đường hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển nhanh của toàn bộ nền kinh tế; đảm nhận các lĩnh vực hoạt động có tính chiến lược đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Cung ứng các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện nước, thông tin liên lạc), xã hội (giáo dục, y tế) và an ninh, quốc phòng.

Là lực lượng xung kích tạo ra sự thay đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là lực lượng đối trọng trong cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, chống sự phụ thuộc vào nước ngoài về kinh tế trong điều kiện mở của hội nhập với khu vực và thế giới.

Nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra và thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình cải cách DNNN trong bối cảnh toàn cầu hóa, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khách đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc DNNN đó là: Đối với DNNN nói chung: Thực hiện việc tách biệt chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, thông qua hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập) thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng.

Xây dựng hệ thống quản trị DNNN tiệm cận thông lệ quốc tế, cụ thể là các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp hiện đại của OECD, từng bước áp dụng cho các DNNN đã cổ phần hóa, DNNN nói chung; các Bộ, ngành cần khẩn trương chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nâng cao tính minh bạch và năng lực giám sát DNNN: Nhà nước cần xây dựng và công khai hóa chiến lược, chính sách đầu tư tại các DNNN. Minh bạch hóa thông tin hằng năm về đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, danh sách và số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước; mức độ đầu tư, hiệu quả đầu tư; hiệu quả kinh doanh của các DNNN...

Thể chế hóa công tác giám sát, đánh giá DNNN bằng quy định pháp luật. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước, các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả vốn đầu tư nhà nước cả về định tính và định lượng, các tiêu chí đánh giá, giám sát rủi ro tài chính và quản trị doanh nghiệp nhà nước theo cấp độ công ty mẹ và cả tập đoàn.

giai phap thuc day quan tri su thay doi va tai cau truc dnnn trong boi canh toan cau hoa
Toàn cảnh diễn đàn

Thiết lập hệ thống thông tin quản lý vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp tầm quốc gia; áp dụng nghiêm các chế tài xử phạt đối với các DNNN không tuân thủ các quy định về công bố thông tin, gắn việc tuân thủ yêu cầu công bố thông tin với trách nhiệm người đứng đầu, người đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước.

Chấp hành nghiêm túc sự giám sát của Quốc hội về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các DNNN; xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, mô tả công việc và quy trình lựa chọn, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, cán bộ quản lý doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng quản trị, điều hành tại các DNNN: Xem xét áp dụng các quy định như: Chủ tịch HĐQT không đồng thời kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc điều hành; bổ nhiệm thành viên HĐQT độc lập có đủ điều kiện về chuyên môn và thực sự độc lập trong mối quan hệ với công ty; nâng cao tính độc lập, chuyên nghiệp và năng lực chuyên môn của Ban Kiểm soát, yêu cầu các DNNN bổ nhiệm chuyên gia độc lập bên ngoài làm thành viên Ban Kiểm soát, có trình độ nghề nghiệp cao và giàu kinh nghiệm thực tế.

Về các giải pháp đối với các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện bàn giao các tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện được bàn giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thực hiện nghiêm túc việc phối hợp với cơ quan chuyển giao, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để hoàn thiện công tác chuyển giao, không để ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty.

Các giải pháp đối với DNNN mới cổ phần hóa: Thực hiện có hiệu quả các giải pháp như trên đối với DNNN nói chung: các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Yêu cầu các DNNN đã cổ phần hóa phải nghiêm túc thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thực hiện các yêu cầu công bố thông tin đối với các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư lớn trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư chiến lược tham gia sâu vào quá trình quản trị doanh nghiệp, tái cấu trúc doanh nghiệp; và có chính sách tuyển dụng theo cơ chế thị trường, chính sách đãi ngộ phù hợp để có thể tuyển dụng và giữ được các nhân sự cấp cao, nhân sự có chuyên môn.

Nguyễn Hoan

giai phap thuc day quan tri su thay doi va tai cau truc dnnn trong boi canh toan cau hoaHoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước
giai phap thuc day quan tri su thay doi va tai cau truc dnnn trong boi canh toan cau hoaLao động doanh nghiệp Nhà nước: "Đông, yếu, bộ máy cồng kềnh"
giai phap thuc day quan tri su thay doi va tai cau truc dnnn trong boi canh toan cau hoaXây dựng Uỷ ban Quản lý vốn để xoá bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”
giai phap thuc day quan tri su thay doi va tai cau truc dnnn trong boi canh toan cau hoaCổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: “Không ồ ạt mà nên khôn ngoan”