Gia tăng rào cản với hàng xuất khẩu

19:00 | 22/03/2013

764 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 22/3, tại diễn đàn xuất khẩu 2013 với chủ đề: “Đối thoại cùng tham tán thương mại”, hầu hết tham tán thương mại của nước ta tại các nước nhận định, năm 2013 các nước đang gia tăng kiểm soát nhập khẩu bằng rào cản thương mại, kỹ thuật.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm, các chuyên gia dự báo, xu hướng bảo hộ ở các nước sẽ gia tăng. Các quốc gia sẽ tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước thông qua chính sách tỷ giá, các biện pháp kỹ thuật, các biện pháp chống bán phá giá. Điều này, sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cả nước nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng.

Các tham tán thương mại của Việt Nam tại các nước cho rằng: Để hoạt động xuất khẩu có thể thoát ra khỏi hàng rào thuế quan và phi thuế quan đòi hỏi Nhà nước và doanh nghiệp phải có sự hợp tác ở tầm vĩ mô; xây dựng chiến lược đáp ứng được nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, đặc biệt phải đồng lòng, đồng sức chống lại các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.

Bên cạnh khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng gặp khó khăn bởi sự gia tăng các rào cản thương mại

Ngoài khó khăn trên, hiện nay khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu nước ta nằm ở khâu phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, đầu ra cho xuất khẩu. Nguyên nhân do hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của nước ta như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… đều phải đối mặt với những vấn đề nội tại trong năm 2013.

Trong nước, mặc dù lãi suất bình quân cho vay đã giảm mạnh xuống còn 12 – 13%/năm nhưng vẫn còn quá cao so với nguồn vốn vay của các doanh nghiệp FDI. Nợ xấu, hàng tồn kho tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, vẫn còn nhiều thuận lợi và cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013. Đặc biệt, các nước Mỹ, EU và Nhật đều đang tung ra các gói kích cầu giúp nhu cầu tiêu dùng tại các nước này tăng trưởng. Điều đó, gián tiếp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của nước ta.

Kinh tế trong nước cũng đang có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ, ngoại hối ổn định. Chính phủ và các bộ ngành đang tích cực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Công tác phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan nhà nước các cấp, các tổ chức xúc tiến thương mại, các tham tán thương mại ở ngoài nước cũng đã đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng hết sức nỗ lực vượt qua mọi khó khăn: linh hoạt, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, bạn hàng; cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giao thương của mình thông qua việc tìm hiểu, nắm bắt tình hình mới nhất về kinh tế, thương mại, thị trường ở nước sở tại. Qua đó, cập nhật và cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời, chính xác, phục vụ tốt cho hoạt động của cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Các thương vụ cũng đã tích cực hỗ trợ nhiều đoàn Việt Nam sang các nước khảo sát thị trường; tư vấn cho các doanh nghiệp đàm phán hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, quảng bá sản phẩm.

Các thương vụ cũng đã thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, tranh chấp giữa Việt Nam và nước sở tại; liên hệ với các cơ quan hữu quan trong việc điều tra, xác minh, giải quyết các vụ việc gian lận thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá.

Dự kiến, năm 2013 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng khoảng 10% so với năm 2012, (đạt khoảng 124,3 tỷ USD), kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 8% kim ngạch xuất khẩu... 

Mai Phương