Hiệp hội Vận tải làm được tích sự gì?
Taxi chờ đón khách trước cổng bến xe Mỹ Đình.
Thống kê từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, so với thời điểm tháng 7/2014, giá xăng dầu ở thời điểm hiện tại đã giảm hơn 4.000 đồng/lít (giảm khoảng 16,6%). Theo tính toán của giới chuyên gia, với mức giảm như vậy, giá cước vận tải hoàn toàn có thể giảm từ 6 – 8%. Và nếu mức giảm này được áp dụng, nó sẽ tạo ra những hiệu ứng hết sức tích cực đối với nền kinh tế, giá cả nhiều loại hàng hóa, tiêu dùng có thể giảm, qua đó kích thích tiêu dùng.
Không chỉ người dân mà cả nền kinh tế đang rất trông chờ vào sự điều chỉnh tất yếu đó. Tuy nhiên, trái hẳn với mọi kỳ vọng, giá cước vận tại đã không giảm, vẫn án binh bất động trước mức giảm giá có thể nói là chưa từng có của xăng dầu – nguyên liệu đầu vào, chiếm tới 40 – 50% chi phí vận tải.
Và rồi, để lý giải cho câu chuyện này, một loạt những lý do kiểu như doanh nghiệp cần thời gian để làm các thủ tục nọ, thủ tục kia, rồi thì phải đăng ký ở cơ quan này, cơ quan kia. Nhưng rõ ràng, đó chỉ là sự ngụy biện khi mới đây, Bộ Tài chính đã phải ra văn bản để nghị tổng kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp vận tải thực hiện rà soát, kê khai và đăng ký giá.
Sự phi lý, cái lý sự cùn của doanh nghiệp là vậy, họ vì lợi ích riêng mà quên đi lợi ích chung của nền kinh tế, của người dân. Đó chính là sự ích kỷ, tham làm, hay nói đúng hơn là sự vô đạo đức của người làm kinh doanh khi chính họ, khi xăng dầu vừa tăng giá thì lập tức đăng đàn lên tiếng đòi điều chỉnh tăng giá cước vận tải. Cái lý của họ đưa ra là nếu không tăng thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, có khi phải ngừng hoạt động, phá sản…
Nhưng đáng buồn hơn đó là cách hành xử của các Hiệp hội Vận tải. Họ thờ ơ với việc các hội viên không giảm giá cước dù giá xăng dầu giảm mạnh, nhưng rồi, cũng chính họ lại lên tiếng kêu gào, gây sức ép nọ kia lên các cơ quan nhà nước để điều chỉnh tăng giá cước vận tải mỗi dịp giá xăng dầu tăng.
Trao đổi với phóng viên PetroTimes, đại diện các Hiệp hội Vận tải đều lên tiếng khẳng định rằng, giá xăng dầu giảm thì giá cước vận tải chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải có thời gian vì doanh nghiệp phải làm rất nhiều thủ tục.
Và khi được hỏi, Hiệp hội đã có động thái như thế nào đối việc giá cước vận tải không chịu giảm, những vị này đều khẳng định, Hiệp hội không có quyền ra các văn bản mang tính mệnh lệnh hành chính, buộc doanh nghiệp phải giảm giá cước xăng dầu. Hiệp hội chỉ có thể ra các văn bản mang tính kêu gọi, động viên doanh nghiệp là hội viên tính toán, điều chỉnh giá cước.
Các Hiệp hội vận tải đang tồn tại theo cách như thế, chỉ biết kêu gào đòi hỏi quyền lợi nọ kia cho các hội viên nhưng lại quên đi quyền lợi của người dân, của nền kinh tế. Trong khi đó, theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội thì hội được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…
Chức năng và nhiệm vụ của hội là vậy, không chỉ bảo về quyền lợi, lợi ích hợp phá của hội, hội viên mà phải của cả cộng đồng, và cũng phải vì lợi ích chung của nền kinh tế. Nhưng thử hỏi, các Hiệp hội vận tải đã làm được gì cho cộng đồng, cho nền kinh tế? Rõ ràng câu trả lời là không khi đã qua 9 lần giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải không một lần được điều chỉnh, và kéo theo đó là những tác động tích cực từ việc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đã không diễn ra.
Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và để thoát ra khỏi giai đoạn đó, mọi ngành, mọi lĩnh vực đều phải có trách nhiệm. Ngành điện đã không tăng giá dù đúng ra nó phải được tăng. Ngành ngân hàng cũng điều chỉnh giảm lãi suất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn… Đó chính là những động thái hết sức tích cực góp phần từng bước đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thiết nghĩ, đã đến lúc, các doanh nghiệp vận tải phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, với nền kinh tế. Đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của chính mỗi doanh nghiệp. Còn đối với các Hiệp hội vận tải, họ cũng cần phải nhận thức được trách nhiệm, vai trò của mình đối với cộng đồng và với nền kinh tế. Và nếu không thực hiện được điều này - một trong những nguyên tắc cơ bản khi thành lập hội - thì có lẽ nên giải tán!
Thanh Ngọc
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay bật tăng
-
Giá vàng hôm nay (12/5): Tiếp tục duy trì ở mức cao
-
Giá dầu hôm nay (12/5): Dầu thô tăng trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 12/5: Nord Stream 2 trước những biến động mới
-
Thống nhất thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí