Gần 365 ngày chiến sự Nga - Ukraine

10:37 | 21/02/2023

607 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga có thể là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trong lịch sử, nhưng tổn thất kinh tế vẫn không ngăn được chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine cho đến nay.
Nga chỉ ra bên có thể chấm dứt xung đột UkraineNga chỉ ra bên có thể chấm dứt xung đột Ukraine
Những được - mất của nền kinh tế Nga một năm sau chiến sựNhững được - mất của nền kinh tế Nga một năm sau chiến sự
Nga - Ukraine
Các binh sĩ Nga tại một khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở Donetsk hồi tháng 3/2022.

Trong những tuần trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Biden đã tìm cách ngăn chặn nó bằng cách cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin về "những hậu quả kinh tế mà ông ấy chưa từng thấy".

Tuy nhiên, khi Điện Kremlin bắt đầu cuộc tấn công vào ngày 24/2/2022, Mỹ và hàng chục đồng minh đã sẵn sàng tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại nhằm làm tê liệt nền tài chính của Nga, cô lập nền kinh tế của nước này.

Tác động ban đầu của các biện pháp trừng phạt có vẻ nguy hiểm, khiến đồng ruble sụp đổ, hệ thống ngân hàng run rẩy và các công ty trên toàn thế giới ngừng xuất khẩu hàng hóa quan trọng sang Nga.

Tuy nhiên, một năm sau, Nga vẫn kiên cường hơn nhiều người mong đợi, nhờ xuất khẩu dầu khí, điều hành khéo léo của ngân hàng trung ương và sự phục hồi gần đây trong thương mại với Trung Quốc và các nước khác. Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm tổn thương sâu sắc nền kinh tế và quân sự của Nga, đồng thời gây ra xích mích trong giới tinh hoa, nhưng không đủ để thay đổi tính toán của Tổng thống Putin và chấm dứt chiến tranh.

Liên tiếp các lệnh trừng phạt

Với hơn 3.000 cá nhân và tổ chức bị Mỹ nhắm mục tiêu, Nga có thể phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn bất kỳ quốc gia nào "trong lịch sử loài người", một nhóm các nhà kinh tế và chuyên gia về Nga đã viết trong một báo cáo được tổ chức phi lợi nhuận Free Russia Foundation công bố vào tháng 1. Song, bất chấp một số điểm yếu về kinh tế, Nga vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine.

"Thay vì tăng trưởng, chúng ta ghi nhận sự suy giảm. Nhưng trên tất cả, đó chắc chắn không phải là sự sụp đổ, đó không phải là một thảm họa. Chúng ta không thể nói rằng nền kinh tế Nga đang bị tàn phá, rằng nó bị phá hủy, rằng ông Putin thiếu tiền để tiếp tục cuộc chiến của mình. Không, điều đó không đúng", Sergey Aleksashenko, cựu Phó Chủ tịch thứ nhất của Ngân hàng Trung ương Nga, cho biết tại một cuộc thảo luận ở Washington vào tháng trước.

Có những dấu hiệu cho thấy "vận may" của Tổng thống Putin có thể bắt đầu cạn kiệt, khi các nước phương Tây áp đặt các giới hạn khắt khe đối với xuất khẩu năng lượng của Nga, điều mà ban đầu họ tránh né vì lo sợ sẽ làm tê liệt châu Âu và làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu.

Kể từ đầu tháng 12/2022, những hạn chế mới đối với xuất khẩu dầu của Nga đã khiến thâm hụt ngân sách của nước này gia tăng, khiến Điện Kremlin phải thực hiện các biện pháp tăng thu khẩn cấp và góp phần làm đồng ruble mất giá 19%.

James O'Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối Trừng phạt thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết các lệnh trừng phạt đang đáp ứng mục tiêu của họ là làm cạn kiệt tài chính và công nghệ mà Nga cần để hỗ trợ quân đội. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ là "một công cụ để ngăn chặn chiến tranh", ông nói thêm.

Quan chức Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn: "Họ phải làm việc với các công cụ khác. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang hạn chế các lựa chọn của Nga trên chiến trường và các nguồn lực của họ để khôi phục lại những gì họ đang làm trên chiến trường. Và điều đó, kết hợp với hỗ trợ quân sự và hỗ trợ dân sự cho Ukraine, sẽ mang đến chiến thắng".

Đe dọa nền kinh tế

Nga có vẻ không ổn trong những ngày đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine, khi các chính phủ phương Tây đóng băng một phần lớn dự trữ ngoại tệ của nước này, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính và đẩy các ngân hàng lớn ra khỏi SWIFT, hệ thống thanh toán quốc tế vốn là xương sống của ngân hàng toàn cầu.

Các biện pháp này đã gây ra sự hoảng loạn về tài chính, khiến hàng dài người xếp hàng bên ngoài các máy ATM vì người Nga lo sợ đồng ruble sụp đổ và thiếu tiền mặt.

Cựu thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov tuyên bố trên Twitter rằng việc đóng băng dự trữ ngân hàng trung ương sẽ khiến chính phủ không có phương tiện hỗ trợ đồng ruble. "Họ sẽ bật máy in. Siêu lạm phát và thảm họa đối với nền kinh tế không còn xa", ông Kasyanov nhấn mạnh.

Nhưng các biện pháp đối phó nhanh chóng của Ngân hàng Trung ương Nga đã sớm khôi phục lại sự ổn định. Nhà chức trách Nga khi đó đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lên 20% và áp đặt các hạn chế hà khắc đối với việc trao đổi tiền tệ, rút ​​tiền và chuyển tiền cứng ra nước ngoài. Các biện pháp này đã ngay lập tức đảo ngược sự trượt giá của đồng ruble.

