Giải trình xong, quá tải vẫn hoàn… quá tải

07:00 | 19/04/2013

415 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận việc chuyển tuyến, vượt tuyến khám chữa bệnh vẫn là vấn đề lớn gây quá tải, vượt quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, những giải pháp Bộ trưởng đưa ra vẫn chưa giải quyết tận gốc tình trạng quá tải tại các bệnh viện lớn hiện nay.

“Bệnh viện như trại tị nạn”

Ngày 17/4, UB Các vấn đề xã hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình về chuyển tuyến khám chữa bệnh và quản lý, sử dụng quỹ BHYT Sau khi nghe Bộ trưởng Y tế báo cáo, ĐB Cao Văn Sang (TP HCM) và ĐB Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi: “Ngành y tế đang thiếu và yếu về nhân lực, ở tuyến dưới còn thiếu nặng nề hơn khiến người dân dồn lên tuyến trên. Vấn đề chuyển tuyến, vượt tuyến đang diễn ra phổ biến khiến việc phân tuyến kỹ thuật không hiệu quả. Giải pháp căn cơ mà Bộ Y tế đưa ra là gì?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thừa nhận có những điểm bất cập như các ĐB đã nêu. Hiện các trạm y tế xã không có nguồn nào để mua sắm, nâng cấp trang thiết bị. Chính phủ đã duyệt đề án nâng cấp các trạm y tế xã song do kinh tế khó khăn nên chưa triển khai đề án.

Cảnh quá tải thường thấy trong các bệnh viện tuyến trên.

Bà cũng cho biết thông tư về chuyển tuyến xây dựng đã 2 năm nay nhưng vẫn chưa thể ban hành do chưa thống nhất được một số điểm quan trọng, trong đó đáng chú ý là nếu bệnh viện tuyến trên nhận khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh thông thường (mà tuyến dưới chữa được) sẽ bị phạt và hạ bậc thi đua.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội đặt câu hỏi: Quá tải có phải do chất lượng khám chữa bệnh của tuyến trên tốt hơn tuyến dưới hay không?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế nói: “Hiện nay, đúng là bệnh viện tuyến trên có thầy thuốc tốt hơn, trang thiết bị đầy đủ hiện đại hơn, xã hội hóa mạnh hơn nên đầu tư đồng bộ. Có đến 60% bệnh nhân điều trị ở tuyến trên mà không cần thiết, đặc biệt là tuyến trung ương. Để đảm bảo “tuyến nào làm việc của tuyến ấy”, bà Tiến khẳng định giải pháp căn cơ mà Bộ Y tế đưa ra là thực hiện phân tuyến kỹ thuật rất chặt chẽ, không để chuyển tuyến tràn lan.

Ngoài ra, các đề án nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, tỉnh cùng với đề án bác sỹ gia đình, luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới, bệnh viện vệ tinh sẽ được triển khai đồng bộ để nâng cao chất lượng tuyến dưới.

“Nếu không làm vậy thì không thể giảm tải được. Vào bệnh viện Ung bướu ở TP HCM mà thấy không khác gì trại tị nạn, đến đêm vẫn không còn một chỗ trống, người nhà bệnh nhân không còn nơi để ngủ”, Bộ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Quảng Nam Lê Văn Lai tỏ ra không đồng tình với cách làm này của Bộ Y tế. Ông đặt câu hỏi: “Chúng ta quan niệm giảm tải bệnh viện giống với giảm tải chuyến xe trong khi đây là hai vấn đề khác nhau, muốn giảm tải chuyến xe thì giảm hàng và người xuống, còn bệnh viện phải làm tốt tại bệnh viện vệ tinh, làm tốt rồi thì tự nhiên giảm tải bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế căn cứ vào đâu mà đưa ra con số vô cảm sau khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh thì giảm tải 15%? Nếu bệnh nhân ổn định chuyển về tuyến dưới tức một ông chữa, một ông giúp bình phục, nếu sự cố xảy ra trong quá trình bình phục thì lỗi tại ai?”.

Theo Bộ trưởng Tiến, bệnh viện vệ tinh chỉ là một trong số những đề án cùng có mục tiêu giảm tải mà Bộ Y tế đang triển khai, bên cạnh đề án bác sĩ gia đình, đưa bác sĩ trẻ giỏi nghề về 62 huyện nghèo... Bộ trưởng nói thêm: “Khác với đề án 1816 (đưa bác sĩ tuyến trên về hướng dẫn cho tuyến dưới) trước đây còn chung chung, đề án bệnh viện vệ tinh lần này là chuyển giao công nghệ cho bệnh viện tỉnh, bệnh viện tỉnh phải vững vàng làm chủ công nghệ, điều trị được cho bệnh nhân tại tỉnh. Chuyển bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục về tuyến dưới nhiều nước đã làm, VN hiện nay cũng làm rồi, mổ sinh xong thì về nhà hộ sinh thay băng, chăm sóc, cứ nằm ở Phụ sản trung ương thì phải 3-4 người/giường”.

Lộn xộn sử dụng quỹ BHXH

Mặc dù Bộ trưởng đã hứa nhiều lần, song quá tải vẫn hoàn … quá tải.

Theo báo cáo của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, số thu BHYT năm 2012 đạt 39.286,6 tỷ đồng (tăng 13,3% so với năm 2011), số kết dư năm 2012 là 5.653 tỷ đồng. Số kết dư lũy kế từ 2009 đến nay là 12.891 tỷ đồng.

Đến hết năm 2012, tỷ lệ bao phủ và sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT của cả nước là  66,8%; tỷ lệ sử dụng quỹ BHYT là 92,3%. Tuy nhiên, có tình trạng đáng báo động là bội chi quỹ BHYT, đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long, bội chi lên tới 109%, trong khi chất lượng khám chữa bệnh vẫn thấp.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, nhận định việc sử dụng quỹ BHYT hiện đang có vấn đề. "Từ năm 2010-2012, quỹ khám chữa bệnh cả nước có kết dư, tuy vậy, tình trạng bội chi cục bộ vẫn diễn ra ở một số tỉnh, năm 2012 có 11 tỉnh bội chi quỹ này. Cá biệt có những tỉnh 20 năm bội chi, có tỉnh bội chi hơn 100% mà chất lượng khám chữa bệnh vẫn thấp" - bà Mai nói.

Bà Mai cũng băn khoăn vì không có trần mức chi dẫn tới có những nơi BHYT phải chi trả tới gần 1 tỉ đồng khám chữa bệnh cho một bệnh nhân.

Bộ trưởng cho hay sắp tới sẽ phải quy định mức chi tối đa vì nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến bệnh viện tuyến trên quá tải là mức thu quá thấp mà mức chi thì không có mức trần. Đồng thời, bà khẳng định: “Các nước họ đều quy định mức chi, đóng như thế nào thì hưởng như thế”.

Từ 75 tuổi sẽ có cửa khám bệnh riêng

Nhiều đại biểu chuyển tới lãnh đạo Bộ Y tế nỗi bức xúc của người dân về thủ tục rườm rà, chậm trễ của việc khám chữa bệnh theo BHYT. Người đứng đầu ngành y tế chia sẻ: “Chúng tôi cũng rất khổ tâm về vấn đề này. Không phải chỉ chờ cả buổi mà có trường hợp các cụ đi tập thể dục xong vào viện chờ từ  5 giờ sáng mà đến 3 giờ chiều mới được cấp phát thuốc, rất thương”. Theo Bộ trưởng Tiến, ngành y tế đang dự kiến sẽ quy định những bệnh nhân từ 75 tuổi trở lên sẽ được bố trí cửa khám bệnh riêng.

Khánh An (th)