Hạ chuẩn cho vay ngân hàng sẽ đứng trước nguy cơ kép

18:06 | 24/05/2020

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng không được phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn hoạt động, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần nắm rõ thực chất hoạt động doanh nghiệp để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Chương trình tín dụng 300.000 tỷ đồng mà các ngân hàng thương mại (NHTM) đang triển khai để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 đã bước đầu có những kết quả khi ghi nhận nhiều khách hàng được cơ cấu lại thời gian trả nợ, lãi suất ưu đãi nhiều khoản cho vay mới được triển khai.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 8/5, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 (ngày Việt Nam công bố dịch Covid- 19) đến nay đạt 630.000 tỷ đồng.

ha chuan cho vay ngan hang se dung truoc nguy co kep
Vì an toàn hệ thống, ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay

Ngày càng nhiều khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp được hưởng chính sách giảm lãi suất. Việc này được thể hiện thông qua kết quả giải ngân của các ngân hàng từ những gói cho vay với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, BIDV đã giải ngân khoảng 35.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm, trợ giúp khách hàng cá nhân duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tại Vietcombank, từ ngày 15/4, ngân hàng này triển khai giai đoạn 2 của gói hỗ trợ và giảm lãi suất cho vay 5% - 10% số tiền lãi phải trả cho ngân hàng đối với khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid- 19.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp tìm được “phao cứu sinh” thì có những doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV rất khó thậm chí là không thể tiếp cận được vốn vay của ngân hàng. Trước tình hình trên, lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, sẽ không hạ chuẩn cho vay với những đối tượng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

Theo báo cáo của NHNN về ảnh hưởng của bệnh Covid-19 đối với hoạt động tín dụng, đánh giá sơ bộ đến nay, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng - chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Như vậy, trong số này sẽ có những khoản nợ trở thành nợ xấu, tạo gánh nặng đối với ngân hàng. Trước tình hình trên, chuyên gia tài chính cho rằng, vì an toàn hệ thống, ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay.

Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức nhận định, qua đợt dịch này, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng cao. Nếu hạ chuẩn cho vay nữa thì sẽ dẫn đến nguy cơ kép, hậu quả khó lường.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhấn mạnh, các NHTM dứt khoát không được hạ chuẩn cho vay, vì chuẩn là cái tối thiểu để bảo đảm sự an toàn và hiệu quả của hoạt động ngân hàng. Việc tăng hay hạ chuẩn không phải là vì khách hàng, vì muốn tăng hay giảm dư nợ, mà chỉ có thể thay đổi khi vẫn đáp ứng được yêu cầu an toàn.

"Nếu hạ chuẩn cho vay trong khi doanh nghiệp chưa có phương án sản xuất kinh doanh phát triển bền vững thì rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn chất thêm cho ngân hàng, từ đó gây bất lợi cho cả nền kinh tế" - Luật sư nói.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp cá nhân bị ảnh hưởng dịch bệnh không chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà còn là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng. Bởi ảnh hưởng của dịch bệnh có thể khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, thậm chí dẫn đến khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Trước bài toán làm sao để vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng không được phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, các TCTD cần nắm sát tình hình doanh nghiệp để hỗ trợ một cách có hiệu quả. Ðiều này sẽ giúp TCTD tránh được tình trạng khách hàng chây ỳ, đảo nợ, để rồi gây ra nợ xấu sau này.

"Khi đã nắm rõ thực chất hoạt động doanh nghiệp, TCTD cần công khai các trường hợp không đủ điều kiện cho vay, tránh sự hiểu lầm, cũng như để doanh nghiệp hiểu rằng, không phải ngân hàng là nguồn hỗ trợ duy nhất trong lúc khó khăn này" - lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng khuyến nghị.

M.T

ha chuan cho vay ngan hang se dung truoc nguy co kepTín dụng khó bật tăng mạnh
ha chuan cho vay ngan hang se dung truoc nguy co kepQuản lý thủ công khiến lãi suất vay tiêu dùng luôn ở mức cao?
ha chuan cho vay ngan hang se dung truoc nguy co kepDoanh nghiệp nhỏ và vừa cần một gói hỗ trợ riêng?