Hà Nội: Nguy cơ ở "xóm thùng phuy"

09:08 | 03/12/2012

1,934 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dưới chân cầu Mai Lĩnh, đã từ lâu ngang nhiên tồn tại hàng nghìn chiếc thùng phuy, ôm gọn lấy mố cầu gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường và dòng sông Đáy.

>> Sông nhuệ - dòng sông bị 'đầu độc'

>> Làng lụa nổi tiếng nhất Việt Nam đã 'đầu độc' sông Nhuệ như thế nào?

 

Dừng chân ở ngay đầu cầu Mai Lĩnh (xã Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) mọi người có thể dễ dàng nhận thấy toàn bộ khu đất trống phía chân cầu Mai Lĩnh đã được dùng làm bãi tập kết phế liệu khổng lồ. Đống thùng phi cũ gỉ, cái xanh cái đỏ được chất cao hơn chục mét, nhiều chỗ còn cao hơn cả mặt cầu.

 

Những thùng phuy chất cao tận nóc nhà.

Nằm ngay cạnh QL 6, bất kỳ ai đi qua đây cũng thấy sự khó chịu và bất cập của “xóm thùng phuy” này, đây cũng là cái tên mà người dân trong khu vực đặt cho. Hàng chục hộ kinh doanh, chuyên mua bán những chiếc thùng phuy chứa đựng dầu, mỡ, nhựa, sơn, hắc ín... được thải ra từ các đơn vị thi công công trình giao thông ở các tỉnh miền bắc được tập kết về đây gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Hàng ngày, có hàng trăm chiếc thùng phuy được thu mua từ các nơi về tập kết tại đây.

 

Hàng ngàn chiếc thùng phuy được nhập từ khắp với giá cả rất “bèo” và khi các hộ này “gia công” và làm sạch lại rồi bán cũng đủ “lấy công làm lãi”. Mỗi ông chủ ở “xóm thùng phuy” sử dụng hàng chục công nhân lao động theo mùa vụ, toàn bộ công nhân ở đây là người địa phương.

 

Tiếng búa đập, gõ… đã tạo ra những tiếng inh ỏi trong toàn khu vực.

Công việc thường ngày của những công nhân mà các ông chủ thuê là phân loại những chiếc thùng phuy, rồi làm sạch những thứ cặn bã còn sót lại trong thùng bằng các hoá chất, hoặc bằng xăng dầu... Chiếc nào đẹp được cất đi để bán nguyên chiếc, còn chiếc nào xấu thì đem ra “mổ” để bán sắt vụn. Cứ như thế, ngày nào cũng vậy, những người thợ ở đây với trên tay là những chiếc búa, chiếc đục gõ chan chát để “phanh” những chiếc thùng đó ra. Tiếng gõ liên hồi đã tạo ra những tiếng ồn hỗn loạn trong toàn khu vực.

Những chiếc thùng còn tròn vành, sạch sẽ thì được xếp chiếm dụng phần đất công ở đây, thậm chí cả lối đi lại của các hộ dân trong xung quanh. Trung bình mỗi ngày có tới hàng trăm chiếc thùng đủ màu sắc được xếp thành đống “cao như núi” che khuất tầm nhìn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông qua lại.

 

Dầu, mỡ, nhựa đường, hoá chất… tạo thành mùi tổng hợp lan toả ra khắp khu dân cư.

Nhiều năm qua, những chất cặn bã được thải bừa bãi khắp khu vực, biến mặt đất thành một màu đen kịt hỗn hợp chất dầu, mỡ, nhựa đường, hoá chất... tạo mùi rất khó chịu, đặc biệt là vào những ngày nắng.

Bà Nguyễn Thị Mai sinh sống khu cầu bức xúc: Ngày mưa gió như mấy hôm này còn đỡ mùi, nhưng vào dịp mùa hè nắng nóng thì khủng khiếp lắm, mùi bốc lên không sao chịu được, tôi cứ mỗi lần bước ra khỏi nhà là phải đeo khẩu trang.

Theo quan sát của chúng tôi, những hỗn hợp chất cặn bã này có mặt khắp nơi đây, mặt đường, cống rãnh, rồi xả thẳng xuống dòng sông Đáy... Thậm chí hợp chất ô nhiễm đã được thải cả những ruộng trồng rau muống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân quanh khu vực.

Thêm vào đó, ngay trước cổng nghĩa trang liệt sỹ của xã cũng bị biến thành nơi tập kết những chiếc thùng phuy làm mất vẻ tôn nghiêm, yên tĩnh, gây mất mỹ quan.

Tất cả những chất cặn bã được thải ra bừa bãi, màu đen kịt, từ dầu, mỡ, nhựa đường, hoá chất… đều được đổ trực tiếp ra dòng sông Đáy.

 

 

Nguyễn Hoan