Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

21:23 | 14/05/2022

158 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 13/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2835-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Hà Nội là tỉnh thành đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ năm về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên. Trưởng ban Chỉ đạo là đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ban Nội chính Thành ủy là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

5 Phó trưởng ban Chỉ đạo gồm các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Quang Đức - Trưởng ban Nội chính Thành ủy (Phó Trưởng ban Thường trực); Vũ Đức Bảo - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Hoàng Trọng Quyết - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an thành phố.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhất trí với Tờ trình của Bộ Chính trị về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhất trí với Tờ trình của Bộ Chính trị về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo quyết định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện theo quy định của Ban Bí thư. Đồng thời thay thế và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”.

Trưởng ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo ban hành quy chế làm việc; quy định về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác. Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu riêng để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; kinh phí hoạt động do ngân sách thành phố cấp theo quy định.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ năm diễn ra từ ngày 4 đến ngày 10/5 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhất trí với Tờ trình của Bộ Chính trị về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là chủ trương có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Tính đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (gồm: Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa). Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

M.C

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc