Hà Nội: Nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm
Tại Hội nghị đánh giá kết quả "Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019 và triển khai công tác thanh tra chuyên ngành ATTP", ông Trần Văn Chung - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông báo: "Trong "Tháng hành động vì ATTP", không có vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra".
![]() |
Kiểm tra lấy mẫu thực phẩm tại một cửa hàng bánh ngọt ở Hà Nội. |
Theo đó, toàn thành phố có 699 đoàn thanh tra, kiểm tra, đã kiểm tra 18.989 cơ sở; trong đó 15.501 cơ sở đạt tiêu chuẩn ATTP, chiếm tỷ lệ 81,6%. Tổng số cơ sở vi phạm là 2.853; phạt cảnh cáo 210 cơ sở; 133 cơ sở bị hủy sản phẩm; đóng cửa 52 cơ sở; 1.317 cơ sở bị nhắc nhở. Đoàn thanh tra, kiểm tra đã lấy 1.049 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm tại các trung tâm kiểm nghiệm của thành phố. Kết quả, 1.009/1.049 mẫu đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ 96,2%. Xét nghiệm nhanh đạt 28.356/30.544 mẫu, chiếm tỷ lệ 92,8%.
Ông Trần Văn Chung cho biết thêm, để đạt được kết quả khả quan trong "Tháng hành động vì ATTP" là do sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP và công tác thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh các kết quả đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn trong quản lý, bảo đảm ATTP cũng như công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể, phòng, chống dịch bệnh cũng như đảm bảo ATTP được các địa phương làm thường xuyên trước, trong và sau "Tháng hành động vì ATTP", song ý thức các chủ cơ sở, nhất là chủ cơ sở nhỏ lẻ, quán ăn đường phố... còn kém và thực hiện đối phó.
Riêng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ người tiêu dùng, vẫn còn tâm lý ngại va chạm… Việc xử lý các vi phạm ở tuyến xã mặc dù có chuyển biến nhưng chưa kiên quyết, đa số chỉ nhắc nhở, trong khi đã xảy ra vi phạm thì cần phải xử lý theo quy định.
Việc triển khai quy hoạch giết mổ gặp nhiều khó khăn, tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP, môi trường theo quy định. Tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn tồn tại.
Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ, quả, kinh doanh tại các chợ, điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn.
Có thể nói, việc thực hiện công tác an toàn thực phẩm trong phải chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà phải đến từ nhiều phía, đặc biệt là người tiêu dùng cần nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ thực phẩm từ nguồn gốc xuất xứ đến hạn sử dụng trước khi mua về cho gia đình. Đặc biệt hiện tại đang là mùa nóng bức, thức ăn chín, làm sẵn có thể nhanh chóng hư hỏng, gây bệnh hoặc ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.
Tùng Phong
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025