Giá vàng sẽ giảm mạnh thời gian tới!
Ảnh minh họa. |
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (26/7), ghi nhận hồi 9 giờ 30 giá vàng SJC đã quay đầy tăng nhẹ 30.000 đồng/lượng, niêm yết ở mức 36,28 – 36,56 triệu đồng/lượng tại TP Hồ Chí Minh và 36,28 – 36,58 triệu đồng/lượng tại Hà Nội (mua vào/bán ra).
Trong khi đó, giá vàng SJC được Tập đoàn Doji và Công ty Phú Quý điều chỉnh tăng từ mức 36,35 – 36,43 triệu đồng/lượng lên mức 36,38 – 36,48 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng SJC được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 36,39 – 36,47 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng ở chiều mua và 40.000 đồng ở chiều bán so với giá chốt phiên ngày 25/7.
Trên thị trường thế giới, sau khi quay đầu giảm về mức 1.315 USD/Ounce chốt phiên 25/7 (giờ Việt Nam), giá vàng đã tăng lên mức 1.320 USD trong phiên giao dịch sáng nay.
Mặc dù giá vàng trong nước cũng như thế giới sáng nay đã tăng nhẹ sau 4 phiên giảm liên tiếp nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, xu hướng giảm giá của vàng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Việc giá vàng được “thổi” lên cao như thời gian qua là do tâm lý đám đông và mức giá lên đến gần 40 triệu đồng/lượng với vàng trong nước và 1.370 USD/Ounce với vàng thế giới là vì thế là “ảo”, không phản ánh giá trị thực của vàng.
TS Nguyễn Minh Phong khi trao đổi với PetroTimes sau sự kiện Brexit đã nhấn mạnh rằng, diễn biến tăng của giá vàng sau sự kiện Brexit chủ yếu mang yếu tố tâm lý. Các kịch bản về tác động đối với kinh tế EU nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đã được đặt ra. Vậy nên, những lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế là điều đã được lường trước và các quốc gia chắc chắn sẽ có giải pháp để ứng phó, giảm thiểu tác động của tình trạng này.
Trong một diễn biến mới nhất, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc ngày 24/7 vừa qua, nhận định trên của TS Nguyễn Minh Phong đã được đại diện các nước khẳng định. Theo đó, các Bộ trưởng G20 tham dự Hội nghị đều thống nhất quan điểm sự kiện Brexit sẽ làm tăng rủi ro cho kinh tế toàn cầu. Nhưng đồng thời, Bộ trưởng các nước cũng khẳng định, các nước G20 đã có kế hoạch ứng phó với những tác động có thể xảy ra về kinh tế, tài chính do Brexit gây ra.
Ở một diễn biến khác, việc Hoa Kỳ công bố một loạt thông tin tích cực về đà tăng trưởng, phục hồi kinh tế của nước này cũng đang tạo sức ép giảm giá không nhỏ lên vàng. Bởi có một thực tế, thời gian qua, việc giá vàng tăng một phần xuất phát từ việc giới đầu tư toàn cầu lo ngại về khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ. Điều này cũng kéo theo khả năng FED tăng lãi suất thời gian tới sẽ cao hơn và làm vàng kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư khi rủi ro từ các kênh đầu tư khác giảm thiểu rất nhiều.
Thứ nữa, theo nhiều chuyên gia, trước sức ép về tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản... thời gian tới, chắc chắn sẽ có nhiều chính sách kích cầu, thu hút đầu tư được triển khai tại nhiều nền kinh tế. Và khi nó được triển khai, nó sẽ gia tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư vào các thị trường hiện đang khá ẩm đảm như chứng khoán, khai khoáng... đặc biệt là khai thác dầu thô khi nhiều dự báo cho thấy, nhu cầu dầu thô của Ấn Độ đang có xu hướng tăng mạnh, có thể kéo giá dầu lên mức 50 USD/thùng trong năm 2016.
Giám đốc hàng hóa của Goldman Sachs Jeff Currie trong một nhận định gần đây cũng cho rằng, giá vàng sẽ chìm xuống mức 1.300 USD trong thời gian tới – quan điểm nay đã được ông đưa ra ngay sau sự kiện Brexit.
Như vậy có thể thấy rằng, theo nhận định của giới chuyên gia thì trong thời gian tới, giá vàng sẽ khó trụ vững ở mức giá hiện tại, tức 1.320 USD/Ounce với vàng thế giới và 36,60 với vàng trong nước. Đây chắc chắn là thông tin không mấy vui đối với những người đang nắm vàng trong tay. Tuy nhiên, đây chắc chắn là một lời cảnh báo nữa của thị trường đối với tâm lý bầy đàn, đám đông của người dân khi chạy theo các cơn “sốt” của giá vàng nhiều năm qua!
Hà Lê