Hàn Quốc bùng nổ trường dạy Kpop

11:00 | 30/08/2013

3,738 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hình ảnh những ngôi sao “mắt hí” như Psy được cả thế giới biết đến chính là động lực lớn khiến cho thế hệ trẻ Hàn Quốc gần như sôi lên với giấc mơ được trở thành một phần của làn sóng Hallyu…

Kim Chae Young tham dự đều đặn lớp học 5 buổi tối một tuần. Nhưng không giống như hầu hết các thiếu niên Hàn Quốc đầu tư thời gian cho việc nâng cao môn Toán và tiếng Anh, Chae Young lại chú tâm vào tập luyện các bước nhảy cũng như lời nhạc pop. Theo cô bé 13 tuổi : “Em muốn trở thành một ngôi sao Kpop giống như Psy. Tất cả những giờ luyện tập của em tại đây là để thực hiện ước mơ đó.”

Trong suốt 4 năm qua Kim Chae Young đã theo học hip hop tại Def Dance Skool ở Seoul. Có hàng ngàn trường như vậy tại Hàn Quốc và mặc dù không có một con số chính thức được thống kê nhưng các quan chức xứ kim chi có chân trong ngành công nghiệp âm nhạc đều hé lộ rằng con số này đang gia tăng. Ngay cả đối với các trường dạy múa dân tộc tư nhân và trường múa vốn chỉ dạy nhạc cổ điển và ballet cũng đang bắt đầu mở cửa tuyển học viên cho các lớp nhạc pop. Đây nhìn chung chỉ là quy luật cung cầu tất yếu.

Sự thành công của Psy khiến giới trẻ Hàn Quốc càng thêm "cuồng" Kpop

Trong một khảo sát của Viện giáo dục và đào tạo Hàn Quốc vào cuối năm ngoái, nghệ sĩ trong ngành công nghiệp giải trí cùng với bác sĩ và giáo viên đều đứng đầu trong danh sách được lựa chọn nhiều nhất của học sinh ở cả 3 cấp về nghề nghiệp tương lai. Điều này trái ngược hẳn với quan niệm lúc trước khi xem ngành giải trí là một nghề thấp kém. Giờ đây, tại các trường đại học, khoa nhạc pop là một trong những chuyên ngành được “thèm muốn” nhất.

Theo ông Yang Sun Kyu, người đứng đầu trường dạy nhảy Def Dance Skool tại quận  Gangnam, Seoul: “Khi tôi mở ngôi trường này vào 11 năm trước, các bậc phụ huynh nhìn vào và cho rằng chỉ có bọn trẻ vị thành niên hư hỏng mới đến đây. Tuy nhiên giờ đây thái độ của họ đã thay đổi.” 

Đó là bởi vì ngày càng có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn cho giới trẻ hiện nay, không chỉ bó buộc bằng con đường học vị. Điển hình như các biểu tượng Hàn Quốc đã gây được tiếng vang trên toàn thế giới như vận động viên golf Se Ri Pak, vận động viên trượt băng Kim Yu Na… Và tất nhiên không hề thiếu “hiện tượng” Gangnam Style do ca sĩ Park Jae Sang (hay nghệ danh Psy) gây nên “cơn sốt” trên toàn thế giới. Một bài hát với điệu nhảy ngựa vui nhộn châm biếm cấu trúc xã hội cứng nhắc của  Hàn Quốc.

Girls' Generation - một trong những nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất Hàn Quốc

Với phương châm “nuôi dưỡng thế hệ Kpop tài năng tương lai”, trường Def Dance Skool hiện đang có 1000 học viên theo học, tăng 400 em kể từ năm 2006. Với từng mức phí khác nhau cho từng lớp, nhưng trung bình khoảng 135 USD/tháng với lịch học 2 hoặc 3 buổi tối một tuần. Mức học phí này tương đương với các trường luyện thi văn hóa hay còn được gọi là hagwon. Được biết một nửa số học viên tại Def Dance Skool đang cố gắng “chen chân” vào các công ty âm nhạc hàng đầu Hàn Quốc, nơi tuyển dụng và đào tạo các tài năng trẻ cho các nhóm nhạc Kpop.

Với sự “xâm chiếm” của Kpop trên toàn thế giới hiện nay thì hiện tượng trên không có gì lạ. Sự thành công mang tầm vóc quốc tế của các nhóm nhạc như Girls’ Generation, Super Junior, Big Bang… đã biến Hàn Quốc thành nơi “hành hương” của giới trẻ yêu nhạc trên khắp thế giới đến để tham gia các buổi ra mắt album, các buổi hòa nhạc, trao giải hoặc chỉ đơn giản là dạo quanh các con phố sầm uất tại Seoul.

Chỉ tính riêng ba “ông lớn” là SM Entertainment, YG Entertainment và JYP Entertainment, doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc này đã tăng đến 362.9 tỷ won vào năm ngoái so với 106.6 tỷ won hồi năm 2009. Sự tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ thị trường hải ngoại.

“Ở thời của tôi, tất cả mọi thứ chúng tôi quan tâm là học hành thật chăm chỉ. Nhưng ngày nay con em chúng ta có nhiều lựa chọn hơn.” Đó là lời bộc bạch của bà Lee Byeong Hwa, một bà mẹ 48 tuổi đang có cô con gái Kim En Jae  11 tuổi ôm giấc mộng trở thành ngôi sao Kpop.

Con gái bà Lee là một trong hai triệu thí sinh tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng Kpop mùa thứ 5 mới đây mang tên Superstar K. Ngoài Hàn Quốc, cuộc thi còn được tổ chức tại Mỹ và Canada. Woo Ji Won - một học sinh 18 tuổi cho biết đây là năm thứ ba em cố gắng vượt qua vòng thử giọng của cuộc thi này. Ji Won cho biết trong khi bạn bè cố nhồi nhét kiến thức cho kỳ thi đại học thì cô bé này lại dành thời gian đến trường dạy Kpop đều đặn suốt các buổi tối trong tuần. Tan học khi đã hơn 10 giờ tối, Ji Won về nhà và lại lao vào nghiên cứu các đoạn video Kpop trên youtube trong nhiều giờ nữa trước khi đi ngủ.

Hàng ngàn bạn trẻ Hàn Quốc sẵn sàng "bán mình" cho các công ty giải trí Hàn Quốc

Các nhà phân tích Kpop cho rằng Hàn Quốc là “cỗ máy” sản xuất âm nhạc điệu nghệ với các điệu nhảy hoàn toàn đồng bộ, giai điệu dễ lọt tai, trang phục bắt mắt cùng những gương mặt đẹp không tì vết nhưng dễ quên vì phần lớn là “sản phẩm” của các bác sĩ thẩm mỹ ở quận Gangnam.

Hong Dae Kwang, thí sinh xếp thứ 4 tại cuộc thi Superstar K vào năm ngoái chi sẻ: “Tất cả các thí sinh đều hát và nhảy tốt, tốt giống như những cỗ máy.” Chàng thanh niên 28 tuổi này cũng thừa nhận: “Kpop đã mở ra những cơ hội cho những người như tôi Trước khi giành được thứ hạng tại cuộc thi này, tôi phải ở chung một căn phòng thuê rẻ tiền với một người bạn và phải giao pizza cũng như biểu diễn trên đường phố để kiếm sống”.

 Giờ đây, Dae Kwang là khách mời thường xuyên cho một chương trình phát thanh địa phương, sống trong một căn hộ 3 phòng và có người đại diện của riêng mình.

Ha Ny