Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện?

14:55 | 17/10/2019

371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), đến năm 2020, lưới truyền tải điện sẽ đạt độ tin cậy N-1. Tuy nhiên, điều này rất khó trở thành hiện thực vì một số dự án truyền tải chậm tiến độ. Đây là thách thức lớn đối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) trong những năm tới.

Vì sao nhiều dự án chậm tiến độ?

Những năm qua, EVNNPT đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong đầu tư xây dựng, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ Tập đoàn giao. Tuy nhiên, Tổng công ty đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ các dự án, trong đó vướng mắc lớn nhất là khâu bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB).

Ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, trong khâu bồi thường GPMB, công tác kiểm kê, xác định nguồn gốc đất, phê duyệt đơn giá và phương án bồi thường, xin chủ trương cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng,… gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, dự án Đường dây 220 kV Nha Trang- Tháp Chàm khởi công ngày 25/12/2017, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong việc BTGPMB. Cùng với đó, việc thỏa thuận vị trí đặt TBA và tuyến đường dây đối với chính quyền địa phương các cấp cũng rất khó khăn, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ lập và trình duyệt các dự án (như các dự án TBA 220 kV Sơn Động, Tương Dương, ĐD 220 kV Tao Đàn - Tân Cảng...).

Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải điện?
Thi công đường dây 500 kV mạch 3 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam, tháng 5/2019

Ngoài ra, trong quá trình thi công, nhiều hộ dân yêu cầu tiền đền bù thi công quá cao và không cho nhà thầu xây lắp vào thi công. Các địa phương cũng không tích cực hỗ trợ bảo vệ hiện trường thi công, dẫn đến tiến độ thi công kéo dài. Điển hình là dự án TBA 220 kV Lưu Xá (Thái Nguyên) khởi công ngày 25/12/2016, nhưng đến nay vẫn chưa thể đóng điện bàn giao do 3 hộ dân đòi tiền đền bù thi công quá cao, không cho công nhân vào hiện trường làm việc.

Bên cạnh đó, còn có những khó khăn phát sinh khác như: Thiếu đồng bộ giữa quy hoạch nguồn điện và lưới điện, nhiều nguồn thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió được bổ sung quy hoạch, nhưng lưới điện truyền tải không được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Trong khi đó, nếu đầu tư cùng một thời gian, việc xây dựng lưới điện truyền tải thường chậm hơn thời gian xây dựng các nhà máy điện mặt trời từ 2-3 năm đối với đường dây 220 kV, 3-5 năm đối với đường dây 500 kV. Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) còn có sự “lệch pha” với các quy hoạch phát triển điện lực của các tỉnh, thành phố về tiến độ, quy mô các dự án, dẫn đến các đơn vị phải xin hiệu chỉnh.

“Cùng với đó, thủ tục đầu tư xây dựng, thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài do vướng nhiều thủ tục pháp lý phức tạp như, thỏa thuận địa điểm xây dựng trạm, thỏa thuận hướng tuyến đường dây với các tỉnh, thành phố; thỏa thuận vị trí, chiều cao, biện pháp cảnh báo hàng không với Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng); thủ tục trình, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; thủ tục trình Bộ Công Thương thẩm tra thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật…

Cách nào gỡ vướng?

Trước những thách thức trên, EVNNPT đã đề xuất một loạt các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng công tác ĐTXD. Trong đó, Tổng công ty sẽ cố gắng đầu tư ngay sau khi được giao nhiệm vụ. Mặt khác, Tổng công ty sẽ tăng cường quản lý nhà thầu tư vấn thiết kế, chủ động phối hợp với tư vấn trong quá trình khảo sát tuyến đường dây, khảo sát vị trí mặt bằng trạm, sớm lập được hồ sơ có chất lượng cao, phục vụ việc thỏa thuận với các địa phương, giảm tình trạng bị cản trở hoặc yêu cầu thay đổi tuyến đường dây hoặc mặt bằng trạm, khi thực hiện dự án.

Đồng thời, Tổng công ty cũng sớm lựa chọn tư vấn thẩm tra, xem xét góp ý ngay trong quá trình thực hiện dự án. Qua đó sớm khắc phục các sai sót và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Triệt để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (khảo sát không ảnh, bản đồ 3D…) trong việc trong khảo sát địa hình, địa chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp tài liệu, báo cáo các đề án, tạo điều kiện sớm xác định được cự ly vận chuyển, biện pháp tổ chức thi công, đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật cao.

Về thi công, ông Nguyễn Tuấn Tùng - Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, Tổng công ty sẽ tập trung thực hiện sớm công tác bồi thường GPMB, có đủ thời gian cho công tác thực hiện thi công dự án, xử lý các tồn tại phát hiện trong khâu nghiệm thu, thực hiện khắc phục trước khi đóng điện vận hành, góp phần đảm bảo chất lượng dự án.

Cùng với đó, EVNNPT đăng ký sớm kế hoạch sử dụng đất với các địa phương theo kế hoạch triển khai các dự án; làm việc trực tiếp với chính quyền các địa phương, tạo mối quan hệ tốt đẹp và tranh thủ sự ủng hộ xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện đền bù, đặc biệt đối với các dự án trên các địa bàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương - những địa phương có nhiều khó khăn, vướng mắc nhất trong công tác bồi thường GPMB.

Tổng công ty sẽ tăng cường kiểm soát hợp đồng cung cấp vật tư thiết bị thuộc các dự án, đảm bảo số lượng vật tư, nguồn gốc xuất xứ, quy cách, chất lượng, chủng loại hàng hóa theo đúng hợp đồng, thời gian giao đúng tiến độ, đồng thời, tránh lưu kho bãi, phát sinh thêm chi phí bảo quản hàng hóa. Nghiêm túc cảnh cáo và phạt các nhà thầu vị phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết thêm, Tổng công ty sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, yêu cầu các nhà thầu xây lắp tuân thủ nghiêm khâu quản lý chất lượng, theo đúng các cam kết trong hợp đồng, các quy định về quản lý chất lượng. Tăng cường lực lượng chỉ đạo và giám sát kỹ thuật tại công trường. Thực hiện nghiêm việc nghiệm thu nội bộ trước khi yêu cầu tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu.

Huy Anh

PECC2 tham gia góp vốn 25% tại dự án Nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ 3.1
EVN chuyển giao phần mềm E-office cho Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
9 tháng đầu năm, EVNGENCO1 sản xuất gần 29 tỷ kWh
Năng lượng tái tạo: Cần, nhưng chưa đủ...
Nhờ đâu EVN chuyển đổi số xuất sắc?
Đầu tư gần 6.400 tỷ đồng mở rộng Nhà máy Thủy điện Ialy
Điện đi trước một bước