Góc khuất của nền kinh tế

07:00 | 25/10/2013

1,906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Được đánh giá là nền kinh tế năng động nhưng sự phát triển của kinh tế Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt hậu so với các nước do lệ thuộc nhiều vào nước ngoài.

Nền kinh tế phụ thuộc

Mặc dù được đánh giá là nền kinh tế năng động của Đông Nam Á với tốc độ phát triển ổn định nhưng trên thực tế  kinh tế Việt Nam đang bộc lộ nhiều dấu hiệu tụt hậu. Trong đó, dấu hiệu rõ nhất là sự yếu kém của nội lực nền kinh tế. Điển hình là ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp phá sản vì không đủ thực lực vượt qua khó khăn. Chỉ tính đến quý 1/2013 trong cả nước đã có đến 15.283 doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động. Sản xuất đình đốn, hàng hóa nước ngoài tràn vào chiếm thị phần. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng thực chất phần tăng là nhờ đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài. Do nội lực yếu kém và thiếu một chiến lược rõ ràng nên Việt Nam không tranh thủ tốt ngoại lực để tăng thêm sức mạnh cho nền kinh tế.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/102013/24/21/IMG_1777.jpg

Thu hút vốn đầu tư phải đi liền với chuyển giao công nghệ

Phát biểu tại hội nghị về độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế diễn ra tại TP HCM vừa qua, nhiều chuyên gia tỏ rõ mối lo ngại về sự yếu kém bên trong nền kinh tế đang dần lấy đi nhiều cơ hội cho sự phát triển của kinh tế đất nước. Bằng chứng là trong hai năm 2011 và 2012, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng nền kinh tế Việt Nam giảm 16 bậc, xuống hạng 75, thấp nhất kể từ khi Việt Nam được xếp hạng. Trong 12 nhóm chỉ tiêu đánh giá, Việt Nam tụt hạng ở 9 nhóm và chẳng có nhóm nào vượt hạng 50, phần lớn cận kề hạng 100.

Theo Bà Nguyễn Thị Bình, chủ tịch quỹ Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam: Một sự thật dễ dàng nhìn thấy hiện nay là nội lực của nền kinh tế chúng ta yếu nên không đủ sức hút các yếu tố ngoại lực nhằm tăng thêm sức mạnh cho nền kinh tế. Điều này thể hiện rõ trong việc nhiều công ty liên doanh với nước ngoài bị áp lực của phía nước ngoài muốn chi phối hoặc thâu tóm công ty trong nước.

Có cùng suy nghĩ này, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, thách thức phát triển của Việt Nam là sự phụ thuộc vào bên ngoài rất lớn. Trong đó đáng chú ý là lệ thuộc nhập khẩu hàng hóa đầu vào, mà đơn cử là hàng hóa, nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong khi đó cán cân xuất khẩu lại lệ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài, “Chỉ một công ty Samsung thôi,  nhưng kim ngạch xuất khẩu đã chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, bằng với xuất khẩu của ngành nông nghiệp"- ông Thiên lấy dẫn chứng.

Trên thực tế, việc thu hút đầu tư FDI từ nước ngoài ngày càng khó khăn, bởi chúng ta không có một ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh để níu chân nhà đầu tư ở lại. Điều này dẫn đến việc cơ hội thu hút đầu tư ngày càng ít đi, nhiều nhà đầu tư muốn rời bỏ thị trường sang các nước lân cận. Lợi dụng sự yếu kém này các doanh nghiệp nước ngoài coi đây là cơ hội để nhòm ngó và thâu tóm thị trường trong nước. Mà cụ thể hiện nay là mảng nợ xấu và bất động sản, đang được các công ty nước ngoài ngỏ ý muốn sở hữu.

Đặc biệt, một vấn đề cần phải thừa nhận nữa là những tồn tại trong hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách tuy đã được bổ sung những điều chỉnh, đổi mới nhưng vẫn chưa đảm bảo sự đồng bộ và nhất quán. Môi trường kinh doanh chưa thật sự bình đẳng, thông thoáng. Vai trò, chức năng và nguyên tắc hoạt động khách quan của thị trường chưa được tôn trọng đầy đủ, vận dụng hợp lý. Đây là những yếu tố đẩy nền kinh tế bị tụt hậu so với sự vận động phát triển chung của kinh tế toàn cầu.

Hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ

Các chuyên gia nhận định, để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu của nền kinh tế thì điều cốt lõi trong thời điểm này là chúng ta phải xác định xây dựng một nền kinh tế phát triển theo định hướng độc lập và tự chủ. Theo đó, nâng cao yếu tố nội lực của nền kinh tế là việc làm được ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều này thì nhất thiết phải đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi nhuận của doanh nghiệp. Xét lại hiệu quả của các gói kích thích kinh tế cũng như tác động của nó đối với kinh tế vĩ mô để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Trong chính sách và chiến lược đầu tư cần tập trung cải cách hành chính, cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước, thị trường lao dộng, thị trường thương mại, tài chính..., đặc biệt là trong phát triển kết cấu hạ tầng cả ngắn hạn và dài hạn. Có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng cũng phải bảo đảm yếu tố phát triển cho sự phát triển trong nước.

Theo GS-TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, để nền kinh tế đi lên, nhất thiết phải chú trọng vào nguồn vốn, hiện nay nguồn vốn đầu tư vào kinh doanh đa phần là vốn FDI. Chính vì vốn FDI này nên giá trị nền kinh tế đa phần là đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy nhà nước cần phải nâng cao hơn nữa sức mạnh của kinh tế trong nước bằng cách nỗ lực thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nội địa, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, hình thành các tập đoàn kinh tế chủ lực…nhằm tạo thế cân bằng trong việc cạnh tranh và cơ hội cho sản xuất trong nước phát triển.

Bên cạnh đó, phải thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi công nghệ  trong hoạt động sản xuất. Trên thực tế, lâu nay các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng chưa thực sự chuyển giao công nghệ cho chúng ta. Vì vậy nên dù nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hiệu quả nhưng việc nắm giữ công nghệ hiện đại đối với chúng ta còn rất hạn chế. Để thay đổi điều này thì các nhà quản lý cần phải có những chính sách và quy định ràng buộc trong quá trình thu hút đầu tư, làm sao để dòng vốn và công nghệ phải cùng nhau đi vào cùng một lúc có như thế thì việc phụ thuộc vào nước ngoài mới không xảy ra.

“Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chỉ muốn rót vốn vào nhưng không muốn chuyển giao công nghệ cho chúng ta, họ buộc chúng ta phải lệ thuộc họ vào công nghệ để dễ dàng chi phối và thu nhuận nhiều hơn. Do đó, khi chúng ta đưa ra các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cũng phải đảm bảo làm sao hài hòa được giữa lợi ích của nhà đầu tư lẫn lợi ích lâu dài của quốc gia. Như vậy mới dần dần tự nâng cao trình độ sản xuất trong nước theo kịp với các nước trên thế giới”- ông Thái nhận xét.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng, bên cạnh việc tận dụng vốn và công nghệ từ ngoại lực thì một điều tối quan trọng việc đào tạo đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng được yêu cầu của nền công nghiệp hiện đại. Có khả năng tiếp nhận nguồn tri thức và khoa học công nghệ hiện đại từ các nước trên thế giới, từ đó hình thành nên lực lượng lao động có trình độ cao phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước mà không cần phải dựa vào nguồn nhân lực từ bên ngoài.

Thùy Trang