Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước

11:01 | 23/11/2018

702 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phát biểu tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày 21/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các bộ, ngành cần chủ động cùng các DNNN đề xuất, hoàn thiện thể chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như tăng cường quyền tự chủ của doanh nghiệp, các vấn đề trong đầu tư phát triển, sử dụng vốn, xử lý vấn đề liên quan đến đất đai…

DNNN đã hoạt động thực chất

Theo Phó Thủ tướng, cần khẳng định DNNN có vai trò đặc biệt quan trọng, là công cụ kinh tế của nhà nước để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đối phó với các biến động của thị trường, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Các DNNN đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ thống kết nối hạ tầng kinh tế xã hội, thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Ví dụ như các doanh nghiệp ngành điện lực, xăng dầu vừa phải đảm bảo kinh doanh vừa phải đảm bảo ổn định giá.

Hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Hữu Thọ

Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của DNNN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng bền vững, trong đó có tái cấu trúc các DNNN, mà trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

“DNNN thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, số lượng doanh nghiệp đang được thu gọn lại, đã tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cơ chế hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã có những đổi mới theo hướng tự chủ nhiều hơn, cạnh tranh bình đẳng hơn, tính công khai minh bạch được đề cao hơn. DNNN đã hoạt động thực chất, hiệu quả hơn và bền vững hơn tuy rằng còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao” - Phó Thủ tướng đánh giá.

Bên cạnh đó, công tác quản lý doanh nghiệp đã phù hợp hơn với kinh tế thị trường, đã tách riêng quyền đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp với quyền quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật cũng như tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành kinh tế trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển ngành cũng như quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, công tác tái cấu trúc DNNN cũng còn những bất cập, hạn chế cần tập trung khắc phục. Trước hết là thể chế liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng còn nhiều bất cập. Chiến lược phát triển của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chưa rõ, chất lượng đề án tái cấu trúc chưa cao.

“Việc lựa chọn sản phẩm chủ yếu, cơ cấu đầu tư, huy động nguồn lực còn lúng túng, năng lực tài chính của các DNNN nói chung còn hạn chế, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp kể cả hiệu quả đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Cùng một dự án như nhau nhưng DNNN đầu tư tốn nhiều tiền hơn so với doanh nghiệp không phải nhà nước” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận xét.

3 nhiệm vụ chính

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, thứ nhất cần nâng cao tiềm lực của DNNN, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và nâng cao sức cạnh tranh của DNNN, đáp ứng yêu cầu DNNN là một công cụ kinh tế của Nhà nước.

Theo đó, trước mắt cần rà soát lại tất cả các đề án tái cấu trúc của các DNNN để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp với những yêu cầu mới, gắn tái cấu trúc DNNN với yêu cầu thị trường trong nước và thế giới, gắn với các tác động do chính sách bảo hộ hiện nay đang diễn biến phức tạp, gắn với việc nâng cấp công nghệ, đặc biệt đảm bảo thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong tái cấu trúc chú trọng tái cấu trúc đầu tư xây dựng và tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai, với các DNNN cần chủ động hợp tác với các đối tác lớn ở bên ngoài. Hiện nay khoảng trống ở Việt Nam còn mở rất lớn, nhu cầu đầu tư lớn và môi trường hoạt động cho doanh nghiệp còn nhiều. Trong khi đó doanh nghiệp nước ta còn bị động, do đó các doanh nghiệp phải chủ động liên doanh, liên kết với các tập đoàn hàng đầu trong nước và nước ngoài hợp tác đầu tư. Ví dụ như trong ngành năng lượng, tìm kiếm thăm dò khai thác chế biến dầu khí, phát triển các nguồn điện…

Thứ ba, các bộ, ngành cần chủ động cùng các DNNN đề xuất hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như tăng cường quyền tự chủ của doanh nghiệp, các vấn đề trong đầu tư phát triển, sử dụng vốn, xử lý vấn đề liên quan đến đất đai… Các bộ ngành kinh tế cần phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để xây dựng chiến lược phát triển của các doanh nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, lĩnh vực, quốc gia.

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm
"Sếp DNNN lương hàng tỷ đồng không quan trọng bằng làm ra bao nhiêu tiền"
Hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước
Gỡ nút thắt, định vị cơ chế quản lý DNNN
Giữ “mạch nguồn nuôi sống” nền kinh tế

T.M