Hà Nội quyết tâm không cắt giảm đầu tư công

18:55 | 11/04/2020

243 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với sự tác động nặng nề của dịch bệnh  Covid-19, ngân sách trên địa bàn Hà Nội có thể giảm 30-33 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách của TP có thể sụt giảm 10-12 nghìn tỷ đồng nhưng TP. Hà Nội quyết tâm không cắt giảm đầu tư công.    
ha noi quyet tam khong cat giam dau tu congBí thư Hà Nội: "Xuất hiện tâm lý chủ quan với dịch"
ha noi quyet tam khong cat giam dau tu congGần 11.000 người dân ở Hạ Lôi sẽ được xét nghiệm Covid-19
ha noi quyet tam khong cat giam dau tu congHà Nội: Miễn, giảm tiền thuê đất, thuê nhà do dịch Covid-19

Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh diễn ra ngày 10/4.

Theo thống kê, mặc dù khó khăn nhưng quý I, Thủ đô Hà Nội đã đạt tăng trưởng 3,72%. “Nếu như Hà Nội không bị thiệt hại nặng nề về nông nghiệp thì sẽ đạt tăng trưởng gần 4%. So với nhiều Thành phố có quy mô tương đương và có thiệt hại do dịch bệnh trong khu vực và thế giới… thì đây là mức tăng trưởng cao nhất”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhận định.

ha noi quyet tam khong cat giam dau tu cong
Hà Nội quyết tâm không cắt giảm đầu tư công.

Đồng thời ông cũng cho biết, một tín hiệu đáng mừng khác trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực đời sống là ngân sách quý I Hà Nội thu được 72.600 tỷ đồng, bằng 26% tổng dự toán.

Đề cập đến dư địa tăng trưởng, Bí Thư Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội đã rà soát, bình quân về nông nghiệp Hà Nội chỉ đạt 2-2,5% mỗi năm. Nhưng năm nay sẽ rà soát lại và quyết tâm sẽ đạt khoảng 4%, trên cơ sở đàn lợn tái đàn đưa lên 1,8 triệu con như lúc trước khi có dịch tả lợn châu Phi.

Đến đầu năm nay, Hà Nội đã chuyển 1.000 tỷ đồng vốn uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay giải quyết việc làm, thúc đẩy nông thôn phát triển cùng với các công trình hạ tầng khác sẽ đảm bảo Hà Nội đạt nông nghiệp tăng trưởng Hà Nội đạt trên 4%.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho hay, với các kịch bản tăng trưởng, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiểu mức thiệt hại thấp nhất, cố gắng tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước từ 1,3% trở lên. Thứ hai đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. Thứ ba, Thành uỷ sẽ chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo để rà soát tất cả các điểm nghẽn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các dự án đầu tư công, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, trong 5 năm tổng đầu tư công của Hà Nội là 107.300 tỷ đồng, hơn 10% tổng 1 triệu tỷ của cả nước. Riêng trong 4 năm Hà Nội đã phân bổ giải ngân được 80.000 tỷ, bình quân 4 năm giải ngân được 86%. Số còn lại của năm 2020 cộng lại với số còn tồn của những kỳ trước, Hà Nội có khoảng 37 - 40 nghìn tỷ đồng và sẽ tiếp tục giải ngân.

ha noi quyet tam khong cat giam dau tu cong
Hà Nội kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để sớm đưa vào hoạt động

Với ảnh hưởng của dịch bệnh, ngân sách trên địa bàn có thể giảm 30-33 nghìn tỷ đồng trong đó ngân sách của TP có thể sụt giảm 10-12 nghìn tỷ đồng nhưng Bí thư Vương Đình Huệ khẳng định Hà Nội quyết tâm không cắt giảm đầu tư công.

“Hà Nội cố gắng sau khi cắt giảm 10% chi phí thường xuyên, và nếu giải ngân 40.000 tỷ đồng thì đây là vốn mồi rất quan trọng giải quyết các công trình cấp bách, công trình an sinh xã hội và thiết yếu của Thủ đô, và cũng là vốn mồi FDI và các thành phần kinh tế khác”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội chia sẻ đồng thời cho hay Thành ủy sẽ chỉ đạo thành lập Tổ đặc nhiệm rà soát tất cả các điểm nghẽn để đẩy nhanh giải ngân vốn.

Tình hình thực hiện các dự án, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, năm nay Hà Nội còn tồn 120 dự án chuyển tiếp, Hà Nội sẽ tập trung giải quyết. Ngay trong quý I đã giải quyết 25 dự án, các quý khác sẽ tiếp tục. Còn 84 dự án mới đã khởi công và giải ngân được 30 dự án, còn các dự án đầu tư công mới khác, đã làm xong các thủ tục về đầu tư cũng thủ tục lựa chọn nhà thầu để có thể khởi công và sẽ giải ngân từ nay đến cuối năm.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Vương Đình Huệ kiến nghị, Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ ngành giúp Hà Nội tháo gỡ khó khăn của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để đưa vào sớm, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm khác.

Hà Nội cũng kiến nghị về thể chế và chính sách, đề xuất Thủ tướng cho phép Hà Nội áp dụng quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng như Chính phủ và Thủ tướng cho phép TP. Hồ Chí Minh, như vậy sẽ rút được thời gian mấy trăm ngày trong quy trình này.

Đồng thời, Thành phố đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị định 63 về cơ chế tài chính đặc thù Thủ đô để có điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế và đặc biệt cơ cấu hạ tầng trong thời gian tới.

Liên quan đến Luật Đầu tư công, Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng và các bộ ngành kiến nghị với Quốc hội tháo gỡ khó khăn như theo Luật mới, dự án chuyển tiếp 2 nhiệm kỳ thì nhiệm kỳ sau không được vượt quá 20% tổng mức đầu tư của dự án, tuy nhiên tất cả những dự án dở dang hiện nay đã phê duyệt theo luật Đầu tư cũ rõ ràng sẽ gặp nút thắt và như vậy nhiều dự án dở dang đang chuyển tiếp sẽ không có cơ sở để thực hiện.

Kết thúc bài phát biểu của mình, Bí Thư Vương Đình Huệ cam kết, Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và chung tay chia sẻ khó khăn với cả nước do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nguyễn Hưng