Giá vàng hôm nay 22/2: Như diều gặp gió, giá vàng vượt xa đỉnh 7 năm

07:24 | 22/02/2020

5,778 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19 không ngừng tăng, cộng với việc đồng USD sụt giảm mạnh, đã làm làm gia tăng nhu cầu đối với vàng, qua đó đẩy giá vàng hôm nay tăng phi mã, cán mốc 1.650 USD/Ounce.
Giá vàng hôm nay 22/2: Như diều gặp gió, giá vàng vượt xa đỉnh 7 năm
Ảnh minh hoạ

Ghi nhận của Petrotimes, tính đến đầu giờ sáng ngày 22/2, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.643,31 USD/Ounce. So với cùng thời điểm ngày 21/2, giá vàng thế giới giao ngay đã tăng 21 USD/Ounce.

Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 4/2020 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.645,0 USD/Ounce, tăng 25,4 USD/Ounce trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 21/2, giá vàng thế giới giao tháng 4/2020 đã tăng tới 21 USD/Ounce.

Giá vàng hôm nay cao hơn khoảng 360 USD/Ounce so với đầu năm 2019. Quy theo giá USD ngân hàng, vàng thế giới hiện có giá 45,84 triệu đồng/lượng. Chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới hiện đang cao hơn giá vàng trong nước 190 ngàn đồng/lượng.

Giá vàng ngày 22/2 tăng phi mã trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có diễn biến mới tiêu cực, cả về quy mô và mức độ ảnh hưởng. Trong khi Trung Quốc vẫn quay cuồng vì virus corona, sự lây lan nhanh chóng tại các nước khác gây lo ngại dịch bệnh đang bước sang giai đoạn mới.

Số người chết vì nCoV bên ngoài Trung Quốc đại lục vẫn nhỏ, với ít nhất 11 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, tại các quốc gia châu Á khác, tình trạng lây nhiễm ngày càng nghiêm trọng khi số ca bệnh gia tăng nhanh chóng, làm dấy lên lo ngại về giai đoạn tiếp theo của dịch Covid-19.

Theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc hôm 21/2, 42/48 ca nhiễm nCoV mới thuộc Daegu, thành phố được đưa vào diện "quản lý đặc biệt" vì dịch Covid-19. Với những trường hợp mới ghi nhận này, số ca nhiễm nCoV ở Hàn Quốc đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 24 giờ.

Tình hình tại Nhật Bản thậm chí đáng báo động hơn, khi nước này trở thành "ổ dịch" lớn thứ hai sau Trung Quốc với hơn 700 ca nhiễm nCoV, trong đó có hơn 600 người trên tàu Diamond Princess. Du thuyền này bị cách ly từ ngày 4/2 đến 19/2 tại cảng Yokohama do một du khách Hong Kong đi tàu tháng trước dương tính với nCoV.

Tại châu Âu, số ca nhiễm tại Italy tăng đột biến ngày 21/2 với 17 ca mới, tất cả đều ở bắc Italy, nâng tổng số ca tại nước này lên 20. Trong đó, 15 trường hợp được xác nhận tại khu vực Lombardy và hai trường hợp ở khu vực Veneto lân cận, gồm Trevisan và một cụ ông 77 tuổi...

Nỗi lo lắng về giai đoạn mới của dịch Covid-19 len lỏi vào thị trường tài chính toàn cầu, khi các nhà đầu tư đang cân nhắc tác động đối với tăng trưởng kinh tế và doanh thu nếu nCoV lan rộng hơn trong khu vực.

Tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 20/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Chúng ta được khích lệ bởi xu hướng này, nhưng đây không phải lúc để tự mãn",

Ông Tedros cho rằng hiện số bệnh nhân Covid-19 trên thế giới còn rất ít so với Trung Quốc, song "điều này sẽ không duy trì quá lâu".

Theo Oliver Morgan, giám đốc bộ phận thông tin khẩn cấp và đánh giá rủi ro sức khỏe của WHO, các ca nhiễm mới nằm rải rác ở "một số ổ dịch riêng biệt", chủ yếu đã được ghi nhận từ trước.

Trong diễn biến khác, FED đã quyết định vẫn sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản như hiện nay trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ được đánh giá ở mức tôt.

Theo Biên bản họp tháng 1/2020 của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) mới được công bố ngày 20/2, các quan chức FED đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của FED cũng lưu ý về rủi ro do dịch virus Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc đem đến đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và nền kinh tế toàn cầu.

Các quan chức FED cho biết mức lãi suất có thể sẽ được giữ nguyên trong thời gian tới. Biên bản họp cho thấy FED nhận định lập trường chính sách kinh tế hiện tại có khả năng vẫn phù hợp trong một thời gian tới để hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ một cách bền vững, củng cố điều kiện thị trường lao động mạnh mẽ và giúp lạm phát quay trở lại mức 2% theo mục tiêu của FED.

Ngoài ra, giá vàng ngày 22/2 còn nhận được lực đẩy từ việc đồng USD bất ngờ suy yếu mạnh. Ghi nhận cùng thời điểm, theo giờ Việt Nam, chỉ số đô la Mỹ, chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chính, đứng ở mức 99,262 điểm, giảm 0,52%.

Tại thị trường trong nước, theo diễn biến của giá vàng thế giới, trong phiên 21/2, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng mạnh, từ 540 – 650 ngàn đồng/lượng.

Cụ thể, giá vàng 9999 được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 45,25 – 45,65 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 45,32 – 45,62 triệu đồng/lượng.

Tại Phú Quý SJC, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 45,35 – 45,55 triệu đồng/lượng và tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 45,38 – 45,58 triệu đồng/lượng.

Minh Ngọc