Giải bài toán vốn cho DNNVV, Chủ tịch VCCI quy trách nhiệm "3 nhà"

19:19 | 07/08/2018

455 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng các bộ, ban ngành, các ngân hàng và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để tháo gỡ nút thắt tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.  
doanh nghiep nho va vua van gap kho khan ve von
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn "Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, từ cách đây 30 năm – khi ghiên cứu về các DNNVV, ông và các đồng nghiệp đã phát hiện ra 3 vấn đề lớn nhất, liên quan mật thiết tới sự phát triển của các đơn vị này tại Việt Nam đó là: “Thứ nhất là vốn, thứ hai là vốn và thứ ba cũng là vốn”.

Sau 30 năm nền kinh tế Việt Nam đổi mới, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc ghi nhận, nhiều vấn đề đã được cải thiện, hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển cho thấy những tín hiệu khả quan. Nhưng đáng buồn là 3 vấn đề trên vẫn tồn tại.

Theo đó, Việt Nam mặc dù được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, cùng với đó, năm 2017, DNNVV cũng chiếm hơn 21% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Chủ tịch VCCI nhận định, đây là con số lớn và đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi doanh nghiệp khởi nghiệp đa phần là những người trẻ, sinh viên, họ không có tài sản, mà chỉ có ý tưởng kinh doanh, những đối tượng này rất cần bệ đỡ nguồn vốn từ hệ thống các ngân hàng.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, để 60% DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, trách nhiệm thuộc về cả ba nhà. “Thứ nhất là Nhà nước, mà đại diện không chỉ là Ngân hàng Nhà nước mà còn của các bộ ngành liên quan, thứ hai là nhà băng và các thiết chế tài chính, thứ ba các DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ”.

Cụ thể, về phía Nhà nước, hiện còn nhiều khuôn khổ pháp luật chưa thât sự khơi nguồn cho đầu tư. “Thời đại 4.0 nhưng phương pháp quản lý nhà nước còn cơ học, chưa chấp nhận rủi ro. Các thiết chế về quyền sử dụng đất chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng”, Chủ tịch VCCI cho hay.

Về phía các nhà băng và thiết chế tài chính, hiện còn thờ ơ, doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tượng ưu tiên của các ngân hàng. Xét về mặt hiệu quả thì ngân hàng cho vay các khoản lớn với doanh nghiệp lớn là ưu tiên đảm bảo an toàn theo hình thức thế chấp tài sản. “Tuy nhiên nền kinh tế số và nền kinh tế khởi nghiệp thì không có nhiều tài sản. Cho nên, tôi nghĩ là cho vay bằng hình thức thế chấp tài sản vẫn chiếm lớn, cho vay căn cứ vào sản xuất kinh doanh chưa trở thành cơ chế, chưa trở thành văn hoá tín dụng ở nước ta. Vậy làm sao thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo?” Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.

Về phía doanh nghiệp, đến thời điểm hiện tại, khoảng 670.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đến hơn 97% là DNNVV, nếu tính cả trên 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể thì DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đạt gần 6 triệu đơn vị. Như vậy tuyệt đại bộ phận là DNNVV và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trong số gần 6 triệu đơn vị này thì chỉ có 2 triệu có đăng ký, gồm 1,3 triệu đơn vị và hơn 600.000 doanh nghiệp có đăng ký. Còn lại hoạt động trong khu vực không chính thức mà phi chính thức ít inh bạch và phi minh bạch. Ngay trong 2 triệu đơn vị có đăng ký này thì sự minh bạch trong quản trị cũng luôn là điểm yếu với rất nhiều doanh nghiệp.

Do đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, sự thiếu minh bạch khó tạo niềm tin mà tín dụng chính là niềm tin, cộng thêm thiếu tài sản thế chấp và dự án kinh doanh thiếu khả thi cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng “nói không” với DNNVV.

doanh nghiep nho va vua van gap kho khan ve von
Toàn cảnh diễn đàn

Mặc dù có đóng góp lớn, nhưng tỉ lệ các DNNVV được tiếp cận nguồn vốn lành mạnh là không cao. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng đưa ra giải pháp đó là: “Cốt lõi của vấn đề là cả 3 nhà cần ngồi lại với nhau. Các bên cần cải thiện quan hệ, không chỉ là cơ chế xin cho, mà phải là cộng sinh giữa ngân hàng – doanh nghiệp, quỹ - doanh nghiệp. Có như vậy, nút thắt thể chế, nút thắt tín dụng và nút thắt trong quản trị doanh nghiệp mới được tháo gỡ”.

Từ phía nhà nước, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề xuất, cần nới lỏng các khuôn khổ chính sách, pháp lý, khuyến khích khởi nghiệp, kích thích sáng tạo.

Về các nhà băng cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra phương thức cho vay mới, những gói cho vay hướng đầu tư mạnh cho khởi nghiệp, cho nông nghiệp căn cứ vào ý tưởng và phương án kinh doanh. Các tổ chức tín dụng tài chính, các công ty bảo hiểm cần tương tác, bọc lót trong hướng tới hỗ trợ DNNVV.

Về phía doanh nghiệp cần sự minh bạch hơn trong quản trị. Bởi tín dụng chính là niềm tin. Nếu không minh bạch, niềm tin sẽ khó đạt được. Và đó cũng chính là lý do các quỹ hỗ trợ, ngân hàng nói không với các DNNVV ở nước ta.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, Việt Nam xếp trong 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng Việt Nam cũng nằm trong 20 nền kinh tế có khả năng thiết thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp thấp nhất. Cho nên hơn bao giờ hết, cần phải nâng cao năng lực quản trị gắn liền với đó là việc minh bạch hóa làm sao để là chuẩn mực quan trọng đầu tiên của dnnvv có thể phát triển nói chung để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và các định chế tài chính nói riêng.

Phát biểu tham luận tại diễn đàn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng: trong các hình thức tiếp cận vốn cho DNNVV, cần lưu ý cả những hình thức chưa được áp dụng thường xuyên, như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cho vay tài chính... Theo đó, cần sớm ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV, đồng thời tăng cường vai trò của các Hiệp hội DNNVV và hợp tác giữa các tổ chức tín dụng và các quỹ bảo lãnh tín dụng...

“Về phần mình, các DNNVV cũng nên cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin, sẵn sàng làm việc với các tổ chức tín dụng, quản trị doanh nghiệp và quản lý chiến lược, cũng như tài chính”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Nguyễn Hoan

doanh nghiep nho va vua van gap kho khan ve vonSự “cộng sinh” tất yếu
doanh nghiep nho va vua van gap kho khan ve vonTái cơ cấu là sự sống còn của doanh nghiệp
doanh nghiep nho va vua van gap kho khan ve vonỔn định lãi suất cho vay cuối năm