Prokopenko, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga, người đã rời đất nước vào cuối tháng 3 năm ngoái nói rằng: "24 giờ làm việc sau cánh cửa đóng kín thực sự rất khó khăn. Không có sự hoảng loạn. Nhưng mọi người đều bị sốc sau cuộc xung đột. Không ai mong đợi một cuộc xâm lược toàn diện và chiến tranh thực sự".

Các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất khẩu của phương Tây ban đầu cũng đã đóng băng phần lớn hoạt động thương mại của thế giới với Nga, gây ra sự sụt giảm trong nhập khẩu của nước này.

Ngoài ra, phương Tây cũng áp đặt lệnh cấm các công ty trên toàn cầu bán cho Nga chip máy tính và các hàng hóa công nghệ cao khác mà nước này cần để chế tạo vũ khí và phương tiện quân sự. Họ cũng cắt đứt nhiều liên kết ngân hàng đến mức các nhà nhập khẩu Nga gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các đối tác ở nước ngoài.

Đến tháng 4/2022, nhập khẩu của Nga thấp hơn 43% so với mức trước khi xảy ra chiến tranh, theo một báo cáo gần đây của tổ chức nghiên cứu chính sách Silverado Policy Accelerator.

Theo các quan chức Mỹ, những hạn chế đã cản trở cơ sở công nghiệp quân sự của Nga. Những người này nói rằng, sự phụ thuộc gần đây của Nga vào vũ khí cũ chứng tỏ rằng họ không thể bổ sung đạn dược của mình.

"Họ đã bắt đầu với một số vũ khí tinh vi nhất và hiện tại họ đang sử dụng các phiên bản cải tiến cơ bản" - Don Graves, Thứ trưởng Thương mại, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

"Về cơ bản, họ đã phải rút các bộ phận ra khỏi toàn bộ các thiết bị như tháo dỡ máy rửa bát, máy giặt... để lấy các bộ phận cần thiết phục vụ quân đội", Graves nói, từ chối nêu chi tiết nguồn gốc của thông tin tình báo đó.

Alan Estevez, cựu quan chức Lầu Năm Góc hiện đang giám sát các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với tư cách là Thứ trưởng Bộ Thương mại về Công nghiệp và An ninh, cho biết trong khi quân đội Nga tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine, thì việc thiếu vũ khí hiện đại đang kìm hãm nước này.

Ông Estevez nói trong một cuộc phỏng vấn: "Việc tiêu diệt một khẩu đội HIMARS mà không có vũ khí dẫn đường chính xác sẽ khó khăn hơn nhiều vì bạn cần nhắm mục tiêu chính xác để làm điều đó". Tuy nhiên, nhờ quan hệ thương mại của Nga với Trung Quốc đang hồi sinh, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đang bị rò rỉ. Tính đến tháng 11/2022, chỉ riêng xuất khẩu chip sang Nga từ Trung Quốc và Hồng Kông đã tăng lên 55% tổng xuất khẩu chip trung bình trước chiến tranh từ tất cả các quốc gia, theo dữ liệu xuất khẩu được phân tích bởi Silverado Policy Accelerator.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột Nga - Ukraine được dự đoán sẽ rất khó khăn đối với Ukraine. Các nhà phân tích quân sự cho rằng, Ukraine sẽ phải tiến hành cuộc tấn công lớn nếu muốn giành lợi thế trước quân đội Nga vốn đã có thời gian khôi phục lực lượng sau mùa Hè và mùa Thu năm 2022.

Nhiều nguồn tin cho thấy, Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo trầm trọng và đây là trở ngại lớn khi Ukraine muốn tiến hành cuộc tấn công lớn ở khu vực miền Nam.

Trong gần 1 năm qua, đã có rất nhiều suy đoán về lằn ranh đỏ của Nga. Có thể kể đến vụ soái hạm Moska bị chìm, vụ nổ trên cầu Crimea đến những cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga... Tất cả đều làm dấy lên các cuộc tranh luận về lằn ranh đỏ của Nga.

Không ai dự đoán được điều gì có thể khiến Tổng thống Nga sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó Ukraine. Trên hết, ông Putin hiểu rõ hậu quả nghiêm trọng của bước đi như vậy.

Nếu có một tình huống buộc nhà lãnh đạo Nga phải sử dụng loại vũ khí này thì suy đoán hàng đầu vẫn là việc Ukraine mở đợt tấn công để giành lại quyền kiểm soát Crimea.

Phương Tây không có lựa chọn

Thật khó để kết luận rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine thực sự mang lại lợi ích cho Mỹ và châu Âu, giới phân tích nhận định. Nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát phi mã và kho vũ khí dần cạn kiệt là những gì họ đang phải đối mặt ở thời điểm này.

Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 2, phương Tây dường như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine với hy vọng Kiev sẽ đảo ngược tình thế.

Khi Nga và Ukraine không chấp nhận thỏa hiệp, không rõ phương Tây có thể tiếp tục viện trợ cho Kiev với mức độ như hiện nay trong bao lâu.

Giới phân tích nhận thấy, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể kết thúc theo 3 kịch bản: Nga chiến thắng, Ukraine chiến thắng hoặc cả 2 bên đều rơi vào bế tắc.

Kịch bản thứ nhất có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu quân sự với NATO và Nga vì viễn cảnh Moscow chiếm ưu thế trên chiến trường có thể khiến NATO sẵn sàng đáp trả lời kêu gọi can thiệp trực tiếp để hỗ trợ Ukraine. Kịch bản thứ 2 có thể dẫn đến một cuộc xung đột hạt nhân, trong khi kịch bản thứ 3 sẽ khiến xung đột kéo dài tương tự như trên bán đảo Triều Tiên.

Bình An